Cựu tù Hỏa Lò U100: Tấm gương sáng cho con cháu noi theo

Dù đã ở độ tuổi gần 100, cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Ngọc Cưu vẫn cần mẫn, miệt mài lao động. Tuy đã nhiều lần được con cháu khuyên ngăn nhưng với ông 'có lao động mới khỏe, mới vui'. Ông Cưu và vợ đã luôn nỗ lực vượt khó, phát huy truyền thống cách mạng và quan tâm giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Giữa cái nắng oi ả trong một chiều trung tuần tháng 7 tôi tìm đến nhà cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Ngọc Cưu (ông còn có tên gọi khác lúc hoạt động kháng chiến là Nguyễn Ngọc Gào) tại thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Bên con đường nông thôn mới, hoa lá xanh tươi, sạch đẹp, ngôi nhà của ông Cưu hiện lên với vẻ thanh bình, yên ả.

Gặp ông Cưu, tôi không nghĩ rằng năm nay ông đã bước sang tuổi 96, cái tuổi mà “xưa nay hiếm” bởi sự nhanh nhẹn, minh mẫn của ông. Ông đón tiếp tôi với vẻ mặt tươi cười, phúc hậu và đúng với hình dáng của người thanh niên xung phong trong chiến trường xưa, rất đỗi mộc mạc, giản dị.

 Cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Ngọc Cưu. Ảnh: Diệu Huyền

Cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Ngọc Cưu. Ảnh: Diệu Huyền

Gia đình với truyền thống cách mạng

Ông Cưu sinh ra trong gia đình các thế hệ đều tham gia kháng chiến chống quân xâm lược. Ông nội và bố của ông trong kháng chiến vì giữ bí mật và bảo vệ đồng đội được an toàn đã phải chịu nhiều đòn roi, tra tấn dã man của địch. Đến thời ông Cưu, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông và em trai đều tham gia kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, người em trai của ông đã hy sinh.

Năm 1945, khi vừa bước sang độ tuổi 18, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Cưu đã tham gia hoạt động cách mạng với vai trò là giao liên. Với thân hình nhỏ nhắn, anh thanh niên luôn đóng giả làm học sinh để đưa thư liên lạc. Nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đến năm 1949 ông Nguyễn Ngọc Cưu bị địch phát hiện và bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Kể từ đó, chàng thanh niên sống trong cảnh tù, đày chịu mọi cực hình dã man của địch suốt 4 năm.

 Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày” của ông Cưu. Ảnh: Diệu Huyền

Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày” của ông Cưu. Ảnh: Diệu Huyền

Năm 1953, ông được ra tù với cơ thể không mấy lành lặn, nhiều vết thương rớm máu. Khi ấy, ông trở về điều trị một thời gian tại quê nhà. Bà Đặng Thị Bái, vợ ông Cưu tâm sự: “Khi nhìn thấy chồng trở về với cơ thể đầy vết thương, xương sườn bị đánh rạn, lòng tôi đau quặn thắt, các con thương bố chỉ biết ngồi khóc. Chiến tranh quả thật đã để lại nhiều đau thương, người mất trong cực hình thảm khốc, người sống thì bệnh tật đeo bám suốt đời”.

Hết thời chống Pháp, bước sang chống Mỹ ông Cưu đi học lớp y tá, đầu tiên ông đi phục vụ công nhân, các đoàn dân công, ông đi khi khắp mọi nơi từ Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… Đến năm 1965 ông được học tập tại trường trung cấp y ở Hà Đông, học xong về làm trạm trưởng trạm y tế xã nhà.

 Hội Cựu chiến binh xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội) đến mừng thọ ông Nguyễn Ngọc Cưu bước sang tuổi 95. Ảnh: NVCC

Hội Cựu chiến binh xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội) đến mừng thọ ông Nguyễn Ngọc Cưu bước sang tuổi 95. Ảnh: NVCC

Gương sáng cho con cháu noi theo

Ông Cưu, bà Bái sinh được 8 người con, 4 trai và 4 gái. Khi Đoàn không quân máy bay tuyển người, con trai cả của ông là Nguyễn Ngọc Thiết (sinh năm 1955) đã xung phong tham gia, trước khi đi anh nói “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Và người con trai xung phong ra trận năm ấy đã hy sinh năm 1978 trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tại chiến trường Campuchia. Dù anh trai đã hy sinh tại chiến trường, nhưng cứ đến độ tuổi nhập ngũ, các em trai của liệt sĩ Thiết, con trai của ông Cưu chẳng cần phải ai gọi tên, luôn tự nguyện xung phong tham gia lên đường tòng quân.

