Cuốn sách truyền cảm hứng về người thầy

“Escalante - Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ” của tác giả Jay Mathews tạo một tiếng vang cho bạn đọc quan tâm đến giáo dục. Câu chuyện viết về người thầy đưa hơn 400 học sinh vào các trường danh tiếng nhất nước Mỹ. Thầy Jaime Escalante (1930-2010), một giáo viên dạy toán người Bolivia. Tên tuổi của ông được nêu trong danh sách những người thầy vĩ đại của thế giới.

Tại ngôi trường Garfield, học sinh chủ yếu xuất thân từ các gia đình La-tinh với mức sống trung bình hoặc một nền tảng giáo dục kém. Đó là những người Mexico nhập cư bất hợp pháp, họ biết rất ít hoặc thậm chí không biết tiếng Anh. Rất ít gia đình có giá sách trong nhà và họ hầu như đủ điều kiện tham gia chương trình “bữa trưa miễn phí” hoặc nhận sự trợ giúp của chính phủ… Nghĩa là họ rất nghèo. Tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao. Vậy mà ngôi trường ấy lại là cái nôi đào tạo những thế hệ học sinh xuất sắc với một chương trình học khó nhằn là giải tích nâng cao hơn. Bởi trường có thầy Jaime Escalante - một “người thầy nhập cư” tài năng. Ngoài chuyên môn rất cao về khả năng toán học, thầy Jaime Escalante còn có tinh thần tự học không ngừng. Thầy tự học về cách đứng lớp, cách bao quát học sinh, kỹ năng giảng dạy… Để trở thành một giáo viên dạy toán, thầy đã đi trên một con đường rất nhiều thăng trầm và thử thách.

Jaime Escalante khẳng khái, không chịu nổi các cuộc họp hình thức. Toàn bộ thời gian và tâm huyết ông chỉ muốn dành cho học sinh. Cho đến năm 1981, đặc biệt là năm 1982 thì chương trình giải tích của ông đạt được những thành tựu, tiếng vang trên toàn đất Mỹ.

Với thầy, giáo dục là thực chất. Escalante luôn tìm ra những điều mới mẻ, những điểm chạm, để chạm rất sâu vào trái tim những đứa trẻ cộc cằn, ngang bướng, nhút nhát, lười biếng. Ngoài giờ dạy, thầy còn gặp chúng, hỗ trợ giải đề thi các năm trước và chơi thể thao, tâm tình cùng chúng. Phương pháp dạy học của thầy là đưa mọi thứ phức tạp về đơn giản. Escalante dùng sự dí dỏm, hài hước, lòng kiên nhẫn để giao tiếp với trò. Kết nối trước, giáo dục sau. Phương pháp này đã thật sự hiệu quả khi học sinh ngày càng yêu quý, gần gũi. Escalante đến tận nhà học sinh, thuyết phục, thậm chí gay gắt với phụ huynh để giành quyền được đi học, được có thời gian làm bài tập thay vì cha mẹ bắt chúng lao động kiếm tiền. Quan điểm giáo dục của thầy Jaime Escalante là “ganas” - nghĩa là “sự thôi thúc”, “ước muốn”. Điều đó giúp những đứa trẻ không có định hướng hoặc đi nhầm đường khám phá ra những khả năng tiềm ẩn mà chúng không nghĩ là mình có.

Cách mà Jaime Escalante giao tiếp với học trò cũng rất ấn tượng. Có lúc “ranh mãnh” chẳng kém gì chúng, có lúc hài hước và đầy “mánh khóe”. Điều đó thật sự cuốn hút và có sức cảm hóa với lũ trẻ đang tuổi mới lớn. Chúng gọi Escalante là “thầy Kimo” một cách trìu mến: “Kimo làm được, chúng ta cũng sẽ làm được. Nếu ông ấy dạy chúng ta đến mức đó, thì chúng ta phải học”. Thành công lớn nhất của Jaime Escalante không chỉ là những thế hệ học sinh đạt điểm số cao trong những kỳ thi gắt gao, mà là sự cảm hóa sâu sắc học trò, tạo sự kỷ luật và động lực cố gắng, tinh thần chiến binh không đầu hàng.

Hơn cả danh hiệu, huy chương chính là sự chuyển hóa, sự trưởng thành của các em học sinh. Jaime Escalante “đánh thức” lòng ham học, phá vỡ sự tự ti, sự mặc định cho số phận của những đứa trẻ bình thường. Cùng với tâm huyết và tài năng sư phạm của mình, Escalante giúp những đứa trẻ bình thường vượt qua giới hạn mà chúng tự đặt ra.

Có rất nhiều người Bolivia đến Mỹ và biến mất. Jaime Escalante thì không như thế. Ông đã ghi tên mình một cách kiêu hãnh vào lịch sử nền giáo dục xứ cờ hoa này.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/cuon-sach-truyen-cam-hung-ve-nguoi-thay-4cc242b/