Cứu sống hai bệnh nhân viêm ruột thừa cấp, nhồi máu cơ tim cấp

Ngày 3/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đơn vị vừa cứu sống 2 bệnh nhân viêm ruột thừa cấp, nhồi máu cơ tim cấp.

Theo đó, bệnh nhân nữ H. T. H. (59 tuổi, ngụ Vĩnh Long) được chuyển đến từ tuyến trước kèm chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, viêm ruột thừa cấp. Bệnh nhân H. có tiền sử tai biến mạch máu não, đã điều trị ổn định.

Tình trạng khối áp-xe nhiều mủ trắng đục của bệnh nhân H.

Tình trạng khối áp-xe nhiều mủ trắng đục của bệnh nhân H.

Xuất hiện đau bụng âm ỉ, buồn nôn, đau ngực trái từng cơn, càng lúc càng tăng, bệnh nhân H. nhập viện tại địa bàn thành phố Cần Thơ điều trị. Tại đây, bệnh nhân H. được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, nhồi máu cơ tim cấp.

BS.CKII. Thái Đắc Vinh – Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, 2 bệnh lý của bệnh nhân đều là bệnh lý cấp cứu, tuy nhiên, đánh giá thấy nhồi máu cơ tim hiện ổn định, nguy cơ thấp nên việc can thiệp sẽ thực hiện trong vòng 24h.

“E-kip quyết định phẫu thuật cấp cứu ruột thừa, xác định khối áp-xe kích thước 5x5cm ở hố chậu phải, tách ổ áp-xe nhiều mủ trắng đục, ruột thừa sau manh tràng hoại tử vỡ ở thân tạo ổ áp-xe”, BS Vinh cho hay.

Tương tự cũng viêm ruột thừa cấp và nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân L. T. N (73 tuổi, ngụ Bạc Liêu) được chuyển đến bệnh viện ngày 21/12.

Ngay lập tức, bệnh nhân N. được các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt thành công ruột thừa bị viêm và mưng mủ.

Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định, được theo dõi và điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp.

Theo BS Vinh, dấu hiệu điển hình của Viêm ruột thừa cấp là đau vùng hố chậu phải, biến đổi đa dạng tùy vào từng người bệnh. Thông thường, phẫu thuật cắt ruột thừa là giải pháp tối ưu nhất để tránh vỡ hoặc hoại tử cơ quan.

BS Vinh cho biết thêm, nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn và tử vong.

“Phẫu thuật bệnh nhân nhồi máu cơ tim, suy tim nặng cần được tiến hành thận trọng trên cơ sở khám, đánh giá toàn diện người bệnh, nhiều chuyên khoa gây mê hồi sức, nội tim mạch, tim mạch can thiệp trước.., trong và sau phẫu thuật để ổn định nhanh nhất tình trạng tim mạch. Ngoài ra, bác sĩ cần kiểm soát tốt lượng dịch truyền trong mổ vì dễ nguy cơ gây phù phổi cấp”, BS Vinh lưu ý.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cuu-song-hai-benh-nhan-viem-ruot-thua-cap-nhoi-mau-co-tim-cap-164680.html