Năm 1979 có người khác lên thay ông Cưu làm trạm trưởng trạm y tế xã, ông về hưu sớm cùng vợ làm ruộng, nuôi cá, làm đá… để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Dù cuộc sống nghèo đói, song ông bà vẫn luôn cố gắng cho các con học hành đầy đủ. Người dân ở làng hễ cứ có ai ốm đau, có người cần đỡ đẻ,… là ông Cưu luôn sẵn sàng tới tận nhà thăm, chữa. Đặc biệt với những gia đình còn nghèo khó ông thường chữa bệnh miễn phí.

Anh Nguyễn Ngọc Bảy, con trai út của ông Cưu tâm sự: "Gia đình tuy đông anh chị em, cuộc sống còn vất vả, nghèo đói nhưng bố mẹ tôi không bao giờ để con cái phải bỏ học. Bởi có học hành mới hiểu biết, nên người. Bố mẹ cũng luôn dạy bảo chúng tôi phải biết yêu thương chia sẻ với mọi người xung quanh".

Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ và thế hệ đi trước, các con của ông Cưu, bà Bái đều luôn luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ, cố gắng học hành ngay từ khi còn nhỏ. Đến nay khi đã có sự nghiệp vững chắc các con của ông bà lại tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư chi bộ thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Gia đình ông Cưu, bà Bái luôn chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực lao động, nuôi dạy con cái trưởng thành, thành đạt. Đặc biệt gia đình luôn đi đầu trong các phong trào đóng góp trong thôn, trong xã, có thể nói gia đình cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Ngọc Cưu là gia đình chính sách tiêu biểu của địa phương.

Hiện nay, ông Cưu có 2 người con trai đều là chủ doanh nghiệp điêu khắc, chế tác đá mỹ nghệ lớn ở địa phương. Hàng năm tạo việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng, góp phần gìn giữ nghề truyền thống của thôn Long Châu Miếu.

Không những làm kinh tế giỏi, các con của ông Cưu, bà Bái luôn tích cực đóng góp vào các phong trào của địa phương. Năm 2016 gia đình ủng hộ 60 triệu đồng vào việc mở rộng đường làng, ngõ xóm, mới đây tháng 5-2023 ủng hộ gần 20 triệu đồng sửa đoạn đường thường xuyên gây tai nạn tại xóm nhà. Bên cạnh đó, gia đình ông còn công đức ủng hộ xây dựng, cải tạo các công trình tâm linh Đình, Chùa của quê hương với số tiền lớn. Trong đợt dịch Covid-19 gia đình ông bà thường xuyên mua các vật phẩm như: mì tôm, nước, sữa, hoa quả… để động viên tinh thần cho các đồng chí tham gia trực chốt chống dịch. Tất cả các hoạt động của Hội Phụ nữ, Thanh niên, thiếu niên khi kêu gọi ủng hộ gia đình ông bà luôn đi đầu, đặc biệt là Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã.

 Đại gia đình ông Cưu, bà Bái quây quần trong ngày Tết. Ảnh: NVCC

Đại gia đình ông Cưu, bà Bái quây quần trong ngày Tết. Ảnh: NVCC

Các con, cháu trong gia đình của ông Cưu, bà Bái luôn sống thuận hòa, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng ông bà. Vui sống bên các con, các cháu hiếu thảo nên dù năm nay ông Cưu đã bước sang tuổi 96, bà Bái bước sang tuổi 92 vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Ông bà luôn luôn dặn con cháu phải cố gắng học hành, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Mải nghe những câu chuyện của ông Cưu về thời chiến, ấy vậy trời cũng đã chuyển tối, chia tay gia đình ông Cưu trong đầu tôi vẫn cứ vang mãi câu nói: "Gia đình tôi luôn nghe Đảng, nghe Bác Hồ. Tôi luôn dạy dỗ và khuyên con cháu phải nêu gương truyền thống của gia đình bởi gia đình mình là gia đình cách mạng...".

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự - Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-tu-hoa-lo-u100-tam-guong-sang-cho-con-chau-noi-theo-736981