Đa cấp bất động sản ở Đức lừa đảo 1 tỷ USD của nhà đầu tư

Từ Anh đến Singapore, nhà đầu tư ngơ ngác khi công ty GPG đột ngột tuyên bố phá sản cùng khoản đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD cũng 'bốc hơi' theo.

Theo Bloomberg, với lời mời chào hấp dẫn nhà đầu tư khi biến những tu viện cũ, lâu đài và di tích lịch sử quân sự thành những căn hộ lấp lánh, các nhà đầu tư nhanh chóng bị thu hút bởi cơ hội đầu tư tiềm năng của German Property Group (GPG).

Hơn hết, lời hứa hẹn lợi nhuận hai con số từ 2-5 năm tại một khu bất động sản ở Đức - nơi nổi tiếng an toàn để kinh doanh - càng khiến nhà đầu tư vững tin.

Tuy nhiên, thực tế lại khác xa so với những gì được quảng cáo. Ước tính, các nhà đầu tư ở Vương quốc Anh phải đối mặt với khoản lỗ hơn 418 triệu USD khi lầm tin vào phi vụ đầu tư này. Nhà đầu tư Hàn Quốc cũng lỗ hơn 436 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư ở Singapore, Ireland và các nơi khác cũng bị lừa, ước tính số tài sản bị bốc hơi lên tới từ 1-1,5 tỷ USD.

Hoạt động từ năm 2008, GPG - tâm điểm trong vụ bê bối đã đệ đơn xin phá sản vào năm ngoái. Cú rút lui đột ngột của GPG khiến giới đầu tư ngơ ngác, tự hỏi liệu những hứa hẹn trước đó, từ lợi nhuận ban đầu cho đến khả năng phát triển bóng bẩy, có điều gì là thật hay không.

Dự án bất động sản tại Salzgitter-Thiede mà GPG huy động đầu tư từ các nhà đầu tư châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 3 năm nay, các công tố viên Đức đã đột kích vào nhà của ông Charles Smethurst - nhà sáng lập công ty và văn phòng một doanh nghiệp liên quan. Hành động này nằm trong cuộc điều tra hình sự đang diễn ra về các cáo buộc gian lận đa cấp liên quan đến công ty bất động sản.

Tuy nhiên, ông Smethurst vẫn chưa nộp khoản phí phạt nào. Theo luật sư Gerhard Strate, ông Smethurst đang hợp tác cuộc điều tra và từ chối bình luận về các vấn đề liên quan.

Lợi dụng kẽ hở luật pháp đối với nhà đầu tư nước ngoài

Ông Smethurst và tập đoàn bất động sản GPG (trước đây là Dolphin Trust ) của ông đã lợi dụng mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đấu tư nước ngoài đối với các loại tài sản xuyên biên giới để trục lợi.

Nhờ sự bùng nổ của giao dịch trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, ông Smethurst dễ dàng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và mang lại lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, phương thức này lại khiến việc thẩm định trở nên khó khăn hơn, khiến nhà đầu tư mù mờ không rõ về sản phẩm mình đang bỏ tiền xây dựng.

Khi lãi suất cho vay giảm, nhiều người đổ xô vào các loại tài sản thay thế như bất động sản. Xu hướng này đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

Thông qua trao đổi trực tuyến và các mối liên hệ trung gian, các sản phẩm của GPG được quảng cáo là một sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư được nhận thông tin tài chính chi tiết cùng dòng tiền dự kiến của từng dự án. Công ty cũng hứa hẹn cung cấp các chuyến tham quan dự án nếu có thể đến Đức.

Tờ Irishtimes tiết lộ GPG đã huy động được 129 triệu USD từ các nhà đầu tư Ireland bằng cách phát hành giấy vay nợ - một sản phẩm không được kiểm soát - để mua và cải tạo các tòa nhà ở Đức. Công ty hứa hẹn lợi nhuận hàng năm lên tới 15%. Các dấu hiệu vỡ nợ đầu tiên xảy ra vào cuối năm 2019.

Tòa nhà bỏ hoang hay gọi là "Nhà Trắng" ở Zossen, gần thủ đô Berlin, được giới thiệu là cơ hội tái phát triển bất động sản sang trọng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Số tiền thu được thực tế đến từ các hợp đồng cho vay, trong khi công ty lợi dụng kẽ hở để lọt lưới pháp luật. Do nhà đầu tư của GPG hầu hết là cá nhân và tổ chức nước ngoài, các nhóm bảo vệ nhà đầu tư trong nước đã không quan tâm nhiều đến hoạt động bất thường của công ty này.

Chính quyền nước ngoài cũng không có thẩm quyền tác động tới GPG. Ông Mark Hambling, 59 tuổi, một nhà đầu tư người Anh dẫn đầu nhóm 2.000 nhà đầu tư khác của GPG, cho biết: "Những hành động chậm chạp và thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý khiến tôi hoàn toàn tức giận".

Ông Hambling cho biết đã bỏ vào khoảng 800.000 bảng Anh (1,1 triệu USD) để đầu tư vào dự án "ma" của GPG. "Đó lẽ ra là tài sản thừa kế của bọn trẻ nhà tôi", ông bức xúc.

Hambling cho biết ban đầu, mọi thứ đều có vẻ ổn định. Ông nhận được trả tiền lãi đúng hạn trong 4 năm. Tuy nhiên, mọi thứ dần đi lệch kỳ vọng của ông kể từ năm 2019.

David Law - một người về hưu sống tại Singapore - cũng bỏ tiền vào dự án đầu tư bất động sản ở nước Đức xa xôi. Ông cho biết sau hai năm, vợ chồng ông kiếm được khoảng 24% trên khoản đầu tư 29.000 USD ban đầu.

