Cựu chủ tịch Starbucks sợ bố thế nào?

Tôi cũng phải cố tránh cơn thịnh nộ của bố. Bố luôn chực chờ mắng Ronnie, Michael, và tôi, và chuyện bố đánh tôi cũng không phải hiếm.

Nhiều năm về sau, tôi mới phát hiện ra bố mẹ tổ chức mấy sòng bài cho Bà ngoại để kiếm tiền. Bà ngoại trả tiền để bố mẹ tôi làm phục vụ và làm tài xế. Nhưng hồi đó thì tôi đâu biết gì. Bố mẹ chẳng bao giờ giải thích bất cứ thứ gì cho tôi hết. Cứ về phòng con đi, Howard, đóng cửa lại, và im lặng.

Bố tôi chưa học hết phổ thông và cuộc đời đi làm của ông quẩn quanh mấy công việc lạ lùng với đồng lương ít ỏi. Ông chẳng có mấy khả năng nào kiếm được tiền ngoài lái xe. Và dù biết lao động là vinh quang, bất kể công việc đó có đơn giản hay máy móc tới đâu, nhưng bố tôi chẳng bao giờ thấy được chút cảm giác tự hào hay ý nghĩa nào từ công việc mình làm.

“Bố mệt rồi, để bố ngủ,” mẹ tôi căn dặn mỗi khi thấy chúng tôi tiến lại gần khi ông đang ngủ trên ghế. Nhưng kể cả khi thức, bố cũng khép mình không muốn ai tiếp cận, ngụy trang bằng sự mệt mỏi của mình. Có thời điểm nào đó trong quá khứ, người đàn ông mà Bà ngoại tôi gọi là “thứ của nợ” đã bị tước mất mọi hoài bão và ý chí. Cứ như thể ông đã bị cuộc đời này nghiền ra cám.

Ảnh minh họa.

Bố lại còn tiêu xài nhiều hơn số tiền mình có. Dù chúng tôi sống trong khu nhà trợ cấp xã hội với giá thuê chưa tới một trăm đô-la mỗi tháng, bố lúc nào cũng túng thiếu. Ông sẽ mua lốp xe cũ ở khu bán đồ phế liệu, nhưng rồi lại tự thưởng cho mình buổi đến tiệm tỉa tót chăm sóc tay và hớt tóc ở chỗ giá đắt như cắt cổ.

Chuyện cãi vã về tiền bạc trên bàn ăn trong lúc đếm từng đồng lẻ còn sót lại từ khoản lương còm cõi của ông, những khoản vay tạm bợ, và những nguồn thu nhập ngoài luồng đủ kiểu, trong đó có mấy ván bài, là truyền thống đinh tai nhức óc của bố mẹ mà tôi luôn tìm cách né tránh. Cũng may tôi còn có cầu thang làm lối thoát.

Tôi cũng phải cố tránh cơn thịnh nộ của bố. Bố luôn chực chờ mắng Ronnie, Michael, và tôi, và chuyện bố đánh tôi cũng không phải hiếm, lâu lâu bố còn sáng tạo thêm nhiều hình thức trừng phạt thể chất khác. Một tối nọ trên bàn ăn tối bố nhận đầu tôi xuống dĩa mì Ý còn nóng hổi.

Tiếng điện thoại reo cũng là một thứ khác khiến tôi lo sợ. Âm thanh của chiếc hộp xoay kêu reng reng treo trên tường có thể khiến cơ thể gầy còm của tôi đứng hình chết khiếp. Mẹ thường bắt tôi nghe điện thoại thay mẹ, phòng trường hợp người ta gọi điện thu tiền.

“Cháu xin lỗi, bố mẹ cháu không có nhà,” tôi sẽ nói như thế trong khi bố hoặc mẹ hoặc cả hai người cùng ngồi nhìn tôi. Rồi tôi sẽ gác máy trong cảm giác xấu hổ vì lời dối trá đó. Về sau, khi bố mẹ sai tôi đi mượn tiền những người chúng tôi quen biết, tôi cũng vâng lời làm theo, mặt cúi gằm trong cảm giác xấu hổ trước sự thật bẽ bàng này.

Tôi sợ bố tôi và đôi lúc tôi căm ghét ông vì điều mà hành vi của ông gây ra cho cảm giác của tôi. Nhưng cũng có những khoảnh khắc, dù chỉ mới là một đứa trẻ, tôi vẫn có thể nhận thấy nỗi đau của bố.

