Cuốn sách tôi chọn: Sống - Cuốn tiểu thuyết đặc biệt bằng tranh

Các ấn phẩm về những giai đoạn biến động trong lịch sử của đất nước luôn có một sức hấp dẫn lớn với nhiều thế hệ độc giả và với mỗi tác giả lại lựa chọn một lăng kính riêng để thể hiện suy nghĩ của mình. Mới đây một cuốn sách đã gặt hái được nhiều giải thưởng ngay khi vừa ra mắt tại Pháp đã được NXB Kim Đồng phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội giới thiệu tới độc giả Việt Nam: Cuốn tiểu thuyết bằng tranh 'Sống' của tác giả người Pháp gốc Việt Trần Hải Anh và họa sỹ người Pháp Pauline Guitton. Mời quý vị cùng lắng nghe những chia sẻ của Bà Hoàng Thanh Thủy - Trưởng Ban Sách Khoa học, NXB Kim Đồng để hiểu hơn về cuốn sách rất thú vị này.

Tác giả Hải Anh là một tác giả trẻ sinh năm 1993 cô sinh ra và lớn lên ở Pháp. Khi viết tác phẩm này cô cũng đã cố gắng để hiểu mẹ của mình, hiểu về gia đình mình và hiểu về người Việt. Đồng tác giả của cô là Pauline Guitton, một họa sĩ trẻ họ là những người bạn thân thiết với nhau từ nhỏ. Họ đã cùng kết hợp để sáng tác một cuốn sách thuộc thể loại tiểu thuyết dạng truyện tranh, đây là một dạng khá mới mẻ ở Việt Nam. Cuốn sách này nhân vật chính là mẹ của Hải Anh, đạo diễn Việt Linh, kể về một thời kỳ khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật là bà mẹ sống ở chiến khu và bà đã trở thành đạo diễn như thế nào với những trải nghiệm, với những cái khốc liệt của chiến tranh. Đó không chỉ là một câu chuyện giữa mẹ và con, đây là câu chuyện của cả một dân tộc với tất cả những sự mất mát, cả những bi kịch nữa. Vượt hơn thế thì nó còn là câu chuyện về sự kết nối giữa Việt Nam và Pháp, giữa các thế hệ và xa hơn nữa là giữa những người trẻ sống ở nước ngoài với các thế hệ cha ông của mình ở Việt Nam, với tổ tiên của mình, gốc gác người Việt của mình.

Đây là câu chuyện tái hiện theo dạng đồng hiện, quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau, đó là cách kể khá hiện đại và đúng cái chất của một tư duy điện ảnh cũng như tư duy về kịch bản rất hiện đại. Cách kể đó rất hợp với câu chuyện này. Nó vẫn đảm bảo tính liền mạch của câu chuyện nhưng đồng thời tạo cho người đọc cảm giác không bị chán.

Khi độc giả tiếp nhận cuốn sách này sẽ bắt gặp rất nhiều điều ở đây, đó là một giai đoạn lịch sử chưa xa lắm của dân tộc với tất cả những đau thương mất mát rồi cả những bi kịch của gia đình xen lẫn với bi kịch của đất nước. Người đọc thế hệ trẻ sẽ nhận ra được một bài học nho nhỏ ở đây, khi ta biết được về quá khứ của dân tộc ta. Đây là câu chuyện về cội nguồn, sự trăn trở của người trẻ. Họ có những băn khoăn về hiện tại và hơn nữa là họ đi tìm câu trả lời cho tất cả những băn khoăn và giải quyết những vấn đề nội tâm của họ nữa. Tôi nghĩ rằng cuốn sách cũng sẽ đặt ra những vấn đề sâu xa hơn về gia đình, mối quan hệ giữa mẹ và con, giữa bố và con, giữa bố và mẹ. Tất cả những bức tranh đấy nó khá sinh động và nó được thể hiện rất tốt. Với những người trẻ hiện nay chúng ta đứng trước tất cả những bộn bề, những mối quan hệ thì chúng ta hãy cố gắng hiểu những người bên cạnh mình một cách nhiều nhất, hiểu bố mẹ mình và hãy thông cảm cho họ nếu như họ có điều gì đó chưa được hoàn hảo.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-song-cuon-tieu-thuyet-dac-biet-bang-tranh-220047.htm