"Điều đó khiến tôi tin tưởng", ông nói. Ông Law tiếp tục đầu tư thêm 22.500 USD vào năm 2016 từ sau lời mời chào của nhân viên bán hàng của công ty Shenton Holdings. "Giờ đây tôi mới biết nó chỉ là một cái bẫy đầy cám dỗ", ông nói.

Ông Im Won-hyo, 62 tuổi, cũng là nạn nhân của trò lừa đảo. Năm 2018, một nhân viên ngân hàng Shinhan Hàn Quốc thuyết phục ông đặt cọc 178.000 USD tiền trợ cấp và tiền thuê nhà để đầu tư. "Tôi thậm chí còn chưa bao giờ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Dù tôi cũng hơi nghi ngờ nhưng họ khẳng định đã tới thăm dự án này đến 5 lần rồi", ông kể.

Tuy nhiên, đại diện chi nhánh của ngân hàng này cho biết dù đã đến Đức năm lần, "nhưng mục đích của các chuyến công tác là để tham quan địa điểm xây dựng bất động sản và tham gia sự kiện chứ không phải thẩm định dự án", người này nói.

Những dấu hiệu lừa đảo

Tháng 7/2020, GPG đệ đơn phá sản ở Bremen, Đức. Công ty chìm trong mớ hỗn loạn trước tình thế phá sản. Công ty kiểm toán EY tại Đức đã được thuê để đánh giá sơ bộ về GPG. Báo cáo phát hiện GPG bao gồm hơn 200 công ty riêng lẻ trải dài từ Đức, qquần đảo Cayman cho đến Singapore. Tất cả nằm trong một mạng lưới quan hệ vô cùng phức tạp và chằng chéo.

Trong đó, mô hình kinh doanh đa cấp và lừa đảo thể hiện rõ trong quy trình hoạt động của công ty. Các đại lý giới thiệu thành công nhà đầu tư cho GPG sẽ nhận được khoản hoa hồng hơn 15%. Bên cạnh đó, báo cáo tiết lộ công ty đã chuyển hàng triệu euro dưới dạng cho vay hoặc thanh toán trực tiếp về các tài khoản gia đình của ông Smethurst.

Một số dự án bất động sản của GPG cũng không tốt như những gì được quảng cáo. Nhiều căn nằm trong các khu vực hẻo lánh, nghèo nàn và khó thể phát triển các loại hình nhà ở sang trọng. Những tài sản này ước tính chỉ trị giá khoảng 181 triệu USD.

Khu "Nhà Trắng" - một phần trong sự án xây dựng bất động sản cao cấp của GPG ở vùng Zossen. Ảnh: Bloomberg.

Luật sư Lim Jin Sung tại Công ty Luật Hannuri (Seoul) cho biết hai khách hàng của ông đã đầu tư tổng cộng 10,2 tỷ won (9 triệu USD) vào các giao dịch do ngân hàng Hana (môi giới) cung cấp.

Bề ngoài những dự án này là tái phát triển 10 lô đất trải dài từ một nhà in cũ cho đến trung tâm thành phố Leipzig. Tuy nhiên, mãi đến năm ngoái, nhà đầu tư mới ngỡ ngàng nhận ra 9 trong 10 khu đất này đang bỏ trống và không hề được cho phép xây dựng.

Các thị trấn Werder, Zossen ở Đông Đức và Salzgitter nằm trong danh mục đầu tư của GPG cũng bị bỏ hoang, không có dấu hiệu xây dựng dự án.

Người chờ bồi thường, kẻ lo sợ mất trắng

Sự sụp đổ đột ngột của GPG khiến giới đầu tư nước ngoài hoảng hốt. Trong khi nhiều đơn vị môi giới cố gắng bảo vệ khách hàng và tiến hành các phương pháp khiếu kiện, nhiều nhà đầu tư vẫn nơm nớp vì nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra.

Có khoảng 40 công ty môi giới tài chính đại diện cho hơn 1.800 nhà đầu tư Ireland bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của GPG đã đứng ra thành lập một liên minh hành động nhằm thanh lý tài sản còn dư lại để thu hồi khoản đầu tư đã mất.

Nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng sau khi GPG đột ngột tuyên bố phá sản. Ảnh: Bloomberg.

Cơ quan chức trách tại các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore và Anh cũng bắt đầu điều tra. Vụ lừa đảo quy mô lớn cũng được nhắc tới tại quốc hội Ireland.

Tại Hàn Quốc, nhà đầu tư mua sản phẩm từ các công ty tài chính như Shinahan, Hana, NH Investment & Securities và Woori có thể nhận lại một phần tiền đã bỏ ra nhờ cam kết bảo vệ khách hàng của những công ty này.

Trong khi đó, nhà đầu tư tại những quốc gia khác phải "than trời" vì nguy cơ mất trắng. Ở Singapore, đại lý môi giới các dự án cho GPG là Shenton Holdings và Shenton Wealth Holdings. Shenton Wealth đã không còn hoạt động, trong khi Shenton Holdings lại từ chối trả lời trước sự cố. Hai công ty này cũng không được quản lý bởi Cơ quan tiền tệ Singapore.

Nhà đầu tư tại Anh và Ireland đổ tiền đầu tư thông qua các công ty không được kiểm soát cũng có nguy cơ không được hỗ trợ bồi thường theo pháp luật.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-cap-bat-dong-san-o-duc-lua-dao-1-ty-usd-cua-nha-dau-tu-post1214665.html