Vào một ngày đông lạnh giá năm 1961, lúc đó tôi bảy tuổi, đang hứng khởi chơi trò ném tuyết phía sau chung cư thì mẹ ló đầu qua cửa sổ căn hộ tầng bảy của chúng tôi và hốt hoảng vẫy gọi tôi về nhà.

“Bố gặp tai nạn,” mẹ nói khi tôi chạy thục mạng về tới. “Mẹ phải đến bệnh viện.”

Bấy giờ bố tôi là tài xế xe tải, chuyên chuyển phát tã lót sạch cho các hộ gia đình - và thu nhận tã lót bẩn. Suốt nhiều tháng trời mỗi lần về tới nhà là ông ta thán về mùi hôi và sự dơ bẩn mình phải chịu đựng. Đôi khi tôi cũng thoáng ngửi thấy thứ mùi mà ông nói tới trên bộ đồ ông mặc. Bố nói đó là công việc tệ hại nhất trần đời và tôi tin lời ông.

Ngày đông ẩm ướt, trơn trượt hôm đó, bố đang đi giao tã thì trượt ngã lên một phiến băng. Ông bị gãy xương hông và vỡ mắt cá chân. Suốt tháng tiếp theo, mỗi lần mở cửa nhà là tôi lại thấy bố ngồi ì trên trường kỷ, thân hình một mét bảy mươi ba cứ thế bất động, bị cầm tù trong lớp bột thạch cao. Mấy ngón tay ông bám vào một điếu Marlboro, và gương mặt điển trai của ông hằn sâu vẻ nhăn nhó vì đau đớn.

Ở nước Mỹ vào những năm 1960, một lao động phổ thông không học vấn, không chuyên môn như bố tôi, nếu gặp tai nạn khi đang hành nghề thường sẽ bị sa thải mà không cần thông báo. Tai nạn lần đó bỏ lại bố tôi trong cảnh không thu nhập, không bảo hiểm y tế, không bồi thường lao động, và vì bố mẹ tôi không có lấy một đồng tiết kiệm, họ chẳng còn gì để dựa vào hết.

Mẹ tôi không cách gì kiếm được việc làm; lúc tai nạn xảy ra mẹ đã mang thai em Michael được bảy tháng. Nếu không nhờ một tổ chức từ thiện trong vùng, Cơ quan Hỗ trợ Gia đình Do Thái, cả nhà tôi hẳn đã chết đói.

Suốt nhiều năm từ đó trở đi, tôi cố gắng mường tượng ra hoàn cảnh thực tế từ góc nhìn của bố tôi. Bằng cách nào mà việc chịu trận nhìn chân mình bị bó bột, việc là kẻ nạn nhân của một vụ tai nạn, lại làm thay đổi hoàn toàn quan điểm sống của ông? Ông có đủ ý thức trách nhiệm phải chăm lo cho gia đình nên mới chấp nhận “công việc tệ hại nhất trần đời” để chúng tôi có cái ăn cái mặc.

Nhưng đổi lại ông nhận được gì? Sự bỏ mặc của chính cái công ty mà công việc ông phải làm cho họ đã bóp nát cuộc đời ông. Có thể tai nạn đó đã đẩy hẳn cán cân về một phía, và người đàn ông vốn từng nghĩ mình vẫn còn đôi chút tia hy vọng làm được điều gì đó trong đời giờ đã nhận ra, trong suốt mùa đông lạnh lẽo dài dằng dặc đó, rằng một bước sẩy chân cũng có thể đẩy ông xuống luyện ngục.

Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì đang diễn ra trong tâm trí ông và trái tim ông lúc đó. Nhưng hình ảnh người cha bất lực buông thõng người nơi trường kỷ đã vĩnh viễn hằn sâu trong tâm thức của tôi.

Những năm sau tai nạn của bố, đời sống gia đình tôi thậm chí còn trở nên ngột ngạt hơn. Cầu thang không còn là nơi nương náu duy nhất của tôi nữa. Một chốn khác tôi có thể tị nạn là sân chơi chung của khu dự án. Trên nền đất bê tông đó, tôi đã khám phá ra một thiên đàng gai góc chứa đầy những điều có thể và cả một cảm giác gắn bó của nơi mà tôi thuộc về.

Howard Schultz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuu-chu-tich-starbucks-so-bo-the-nao-post1468690.html