Cường kích Su-34, chiến công và khúc bi tráng trên chiến trường

Dựa trên những đánh giá của phi công Nga trong những cuộc xung đột gần đây, trang Topwar cho rằng, Su-34 chính là loại cường kích tốt nhất trên thế giới, tuy thế loại chiến đấu cơ này cũng gặp một số thiệt hại đáng kể.

Trang Topwar đã phân tích thông tin và nghiên cứu tài liệu được tổng hợp từ các phi công lái chiếc cường kích hiện đại nhất của Nga này để đưa ra kết luận: Su-34 là máy bay tấn công mặt đất tốt nhất thế giới.

Các phi công lái Su-34 đến nay vẫn tỏ ra hài lòng với những gì dòng máy bay này đã thể hiện trong thực chiến.

Được phát triển trên cơ sở của dòng chiến đấu cơ nổi tiếng Su-27, tuy nhiên Su-34 lại tập trung vào nhiệm vụ chuyên tấn công mặt đất để hỗ trợ bộ binh.

Nhưng không vì vậy mà Su-34 mất hẳn đi khả năng đối không khi cần thiết.

Su-34 ban đầu được thiết kế như một máy bay ném bom chiến thuật, nó được phát triển với nhiều thay đổi kể cả về ngoại hình so với Su-27.

Một số lượng lớn các loại vũ khí đã được tinh chỉnh hoặc phát triển mới hoàn toàn cho dòng máy bay này. Nghĩa là Su-34 có hầu hết mọi thứ cần thiết để có thể ném bom chính xác.

Su-34 được hoạch định phát triển để trở thành loại máy bay cường kích tốt nhất, tốt hơn cả Su-25 trước đó.

Điểm yếu duy nhất của Su-34 kính buồng lái không có khả năng chống đạn tốt như Su-25.

Su-34 được tạo ra để thay thế cho Su-24 và trước hết, nó là một máy bay ném bom. tuy vậy trang Topwar cho rằng thuật ngữ "tiêm kích bom" dành cho Su-34 không thật chính xác cho lắm.

Danh từ "tiêm kích" được dùng để chỉ các loại máy bay luôn ưu tiên đối không, dù răng thực tế trên các máy bay chiến đấu hiện đại có thể mang nhiều chủng loại vũ khí cho đa nhiệm vụ đối không, đối đất và cả đối hải.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là hiệu quả đa dụng đến mức nào, chẳng hại như MiG-29 hay thập chí là Su-27 thường không xuất sắc lắm nếu chỉ dùng đánh mục tiêu mặt đất.

Thực ra các máy bay trên được thiết kế với vai trò tiêm kích, nghĩa là chúng sẽ ưu tiên chiến đấu với máy bay đối phương.

Việc cố tính gắn các loại vũ khí đánh mặt đất sẽ không hiệu quả như việc gắn chúng lên các dòng máy bay cường kích chẳng hạn như Su-24, Su-25, Su-35.

Rõ ràng nếu gắn vũ khí chuyên đánh đất chẳng hạn như bom, hay tên lửa đối đất cho máy bay MiG-29 sẽ không phát huy hết hiệu quả, dẫu rằng nó vẫn có thể mang vác và sử dụng được các loại vũ khí này ở trong một số trường hợp nhất định.

Quay lại với chiếc cường kích Su-34, dù khá tốt song chúng không phải "bất khả xâm phạm".

Thực tế đã ghi nhận những tổn thất của Su-34 Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt, dù trước đó loại cường kích này hoạt động dài hạn tại Syria mà không phải chịu tổn thất nào.

Su-34 bị hạ chủ yếu do hỏa lực phòng không mặt đất, bởi lẽ trên không nó được bảo vệ bằng Su-35, dòng tiêm kích tốt nhất của Nga.

Trung tướng Mykola Oleschuk, tư lệnh không quân Ukraine, ngày 22/12 thông báo phòng không nước này đã bắn hạ ba tiêm kích bom Su-34 Nga ở khu vực miền nam vào chiều cùng ngày.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó cho biết biên đội Su-34 Nga bị đánh chặn bởi Lữ đoàn Tên lửa Phòng không Odessa ở khu vực Kherson.

Theo các tài khoản mạng xã hội chuyên theo dõi chiến sự Ukraine, 3 tiêm kích bom Nga bị hệ thống phòng không Patriot bắn hạ và rơi xuống bờ đông sông Dnieper.

