Cường kích L-39ZA mới nhận giúp ích gì cho Không quân Ukraine?

Bộ Quốc phòng Lithuania mới đây đã chính thức bàn giao cường kích hạng nhẹ L-39ZA cho Không quân Ukraine.

Bộ Quốc phòng Lithuania mới đây cho biết, chiếc cường kích hạng nhẹ L-39ZA trong tình trạng tháo rời đã được bàn giao cho Không quân Ukraine như một phần của đợt hỗ trợ quân sự tiếp theo.

Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Lithuania đã công bố bức ảnh chiếc máy bay đang được vận chuyển. Việc cung cấp miễn phí cường kích tấn công hạng nhẹ cho Lực lượng vũ trang Ukraine được công bố vào mùa thu năm 2021.

Theo mệnh lệnh của chỉ huy Quân đội Lithuania vào tháng 4/2021, chiếc máy bay này được tuyên bố là không thể sử dụng do gặp trục trặc. Cụ thể nó đã "nằm đất" kể từ năm 2019 cho tới nay do hỏng động cơ.

Trước đó, hai máy bay L-39ZA Albatros được sử dụng ở Lithuania để huấn luyện phi công. Bên cạnh đó, chúng còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo chiến đấu và tiến hành các chuyến bay trong điều kiện khí tượng khó khăn, cả ngày lẫn đêm.

Nhưng một trong số những chiếc L-39ZA nói trên đã va chạm trên không với tiêm kích Mirage 2000 của Pháp vào tháng 8/2011, kể từ đó nó hoàn toàn không thể sử dụng được.

Máy bay bị rơi gần căn cứ không quân Zokniai ở phía bắc Lithuania, trong một khu rừng thuộc vùng đầm lầy Hồ Rekivy. Rất may là hai phi công đã kịp kích hoạt ghế phóng, trong khi tiêm kích của Pháp cũng phải hạ cánh nhưng thiệt hại rất nhỏ.

Cần lưu ý, cường kích hạng nhẹ L-39ZA được tạo ra trên cơ sở máy bay huấn luyện L-39 Albatros, nhưng nó đã bổ sung đáng kể năng lực chiến đấu thông qua việc tích hợp thêm vũ khí.

Sự khác biệt chính là sự hiện diện của một khẩu pháo GSH-2-23 nòng đôi cỡ 23 mm được lắp ở phần mũi của máy bay, dưới buồng lái; và 4 thay vì 2 giá treo dưới cánh để mang nhiều loại vũ khí gồm bom nhẹ hoặc rocket không điều khiển.

Theo báo chí tại Kyiv, những cường kích hạng nhẹ nói trên sẽ giúp ích ít nhiều cho Lực lượng vũ trang Ukraine trong khi chờ đợi tiêm kích F-16 phương Tây viện trợ sẵn sàng tham chiến.

Mặc dù vậy nhận định trên nhận về nhiều nghi vấn, thắc mắc đầu tiên liên quan đến việc máy bay đã mất khả năng hoạt động từ lâu và để cất cánh trở lại sẽ cần rất nhiều thời gian để sửa chữa.

Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn được biết đến có năng lực sửa chữa phương tiện tác chiến thời Liên Xô ở mức rất tốt, nhưng đó là khi chiến tranh chưa nổ ra và các nhà máy của họ vẫn còn nguyên vẹn.

Trong tình cảnh hiện nay, chưa rõ phía Ukraine sẽ phải làm cách nào để đưa chiếc L-39ZA nói trên trở lại trạng thái sẵn sàng hoạt động, mọi việc chỉ đơn giản hơn nếu họ dự trữ sẵn động cơ và thiết bị thay thế.

Nhưng kể cả khi đưa được chiếc L-39ZA này trở lại thành phần tác chiến, vai trò của nó đối với Không quân Ukraine cũng bị nhận xét là "mờ nhạt", bởi năng lực của máy bay khá kém, không phù hợp với chiến trường hiện nay.

Cường kích L-39ZA không có khả năng mang vũ khí dẫn đường, tải trọng bom đạn thấp, khiến nó phù hợp hơn trong cuộc chiến chống khủng bố hay phiến quân ly khai, chứ không phải một quân đội chính quy có lực lượng phòng không - không quân hùng hậu như Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuong-kich-l-39za-moi-nhan-giup-ich-gi-cho-khong-quan-ukraine-post574326.antd