Cướp biển Somali trở lại

Trong khi hải quân phương Tây đang tập trung đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ, thì những tên cướp biển ở Somalia cũng đang quay trở lại.

Chiến tích

Hôm 16/3/2024, người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ hồ hởi thông báo với báo giới chiến tích của lực lượng mình khi họ đã bắt giữ một con tàu từ tay cướp biển Somalia ở ngoài khơi nước này, giải cứu thành công 17 thành viên thủy thủ đoàn. Được biết, con tàu được bắt lại là tàu hàng MV Ruen. Theo thông báo từ Hải quân Ấn Độ, lực lượng Hải quân nước này đã thành công khống chế lại tàu MV Ruen mang quốc tịch Bulgaria từ tay bọn cướp trong chiến dịch chống cướp biển kéo dài gần 2 ngày. Không có người nào thiệt mạng trong khi đó 35 tay cướp biển đã bị bắt giữ.

Hải quân Ấn Độ bắt giữ cướp biển.

Chiến dịch có sự tham gia của tàu khu trục hải quân INS Kolkata, tàu tuần tra INS Subhadra, các máy bay không người lái độ HALE RPA, máy bay tuần tra hàng hải P8I và một đơn vị biệt kích Hải quân được triển khai từ máy bay C-17. Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ thì họ đã phát hiện và chặn tàu MV Ruen vào thứ Sáu (15/3) ở vị trí cách bờ biển nước này gần 1.400 hải lý và gặp phải sự kháng cự quyết liệt của toán cướp biển.

Chủ sở hữu người Bulgaria, ông Navibulgar ca ngợi việc giải cứu tàu MV Ruen là “một thành công lớn không chỉ đối với chúng tôi mà còn đối với toàn bộ cộng đồng hàng hải toàn cầu… Việc giải quyết vụ việc này chứng tỏ rằng an ninh vận chuyển thương mại sẽ không bị xâm phạm”. Các trang báo quốc tế cũng dành nhiều lời khen ngợi chiến tích của Hải quân Ấn Độ. Nhưng điều đó không chỉ mang đến uy tín cho lực lượng này mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn thế giới trước nguy cơ khủng bố Somalia quay trở lại.

Những tên cướp khét tiếng

Somalia là một đất nước có thời gian dài chìm trong tình trạng chiến tranh, vô chính phủ. Vị trí địa lý nằm ở vùng Sừng châu Phi đã tạo điều kiện cho hoạt động cướp biển bắt đầu từ những năm đầu 1990. Hải tặc lúc đầu thường làm công việc bảo kê trên biển, trước khi phát triển mạnh thành những băng cướp thực sự với những kế hoạch cướp tàu lớn để đòi tiền chuộc. Một số hải tặc từng là ngư dân ban đầu cho rằng những con tàu nước ngoài đe dọa đến ngành đánh cá ở vùng biển của họ. Khi thấy kiếm lời từ việc cướp biển và đòi tiền chuộc quá lớn và dễ dàng, một số nhà chức trách còn câu kết với cướp biển để thu lợi.

Những tên cướp biển Somalia.

Cướp biển ở Somalia trở thành mối đe dọa cho vận chuyển quốc tế kể từ giữa những năm 90 khi cuộc nội chiến diễn ra đẫm máu. Từ năm 2005, nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Hàng hải quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới, đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hành vi cướp biển. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới tâm lý người đi biển mà còn trực tiếp làm tăng giá thành vận chuyển do vị trí huyết mạch của tuyến đường.

Tháng 6/2008, Chính phủ quá độ Somalia gửi thư yêu cầu Liên hợp quốc giúp đỡ trong nỗ lực theo dõi các hoạt động của hải tặc cũng như những vụ cướp có vũ trang đối với tàu thuyền trong vùng biển của mình. Chính phủ Somalia sau đó còn cho phép các tàu chiến nước ngoài đi vào lãnh hải của mình để truy đuổi cướp biển. Một lực lượng quốc tế với hàng chục quốc gia đóng góp nhân lực vật lực đã tham gia tiến hành truy quét cướp biển trong nhiều năm. Đi đầu của lực lượng này là Mỹ, Anh cùng các nước phương Tây. Nga, Trung Quốc và cả Nhật Bản cũng đều có đóng góp cho lực lượng. Tuy nhiên phải đến năm 2016 khi Mohamed Abdi Hassan và Mohamed Garfanji (hai tên cướp biển khét tiếng nhất khu vực) bị bắt thì mới đánh dấu sự thoái trào của cướp biển Somalia nói riêng và cướp biển vùng Sừng châu Phi nói chung. Kể từ năm 2017, không một tàu hàng nào còn được ghi nhận bị cướp biển bắt giữ tại khu vực cho đến tận tháng 12/2023 khi tàu MV Ruen bị bắt. Vụ việc gây chấn động quốc tế khi báo hiệu nạn cướp biển tại khu vực này đã quay trở lại.