Ukraine hiện sở hữu ba tổ hợp Patriot do phương Tây chuyển giao và dự kiến nhận thêm một số hệ thống nữa trong thời gian tới.

Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat sau đó cho hay các phi công Su-34 Nga đã "mạo hiểm" bay gần phòng tuyến Ukraine để có thể ném bom lượn tập kích sâu hơn, dù loại bom này có thể được thả từ khoảng cách xa.

Phát ngôn viên này cho hay tổ hợp Patriot đã phản ứng "nhanh như chớp và rất chính xác" để bắn hạ các tiêm kích bom Su-34 Nga khi phát hiện chúng bay rất gần.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin được phía Ukraine đưa ra về việc bắn hạ cùng lúc 3 chiến đấu cơ Su-34.

Về mặt lý thuyết, Su-34 có thể chống lại bất kỳ máy bay chiến đấu nào nếu nó được gắn tên lửa không đối không.

Tuy nhiên, thực tế Su-34 được chế tạo cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, nó không đủ nhanh nhẹn và cơ động như dòng tiêm kích đánh chặn, vì thế nếu cho Su-34 đóng vai trò như tiêm kích sẽ không phù hợp.

Nói chung, phi hành đoàn máy bay cường kích Su-34 sẽ ưu tiên cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất thay vì phải nghĩ ra phương cách chiến đấu với tiêm kích đối phương.

Phi công cường kích Su-34 cũng không được đào tạo tấn công mục tiêu trên không chuyên sâu như phi công tiêm kích.

Dù được phát triển từ nền tảng Su-27, nhưng rõ ràng Su-34 lại có điểm khác biệt rất lớn, từ hình dáng, thiết bị điện tử, cách bố trí chỗ ngồi phi công.

Sự khác biệt rõ nhất của Su-34 so với F-15E và Su-30SM là hai phi công được đặt ngồi song song thay vì trước sau. Điều này được giải thích là nhằm tạo sự tương tác phối hợp ăn ý cho phi công khi làm nhiệm vụ.

Bản thân các phi công đã lên tiếng rằng, việc điều khiển Su-34 hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt là đối với các chuyến bay đêm khi họ được bố trí ngồi song song với nhau.

Hệ thống điện tử của Su-34 không phải loại hiện đại nhất của Nga, nhưng nó cũng rất tốt và thường xuyên được nâng cấp.

Hệ thống điện tử hàng không trên Su-34 có khả năng bay tự động bám theo địa hình ở độ cao thấp.

Điều này rất quan trọng khi máy bay phải thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm, hay phải bay thấp để xâm nhập qua hàng phòng thủ của đối phương.

Su-34 hoàn toàn không phải là máy bay tầm thấp, tuy nihên lớp giáp của nó cũng khá ấn tượng. Nếu xét về trọng lượng giáp được sử dụng, Su-34 (1.480 kg) thậm chí còn nhiều hơn Su-24 (1.050 kg). Tất lớp giáp không thể bảo vệ an toàn tuyệt đối, nhưng cũng có hiệu quả trong một số trường hợp nhất định.

Điểm trừ thực sự của Su-34 là kính buồng lái rõ ràng là không đủ tốt như các loại cường kích khác.

Số lượng Su-34 bị tổn thất tại chiến dịch đặc biệt theo phía đối phương công bố là từ 20-24 chiếc, tuy vậy phía Nga cho rằng Kiev đã làm quá con số.

Truyền thông Nga cho rằng, số lượng Su-34 bị bắn hạ chỉ vào khoảng 10 chiếc. Ở trong một cuộc xung đột khốc liệu, thì tỷ lệ tổn thất này là chấp nhận được.

Su-34 là tiêm kích bom được tập đoàn Sukhoi phát triển từ thập niên 1980, ra mắt lần đầu tại Triển lãm hàng không Paris năm 1995 và được kỳ vọng là mẫu máy bay hiện đại thay thế cường kích Su-24 trong biên chế không quân Nga.

Hiện Nga được cho là có khoảng 100 chiếc Su-34 đang hoạt động tích cực trong biên chế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuong-kich-su-34-chien-cong-va-khuc-bi-trang-tren-chien-truong-post562189.antd