Cường quốc châu Á tự tin về mục tiêu lạm phát ổn định

Ngày 22/4, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố kết quả khảo sát cho thấy trong năm tài khóa 2023-2024 (kết thúc vào tháng 3/2024), có 63,1% số công ty vừa và nhỏ ở nước này tăng lương cơ bản cho nhân viên.

Đồng tiền mệnh giá 10000 yen tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỷ lệ này tăng 8,8% so với 54,3% của tài khóa trước, trong bối cảnh lạm phát cao và tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Đây là một diễn biến tích cực đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) khi ngân hàng này đặt mục tiêu lạm phát ổn định nhờ tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Việc tăng lương của các công ty vừa và nhỏ - sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động tại Nhật Bản - là yếu tố then chốt đối với nước này.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lương cơ bản vẫn thấp hơn tỷ lệ các công ty lớn (đạt 81,1%). Trong khi các công ty lớn ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh và tiền mặt dồi dào, tình hình các công ty vừa và nhỏ khó khăn hơn, thường ghi nhận lợi nhuận tương đối thấp và khó chuyển phần chi phí tăng lên sang phía khách hàng bằng cách tăng giá sản phẩm.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy 24,4% doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng ý tăng lương từ 5% trở lên, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 53,8% số doanh nghiệp lớn hơn. Tổng cộng có 50,2% cho biết họ không thể tăng giá dù chi phí lao động tăng.
Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực để đảm bảo các công ty nhỏ hơn có thể “theo chân” các công ty lớn trong việc tăng lương, trong bối cảnh các hộ gia đình đang phải chật vật trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Khoảng 86% doanh nghiệp trong cuộc khảo sát trên cho biết các lý do tăng lương bao gồm động viên tinh thần của nhân viên, mang lại phúc lợi tốt hơn và giảm tình trạng thay thế nhân sự. 67% cho biết lý do là lạm phát và 54,9% cho biết họ muốn đảm bảo có thêm nhân viên.
Bộ Tài chính Nhật Bản thực hiện cuộc khảo sát được thực hiện từ giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư đối với 1.125 công ty trên toàn quốc, bao gồm 638 công ty vừa và nhỏ có vốn hóa dưới 1 tỷ yen (6,5 triệu USD).
Trước đó, ông Asahi Noguchi, một trong 9 thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ BoJ, ngày 18/4 cho rằng lãi suất tại nước này sẽ tăng chậm hơn nhiều so với các nước khác, cho thấy cam kết của BoJ trong việc áp dụng các điều kiện tài chính nới lỏng để ổn định lạm phát.
Ông cho biết dự báo trên được đưa ra dựa trên quan điểm cho rằng sẽ cần một thời gian khá dài để lạm phát cơ bản tại Nhật Bản đạt khoảng 2%.
Ông cũng nhận định mức lãi suất đỉnh tại Nhật Bản sẽ thấp hơn các nước khác, dù BoJ đã bình thường hóa chính sách tiền tệ khi dừng các biện pháp nới lỏng và tăng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm vào tháng trước.
Ông có những phát biểu trên khi các thị trường tài chính đang tìm kiếm các dấu hiệu dự báo về thời điểm BoJ tăng lãi suất lần tiếp theo khi tin tưởng hơn vào khả năng đạt mục tiêu lạm phát 2% nhờ tăng trưởng lương.
Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda, gần đây cũng cho rằng lạm phát cơ bản vẫn dưới mức 2% khi đưa ra lý do cho việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tại cuộc họp vào tháng 3/2024, BoJ đã dừng chính sách lãi suất âm và áp dụng lãi suất ngắn hạn trong khoảng 0-0,1%.
BoJ đã dừng việc mua một số tài sản như các quỹ giao dịch chứng khoán Nhật Bản và quỹ tín thác đầu tư bất động sản đã thực hiện nhằm hỗ trợ các thị trường chứng khoán trong những giai đoạn biến động.
Tuy nhiên, BoJ cam kết mua lượng gần như tương đương trái phiếu chính phủ dài hạn để ngăn chặn nguy cơ lãi suất dài hạn tăng sau khi bỏ trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu của nước này đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp do đồng yen yếu và nhu cầu ở Trung Quốc gia tăng tạo ra lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế khi tiêu dùng nội địa sụt giảm.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 3/2024 tăng 7,3% lên 9.470 tỷ yen (61,09 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 4,9%, xuống còn 9.100 tỷ yen (58,70 tỷ USD). Nhờ đó thâm hụt thương mại của nước này trong tài khóa 2023 giảm khoảng 70% so với tài khóa trước đó, xuống còn 5.890 tỷ yen (38 tỷ USD).
Trong tài khóa 2023 (kết thúc vào tháng 31/3 vừa qua), xuất khẩu của Nhật Bản tăng 3,7% lên 102.900 tỷ yen. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vượt 100.000 tỷ yen và là năm thứ 3 liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tài khóa 2023 giảm 10,3% xuống còn 108.790 tỷ yen - giảm lần đầu tiên sau 3 năm do giá than, khí tự nhiên hóa lỏng và dầu thô đều giảm ở mức 2 chữ số.
Số liệu công bố ngày 17/4 cũng cho thấy nền kinh tế tiếp tục được hưởng lợi từ hiệu ứng đồng yen trượt giá, trung bình ở mức 149,45 yen/USD trong tháng gần nhất, yếu hơn 10,7% so với mức 134,97 yen/USD của năm trước. Điều này đã giúp tăng giá trị của một số đơn hàng xuất khẩu tính bằng đồng yen. Về khối lượng, xuất khẩu giảm 2,1%.
Nhà kinh tế cấp cao Yayoi Sakanaka tại công ty nghiên cứu công nghệ thông tin Mizuho Research & Technologies cho biết xuất khẩu trong tháng 3/2024 tăng chủ yếu do yếu tố tiền tệ, chứ xuất khẩu không mạnh đến vậy. Chất bán dẫn đang phát triển nhưng chưa tăng về mặt khối lượng.
Tác động của tiền tệ có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới, do đồng yen liên tục giảm.
Tính theo ngành, xuất khẩu ô tô, lĩnh vực bán dẫn và linh kiện điện tử ghi nhận mức tăng lần lượt là 7,1% và 11,3%.
Tính theo khu vực, xuất khẩu sang Mỹ tăng 8,5%, còn xuất khẩu sang châu Âu tăng 3%. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 12,6%, so với mức tăng 2,5% trong tháng trước đó trong bối cảnh các doanh nghiệp tăng cường hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giúp thúc đẩy GDP tăng 5,3% trong quý I/2024.
Xuất khẩu của Nhật Bản tăng diễn ra trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu không thuận lợi. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết thương mại hàng hóa sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng đầu năm 2024, nhưng bất kỳ mức tăng nào cũng có thể bị chệch hướng do xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị.

Minh Trang (Theo Kyodo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuong-quoc-chau-a-tu-tin-ve-muc-tieu-lam-phat-on-dinh/330750.html