Cựu Chủ tịch huyện Thường Xuân bị đề nghị 3–4 năm tù

Sau hơn 2 tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 4/3, TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Cầm Bá Xuân (cựu Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cựu Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa) và đồng phạm trong vụ án 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ' xảy ra tại huyện Thường Xuân.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 4/3/2024.

Theo đó, các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 356 BLHS, gồm: Cầm Bá Xuân, Lê Văn Khánh (cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân), Vũ Ngọc Nam (cựu Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng), Nguyễn Chí Thành (cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thường Xuân).

Riêng bị cáo Nguyễn Anh Linh (cựu chuyên viên Chi cục Thuế huyện Thường Xuân) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 360 BLHS.

Đến tòa ngày 4/3/2024, có 3 bị cáo: Cầm Bá Xuân, Vũ Ngọc Nam và Nguyễn Anh Linh. Còn 2 bị cáo Lê Văn Khánh và Nguyễn Chí Thành có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 970 triệu đồng

Trước đó, vào ngày 26/12/2023, TAND tỉnh Thanh Hóa đưa vụ án ra xét xử nhưng đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung với nội dung “tiến hành giám định bổ sung để xác định thửa đất của anh Thực được UBND huyện Thường Xuân chuyển Phiếu chuyển thông tin địa chính là một thửa hay hai thửa, vị trí từng thửa đất, mức giá để xác định thiệt hại cho ngân sách Nhà nước theo quy định”.

Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra bổ sung, xác minh nguồn gốc đất, làm việc với những người liên quan để xác định vị trí, diện tích cụ thể, lập hồ sơ các thửa đất 70(1), 70(2), 70(3); đồng thời ban hành Quyết định trưng cầu giám định bổ sung.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử.

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2014, Cầm Bá Xuân, Lê Văn Khánh, Vũ Ngọc Nam biết rõ xã Ngọc Phụng mới được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo Quyết định số 2712/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của UBND huyện Thường Xuân, biết rõ việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của xã Ngọc Phụng không thuộc các trường hợp được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai năm 2003, không thực hiện trình tự, thủ tục xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo quy định (không có Nghị quyết HĐND xã, không có ý kiến các cơ quan có liên quan), nhưng vẫn tiến hành thực hiện với mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, giúp xã Ngọc Phụng sớm hoàn thành các tiêu chí để nhanh chóng về đích nông thôn mới.

Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Xuân, Khánh, Nam đã thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất ở nông thôn đổi với 3.600m² đất của anh Thiều Quang Thực và 1.400m² đất của anh Lê Đình Bình.

Đến khi xác định mức giá đất để thu tiền sử dụng đất của anh Thực và anh Bình, Cầm Bá Xuân, Lê Văn Khánh, Vũ Ngọc Nam và Nguyễn Chí Thành (khi đó là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thường Xuân) đã cố ý xác định sai vị trí thửa đất để áp mức giá đất 100.000 đồng/m² thấp hơn so với quy định của nhà nước tại Quyết định số 4515/2013/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa (theo quy định là 400.000 đồng/m²), gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 973 triệu đồng.

Trong vụ án này, Cầm Bá Xuân là người giữ vai trò chính. Lê Văn Khánh là người trực tiếp, tích cực thực hiện các trình tự, thủ tục trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của xã Ngọc Phụng, xác định sai vị trí của các thửa đất, sai mức giá đất, giữ vai trò sau Xuân.

Vũ Ngọc Nam là người cùng phối hợp với Khánh để thực hiện các trình tự, thủ tục trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của xã Ngọc Phụng, tham gia xác định sai vị trí của các thửa đất, sai mức giá nên giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Nguyễn Chí Thành là người cùng tham gia xác định sai vị trí của các thửa đất, sai mức giá đất nên giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Nguyễn Anh Linh là công chức Chi cục Thuế huyện Thường Xuân vì thiếu trách nhiệm đã không thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục khi xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất theo quy định.

Quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại số tiền gần 1,4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, trong đó bị can Cầm Bá Xuân khắc phục số tiền gần 800 triệu đồng.

Bị cáo Cầm Bá Xuân bị đề nghị mức án 3-4 năm tù

Tại phiên tòa sơ thẩm, các kiểm sát viên, luật sư tham gia bào chữa đã tiến hành thẩm vấn trực tiếp các giám định viên Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Thanh Hóa và các bị cáo. Các câu hỏi tập trung làm rõ vị trí, diện tích đất cụ thể, cách tính giá đất, cũng như căn cứ văn bản quy phạm pháp luật thời điểm xảy ra vụ án...

Trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với các bị cáo. Trong đó, VKS đề nghị mức án từ 3-4 năm tù đối với bị cáo Cầm Bá Xuân.

Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, các bị cáo nhận thức được sai phạm, ăn năn hối lỗi và mong được HĐXX xem xét thấu tình đạt lý, cho các bị cáo được hưởng khoan hồng để có mức án thấp nhất.

Riêng bị cáo Cầm Bá Xuân trình bày: “Trong suốt 30 năm công tác, làm việc tại một huyện miền núi, một trong những huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, bản thân bị cáo chỉ biết nỗ lực, cố gắng hết mình vì sự phát triển chung của toàn huyện. Thời điểm đó (thời điểm xảy ra vụ án – PV), bị cáo vô tư, tin tưởng vào cơ quan tham mưu, không trực tiếp làm việc và không thể kiểm soát hết được công việc. Bị cáo nhận trách nhiệm vì thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ. Mong HĐXX xem xét mức án, cho bị cáo cải tạo tại địa phương...”.

HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 5/3.

Nguyễn Sự - Phạm Hưng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cuu-chu-tich-huyen-thuong-xuan-bi-de-nghi-3-4-nam-tu-419918.html