Cựu Ngoại trưởng Đức: Khí đốt giá rẻ của Nga sẽ không quay trở lại

Cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Augsburger Allgemeine tuần trước, kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề trong hai năm qua, bao gồm cả nhập khẩu năng lượng giá rẻ.

Trong hai năm qua, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Đức đã sụt giảm sâu hơn dự kiến do thiếu nguyên liệu thô và năng lượng, khiến giá cả tăng vọt.

“Chúng ta đang ở trong tình thế phải đối mặt với một vấn đề lớn về kinh tế, công nghệ và chính sách an ninh. Khí đốt giá rẻ của Nga đã biến mất và sẽ không quay trở lại. Thị trường xuất khẩu rộng lớn của Trung Quốc đã chuyển từ cơ hội thành mối đe dọa”, ông Fischer giải thích trong cuộc phỏng vấn.

Trong hai năm qua, Đức và các nền kinh tế châu Âu đã phải chịu cú sốc nguồn cung và giá năng lượng tăng cao. Ảnh: RT.

Nền kinh tế hàng đầu của EU được hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ của Nga trong hơn hai thập kỷ. Nước này phải phụ thuộc vào quốc gia bị trừng phạt 40% lượng khí đốt nhập khẩu trước năm 2022, khiến nước này trở thành một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc cắt giảm nguồn cung.

Với sự phụ thuộc trước đây vào khí đốt của Nga và tầm quan trọng của năng lượng giá rẻ đối với nền kinh tế nặng về công nghiệp, Đức nổi bật trong số các nước EU khi phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt.

Đầu tuần này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cảnh báo nền kinh tế Đức đã mất lợi thế cạnh tranh sau khi từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy Đức đang trả quá cao cho nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hiện tại do giá vẫn tăng cao mặc dù nước này đã giảm hơn một nửa lượng nhập khẩu khí đốt qua đường ống.

Đức đang phải đối mặt với một năm 2024 kinh tế khó khăn. Mới đây, Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis) công bố báo cáo thống kê sơ bộ cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2023 giảm 0,3% so với năm 2022. Áp lực lạm phát đình trệ đang đè nặng và mối lo giảm tốc rình rập.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm trong năm 2024. Đức sẽ trở thành ví dụ điển hình về mức tăng trưởng yếu trong số các nước lớn ở châu Âu.

Khánh Vy (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuu-ngoai-truong-duc-khi-dot-gia-re-cua-nga-se-khong-quay-tro-lai-post281609.html