Hình ảnh những con tàu hộ tống trên biển Somalia.

Vấn nạn quay trở lại

Giới chuyên gia đã từng bày tỏ lo ngại những cuộc tấn công của phiến quân Houthi tại Yemen nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ có thể trói buộc các lực lượng quốc tế về khu vực này đồng thời tạo cơ hội cho cướp biển Somali ở vùng Sừng châu Phi hoạt động trở lại. Quả thực, mối lo ngại đó đã thành sự thật. Nhóm cướp biển Somalia bị bắt hôm 16/3 vừa qua thừa nhận lợi dụng tình hình trong lúc lực lượng hải quân quốc tế tập trung vào việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Houthi, để hoạt động trở lại.

Theo dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm Liên minh châu Âu chống cướp biển (EUNAVFOR), trong tháng 11/2023, cướp biển khu vực Somalia đã chiếm giữ ít nhất 2 tàu hàng và 12 tàu cá. Đến tháng 2 vừa qua, EUNAVFOR đã xác định được tới 5 nhóm cướp biển hoạt động ở vùng Vịnh Aden và biển phía đông Somalia. EUNAVFOR cũng đã cảnh báo cướp biển sẽ mở rộng hoạt động trong mùa mưa khi tầm nhìn bị hạn chế. Trong khi đó, đại diện ngành vận tải biển cho biết, từ tháng 11/2023 tới nay, cướp biển Somalia đã thực hiện hơn 20 cuộc tấn công và bắt giữ các tàu hàng của họ. Đây là những con số đáng báo động khi chỉ trong thời gian ngắn, cướp biển quay trở lại và hoạt động rất mạnh.

Tháng 11/2023 cũng mới là thời điểm Houthi bắt đầu thực hiện những vụ tấn công đầu tiên của mình ở Biển Đỏ khiến nhiều lực lượng hải quân trước đây túc trực ở vùng biển Somalia như của Anh, Mỹ phải thay đổi trọng tâm chú ý. Nhưng ngay lập tức, cướp biển ở Somalia đã hoạt động trở lại rất mạnh. Thậm chí người ta còn không nghĩ là những tên cướp biển ở vùng biển này đã nghỉ trong gần 10 năm qua.

Tàu MV Ruen khi được giải cứu.

Những diễn biến trên đẩy giá thuê nhân viên an ninh có vũ trang và phí bảo hiểm của các hãng tàu tăng cao. Tháng 2/2024 vừa qua, chi phí để thuê an ninh tàu biển đã tăng khoảng 50% so với tháng trước đó khi những vụ bắt tàu có bàn tay cướp biển Somalia lộ ra. Thế nhưng tất cả vẫn chưa là gì so với khoản tiền khổng lồ mà các hãng tàu sẽ mất nếu phải chuộc tàu hoặc mất uy tín làm ăn với khách hàng. Tất cả những khoản phí này đã đánh thẳng vào giá vận chuyển quốc tế gây ảnh hưởng tới ngành này sau nhiều năm bị ảnh hưởng. Điều đáng lo là sau thời gian dài gián đoạn, những tên cướp biển không chỉ không mất đi sự liều lĩnh mà thậm chí còn vươn xa hơn vùng hoạt động của mình.

Mới hôm 21/3/2024 vừa qua, một tàu hàng có tên Abdullah (thuộc sở hữu của Bangladesh) đã bị bắt khi đang di chuyển ở Tây Ấn Độ Dương ngoài xa vùng đặc quyền kinh tế của Somalia. Tàu Abdullah đã phát đi tín hiệu cấp cứu và gọi đến đường dây nóng khẩn cấp nhưng không có lực lượng nào ứng cứu kịp. Nếu cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ tiếp diễn, cướp biển Somalia lại càng có cơ hội hoành hành. Cục Hàng hải quốc tế thống kê vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2011, cướp biển Somalia đã thực hiện 237 vụ tấn công và bắt giữ hàng trăm con tin trong một năm ước tính gây thiệt hại lên tới gần 7 tỷ USD. Tuy tình hình hiện tại chưa đến mức nghiêm trọng đến thế nhưng những gì đang diễn ra cho thấy không thể coi thường.

Tổng thống Somalia, ông Hassan Sheikh Mohamud mới đây đã lên tiếng cảnh báo: “Nếu chúng ta không ngăn chặn khi nạn cướp biển mới trỗi dậy, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng như trước đây”. Dĩ nhiên, ông cũng sẵn lòng mời các lực lượng quốc tế quay trở lại vùng biển Somalia để hỗ trợ, nhưng khi đang cùng lúc có vài điểm nóng nổ ra ở khu vực như hiện nay, thật không dễ để các tàu chiến phương Tây sớm quay trở lại với nhiệm vụ của mình. Từ giờ đến lúc đó, những đóng góp như của Ấn Độ vẫn là rất cần thiết.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuop-bien-somali-tro-lai-i727117/