Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - nhân vật ảnh hưởng lớn đến chính trường Thái Lan

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Thái Lan và thế giới khi trở về nước sau 17 năm sống lưu vong dù phải chịu bị bắt ngay tại sân bay và nhận án tù 8 năm.

Việc ông Thaksin Shinawatra (74 tuổi) - cựu thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan - ngày 22-8 trở về nước lần đầu sau 17 năm sống lưu vong đang được dư luận thế giới quan tâm.

Cuộc hồi hương của ông Thaksin càng được chú ý nhiều hơn khi nó diễn ra trùng với ngày quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng mới sau 3 tháng bế tắc.

Trong nhiều tuần qua, cựu Thủ tướng Thaksin đã nói bóng gió về khả năng hồi hương. Chuyến bay trở về Thái Lan của ông vào sáng 22-8 đã được hàng ngàn người theo dõi. Rất nhiều người dân, quan chức cấp cao của Thái Lan đã ra sân bay quốc tế Don Mueang, thủ đô Bangkok để đón ông.

Dưới đây là những thông tin về nhân vật đặc biệt này, theo đài CNN.

Ông Thaksin Shinawatra tại sân bay Don Muang, thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 22-8. Ảnh: REUTERS

Ông Thaksin Shinawatra tại sân bay Don Muang, thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 22-8. Ảnh: REUTERS

Vị Thủ tướng vừa được yêu thích, vừa bị ghét

Ông Thaksin là thành viên của gia tộc Shinawatra - một gia tộc gốc Hoa giàu có, nổi tiếng ở Thái Lan. Ông đã thành lập đảng Thai Rak Thai vào năm 1998 và lên nắm quyền thủ tướng Thái Lan sau chiến thắng vang dội của đảng này trong cuộc bầu cử năm 2001.

Ông trở nên cực kỳ nổi tiếng với người nghèo ở nông thôn nhờ những chính sách chăm sóc y tế, giảm nợ. Các doanh nghiệp cũng có thiện cảm với ông nhờ chính sách kinh tế “Thaksinomics”, vốn đã mở ra một kỷ nguyên thành công cho kinh tế Thái Lan.

Các chính sách như cung cấp khoản vay và tạm hoãn nợ cho nông dân, trợ cấp giá nhiên liệu và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục hướng tới người dân vùng nông thôn giúp ông được dân nghèo yêu quý. Tuy nhiên, chính quyền ông Thaksin không được lòng giới thượng lưu và ông cũng thường xuyên bị chỉ trích tham nhũng, hành xử không khéo léo, sử dụng quyền hành thái quá, không tôn trọng nhà vua...

Ông Thaksin giành thắng lợi trong 2 cuộc bầu cử tiếp theo. Đến năm 2006, ông bị quân đội lật đổ trong một cuộc chính biến khi ông đang ở TP New York (Mỹ) tham dự một cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

Sau khi bị lật đổ, ông sang Anh sống cùng con gái. Tại Anh, ông đã mua câu lạc bộ bóng đá Anh Manchester City với giá 82 triệu bảng Anh, một năm sau đó, ông bán câu lạc bộ này lại cho tập đoàn Abu Dhabi United (UAE) với giá 200 triệu bảng Anh, theo đài Fox Sports.

Ông Thaksin sau đó có trở lại Thái Lan một thời gian ngắn. Đến năm 2008, ông rời đất nước sống lưu vong sau khi bị Tòa án Tối cao Thái Lan kết án vắng mặt với tổng cộng 12 năm tù liên quan 4 cáo buộc về lạm quyền, tham nhũng...

Ảnh hưởng chính trị của ông Thaksin ở Thái Lan

Ông Thaksin Shinawatra và con gái là cô Paetongtarn Shinawatra tại sân bay Don Muang, thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 22-8. Ảnh: REUTERS

Ông Thaksin Shinawatra và con gái là cô Paetongtarn Shinawatra tại sân bay Don Muang, thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 22-8. Ảnh: REUTERS

Theo CNN, dù không có mặt ở Thái Lan, ông Thaksin vẫn giữ được mức độ ảnh hưởng to lớn đến nền chính trị nước này. Từ năm 2001 đến nay, các đảng chính trị liên minh với ông Thaksin đều giành được nhiều ghế trong quốc hội Thái Lan.

Năm 2011, bà Yingluck Shinawatra - em gái ông Thaksin trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Bà Yingluck đã bị cách chức vào năm 2014 sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng bà đã lạm dụng chức vụ.

Trong cuộc bầu cử năm nay, đảng Vì nước Thái có liên kết với ông đang dẫn đầu liên minh 11 đảng để lập chính phủ mới. Hồi tháng 5, con gái ông Thaksin là cô Paetongtarn Shinawatra được đảng Vì nước Thái lựa chọn là một trong 3 ứng viên thủ tướng của đảng này.

Ông Thaksin nói rằng quyết định trở lại của ông không liên quan gì đến nỗ lực thành lập chính phủ của đảng Vì nước Thái, nhưng nhiều người tin rằng đảng này đã thỏa thuận với các đảng thân quân đội để tạo điều kiện cho ông Thaksin về nước.

Trở về Thái Lan, chuyện gì sẽ xảy ra?

Ngay sau khi trở về Thái Lan trong sáng 22-8, ông Thaksin đã bị bắt và bị Tòa án tối cao Thái Lan tuyên án 8 năm tù liên quan 3 vụ án mà tòa tuyên án vắng mặt trong thời gian ông sống lưu vong.

Trong vụ việc đầu tiên, ông Thaksin bị tòa án kết tội 5 năm tù với cáo buộc bổ nhiệm các quan chức chính phủ là những người từng nằm giữ cổ phần của Tập đoàn viễn thông Shin Corp của gia đình ông.

Với vụ án thứ hai, ông Thaksin nhận bản án 3 năm tù vì lạm dụng chức vụ khi ủy quyền cho Myanmar vay 4 tỉ baht với lãi suất thấp ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Exim) Thái Lan. Tòa án cho rằng khoản vay trên nhằm phục vụ lợi ích cho công ty Shin Satellite thuộc gia đình ông Thaksin.

Vụ án thứ 3, ông bị kết án 2 năm tù vì lạm dụng quyền lực mở hai chương trình xổ số từ năm 2003 đến năm 2006.

Ngoài ra, ông Thaksin cũng bị kết tội lạm quyền khi mua đất thuộc sở hữu nhà nước ở đường Ratchadaphisekm (thủ đô Bangkok) với giá thấp hơn giá thị trường. Ông bị kết án 2 năm tù nhưng thời hiệu đối với phán quyết của tòa án đã hết hạn vào tháng 10-2018.

Tờ Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Tòa án Công lý Thái Lan cho biết thời gian chấp hành án phạt tù của ông Thaksin trong thực tế phụ thuộc phán quyết của tòa án.

Ngoài ra, ông Thaksin cũng có quyền xin hoàng gia Thái Lan ân xá cho mình. Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Wissanu Krea-ngam nói rằng ông Thaksin có đủ điều kiện để xin hoàng gia ân xá và có thể xin được đối xử đặc biệt vì tuổi tác của ông đã cao.

Ông Napon Jatusripitak - nhà nghiên cứu khoa học chính trị và là thành viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak - ISEAS (Singapore) dự đoán: “Quyết định quay trở lại Thái Lan của Thaksin cho thấy rằng ông ấy đã nhận được sự đảm bảo rằng sẽ không phải chấp hành toàn bộ án tù”.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-thu-tuong-thaksin-shinawatra-nhan-vat-anh-huong-lon-den-chinh-truong-thai-lan-post747951.html