Cường kích Su-24 của Ukraine trở thành 'cái gai trong mắt' quân đội Nga

Máy bay cường kích bom Su-24 sau nhiều lần tấn công Nga bằng tên lửa hành trình Storm Shadow mà Anh viện trợ đã trở thành 'cái gai trong mắt' quân đội Nga.

Những ngày gần đây, quân đội Nga tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV tự sát tầm xa, để tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Ukraine. Truyền thông Nga tiết lộ, mục tiêu chính của các cuộc tấn công này là các căn cứ không quân Ukraine, nơi các máy bay cường kích Su-24 có thể cất và hạ cánh.

Tờ Newsweek của Mỹ vào ngày 9/8 cho biết, các cuộc tấn công như vậy của Nga đã gây thiệt hại cho các căn cứ không quân Ukraine và quân đội Ukraine đang biến các con đường cao tốc thành đường băng, để tránh các cuộc tấn công của Nga đang ngày càng hiệu quả hơn.

Tờ "Quan điểm" của Nga ngày 9/8 đưa tin, quân đội Ukraine hiện còn ít nhất 12 máy bay cường kích bom Su-24, và nhiệm vụ chính của chúng là phóng tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh và Scarp do Pháp cung cấp.

Lữ đoàn không quân chiến thuật số 7 của Không quân Ukraine, bị quân đội Nga coi là "cái gai trong mắt". Đây cũng là đơn vị không quân duy nhất của Ukraine được trang bị 2 loại tên lửa hành trình trên. Đơn vị này trước đây chủ yếu được triển khai tại sân bay quân sự Starokonstantinov ở tỉnh Khmelnytsky (miền tây Ukraine).

Ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov đã công bố bức ảnh máy bay chiến đấu Su-24, được trang bị tên lửa hành trình Storm Shadow, cho thấy quân đội Ukraine đã có sẵn khả năng phóng loại tên lửa này, để phát động một cuộc tấn công tên lửa sâu vào hậu phương của Nga.

Nhưng cũng kể từ đó, các chiến đấu cơ Su-24 của Ukraine không còn bố trí cố định ở một sân bay nhất định, mà được điều động từ căn cứ này sang căn cứ khác hàng ngày để tránh bị Nga tấn công. Những ngày gần đây, quân đội Nga tiếp tục tăng cường không kích các sân bay quân sự Ukraine, đặc biệt là nơi có thể có máy bay Su-24 đóng quân.

Theo các chuyên gia Nga, 90% số tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mà Nga phóng tới Ukraine trong thời gian gần đây, là nhằm vào sân bay quân sự Ukraine, nơi triển khai máy bay Su-24. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã đến thăm một căn cứ không quân bí mật ở phía Tây nước này vào tuần trước.

Vào ngày 6/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov cho biết, quân đội Nga đã sử dụng vũ khí tầm xa trên không và trên biển từ tối ngày 5 đến sáng sớm ngày 6 để tấn công quân đội Ukraine ở Khmelny, các căn cứ không quân ở vùng Tskyi và Rivne, nơi chủ yếu triển khai máy bay Su-24.

Thiếu tướng Sergei Lipovoi, chủ tịch tổ chức xã hội “Sĩ quan Nga” cho biết: “Hiện tại, Ukraine được sự giúp đỡ của phương Tây, đã sửa đổi máy bay Su-24, để có thể thực hiện phóng tên lửa hành trình tầm xa của Anh và Pháp. Do đó, chúng tôi đang cố gắng phá hủy các căn cứ không quân của Ukraine".

"Đồng thời, hệ thống phòng không của chúng tôi sẽ tiêu diệt các máy bay Ukraine khi chúng đang bay, khiến Không quân Ukraine mất toàn bộ máy bay. Tôi dự đoán rằng các tên lửa hành trình do Anh và Pháp cung cấp sẽ sớm trở nên vô dụng, bởi vì Ukraine sẽ không có máy bay để phóng chúng. Quân đội Nga cũng đã bắt đầu chiến dịch phá hủy hoàn toàn các sân bay và máy bay của Ukraine", ông Lipovoi kết luận.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tờ "Newsweek" Mỹ, hiệu quả kiểu không kích này của quân đội Nga là không cao; nhất là khi quân đội Ukraine sử dụng tên lửa phòng không Patriot do Mỹ và tổ hợp phòng không IRIS-T do Đức cung cấp, để bảo vệ an toàn căn cứ không quân.

Truyền thông Nga cũng thừa nhận, mặc dù quân đội Nga tiếp tục tấn công các căn cứ không quân ở Ukraine và cố gắng tiêu diệt các máy bay quân sự còn lại của nước này, nhưng một số chiếc vẫn sống sót và tiếp tục thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu của Nga.

Giới phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cuộc không kích của Nga đạt hiệu quả không cao, là do thiếu vũ khí hiệu quả để phá hủy sân bay. Các nhà phân tích cho biết: "Thiệt hại do tên lửa Nga gây ra rất khó xác định, nhưng rõ ràng là có giới hạn. Để khiến toàn bộ sân bay không thể sử dụng được, cần phải sử dụng hàng trăm tấn bom, thậm chí là một vụ nổ hạt nhân công suất nhỏ".

Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, quân đội Nga chủ yếu sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-555 phóng từ trên không, tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu chiến trên biển và máy bay không người lái cảm tử để tấn công căn cứ không quân Ukraine. Đầu đạn của các tên lửa hành trình trên và UAV tự sát của Nga đều có sức công phá hạn chế và chủ yếu nhằm vào các mục tiêu cố định như nhà chứa máy bay, đài chỉ huy, kho đạn và kho nhiên liệu của các căn cứ không quân.

Các máy bay chiến đấu của Ukraine đậu trên mặt đất và áp dụng phương thức triển khai rải rác và thay đổi vị trí bất cứ lúc nào; điều này khiến tên lửa Nga khó nhắm mục tiêu trước. Ngoài ra, rất khó để gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các đường băng quân sự được gia cố đặc biệt với chỉ với một số lượng tên lửa hành trình hạn chế. Hơn nữa, chiều dài của các sân bay quân sự hiện đại thường vào khoảng 2.000-3.000 mét; trong khi Su-24 chỉ cần đường băng vài trăm mét là có thể cất cánh.

Theo kinh nghiệm của quân đội Mỹ trong các cuộc xung đột cục bộ trước đây, để làm tê liệt hoàn toàn hiệu quả của sân bay, tốt nhất là sử dụng loại bom xuyên phá đường băng đặc biệt, để làm nổ tung đường băng; làm cho đối phương không thể sửa chữa.

Mặc dù quân đội Nga cũng có vũ khí tương tự, nhưng chúng quá cồng kềnh để máy bay chiến đấu thả từ trên không và không thể gắn trên tên lửa hành trình. Do đó, ngay cả khi căn cứ không quân Ukraine bị tên lửa Nga tấn công, miễn là Su-24 triển khai ở đó không bị phá hủy, thì nó có thể tiếp tục sử dụng đường băng để cất cánh và di chuyển đến các căn cứ khác.

Còn tờ "Bild" của Đức cho biết, ngoài việc tăng cường phòng thủ sân bay và thường xuyên thay đổi địa điểm triển khai, Không quân Ukraine cũng đã bắt đầu sử dụng các con đường cao tốc đã được sửa đổi làm đường băng.

Các chuyên gia Nga cho rằng, khi quân đội Nga duy trì các cuộc không kích cường độ cao, sẽ ngày càng có ít sân bay và đường băng cho máy bay quân sự Ukraine cất cánh; như vậy mối đe dọa đối với Nga sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên, ngay từ thời Xô Viết, lãnh thổ Ukraine đã xây dựng nhiều sân bay để chuẩn bị cho nhu cầu thời chiến. Do đó, Ukraine hiện đang khôi phục các sân bay bị bỏ hoang này hoạt động trở lại.

Trang Topwar của Nga ngày 9/8 đưa tin, liên quan đến kế hoạch biến đường cao tốc trở thành đường băng của quân đội Ukraine, chuyên gia quân sự Nga Sergey Adamov tin rằng, ngay cả khi quân đội Ukraine sử dụng con đường này để máy bay chiến đấu cất và hạ cánh, thì quân đội Nga sẽ sớm phát hiện ra. Sau đó, họ thực hiện các cuộc tấn công.

Lực lượng Không quân Ukraine hiện tại đã mất hầu hết các căn cứ ở phía đông và nam nước này, bao gồm sân bay Kurbano gần Nikolayev, Chernobayevka ở tỉnh Kherson, Kremenchug và căn cứ Poltava, v.v. Không quân Ukraine đã phải chuyển số máy bay quân sự còn lại đến các sân bay ở Zhytomyr, Khmelnytsky và Lviv. Nhưng những căn cứ này cách xa mặt trận.

Tờ Topwar cũng đề cập rằng, Kiev nhận được sự giúp đỡ hoàn toàn của phương Tây trong việc phóng tên lửa hành trình và trốn các cuộc không kích của Nga. Khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, máy bay chiến đấu của Ukraine có thông tin tin tình báo về mục tiêu của Nga từ các máy bay trinh sát của NATO, đang hoạt động ở biên giới phía tây và phía nam của Ukraine 24 giờ một ngày.

Tuy nhiên, không quân Ukraine cũng không dễ dàng có thể phóng tên lửa hành trình. Do đặc tính kỹ thuật của tên lửa hành trình Anh và Pháp, các tiêm kích Su-24 của quân đội Ukraine phải bay ở độ cao lớn để phóng tên lửa và như vậy rất dễ bị phát hiện. Để tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau của Nga, Su-24 của Ukraine phải tiếp cận khu vực chiến tuyến.

Mặc dù Không quân Ukraine vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công, nhưng điều đáng chú ý là sự thiếu hụt các máy bay chiến đấu của Ukraine, đặc biệt là Su-24, khiến lực lượng này không thể tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn hơn. Vì vậy, tiêu diệt số máy bay quân sự còn sót lại của quân đội Ukraine sẽ là một trong những nhiệm vụ chính của quân đội Nga trong giai đoạn tiếp theo.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cuong-kich-su-24-cua-ukraine-tro-thanh-cai-gai-trong-mat-quan-doi-nga-1888039.html