Cuốn sách tôi chọn: Sông Công mùa lũ

Trong chuyên mục Cuốn sách tôi chọn, chúng ta sẽ cùng chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của nhà báo Vĩnh Quyên về trường thiên tiểu thuyết 'Sông Công mùa lũ', do Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ấn hành. Bộ tác phẩm đặc biệt này của cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã từng gây tiếng vang khi xuất bản lần đầu, và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc toàn bộ cho thính giả liên tục trong 6 tháng; qua đó mang đến cái nhìn mới mẻ, toàn diện hơn về một nhân vật lớn, thực sự có tầm vóc trong lịch sử nước nhà.

“Sông Công mùa lũ” là một trường thiên tiểu thuyết về lịch sử, không chỉ nói riêng về người anh hùng Nguyễn Huệ, mà còn nói rộng hơn, khái quát cả về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Và bằng ngòi bút, bằng sự am hiểu về lịch sử, tôn trọng lịch sử, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã giúp người đọc hình dung ra cả bối cảnh lịch sử cũng như những câu chuyện ở thời điểm đó, cùng những yếu tố như thế nào để dẫn tới hình thành tính cách của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Vì Nguyễn Mộng Giác cũng là đồng hương, cùng quê với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, cho nên cái tiêu đề mà ông ấy đặt cũng rất là có ý nghĩa. Mà tôi nghĩ con sông Côn này nó không chỉ đơn thuần là một con sông của quê hương - mà điều này cũng nhiều nhà phê bình đã nhắc tới - đó là một con sông hình tượng, một con sông lịch sử của giai đoạn ấy. Và mùa lũ ở đây cũng có thể hiểu là một cái lũ xoáy về lịch sử, về rất nhiều tình tiết để dẫn tới câu chuyện là người anh hùng áo vải, và 3 anh em phải đứng lên khởi nghĩa, để tạo nên một triều đại Quang Trung - Nguyễn Huệ; dù ngắn, dù đau thương, nhưng là một triều đại rất là rực rỡ.

Để viết nên một trường thiên tiểu thuyết như thế này thì Nguyễn Mộng Giác, ngoài tình yêu đối với nhân vật, với quê hương ra, thì ông đã phải rất dày công nghiên cứu, để làm sao, dù là tiểu thuyết thì có quyền hư cấu, nhưng lại phải tôn trọng lịch sử; và qua ngòi bút, qua sự tưởng tượng phong phú của ông thì người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ hiện lên một cách rất đời thường, rất con người. Và kể cả những cái xung đột, những cái bi kịch trong bản thân gia đình, trong bản thân những chiến hữu của Nguyễn Huệ cũng vậy… Nó sẽ đưa chúng ta nhìn ông ấy một cách đời hơn, gần gũi hơn. Nếu như chúng ta chỉ nhìn đóng khung là khi ông ấy mặc áo chiến bào xông ra trận, điều đó khiến chúng ta sẽ cảm thấy yêu quý hơn và hiểu hơn cũng như cảm thông hơn về một một vị Vua của một thời kỳ lịch sử như vậy. Và tất nhiên, đã gọi là tiểu thuyết thì mình không thể nói được rằng “Sông Côn mùa lũ” là một bức tranh hoàn hảo về khởi nghĩa Tây Sơn; thế nhưng phần lớn thì chúng ta phải ghi nhận công sức cũng như là sự tinh tường, cũng như sự tôn trọng về lịch sử của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Và điều quan trọng nữa là một câu chuyện của lịch sử đã được soi rọi bằng những góc nhìn mới, những chiều kích khác nhau. Và tôi nghĩ rằng đấy cũng là khẳng định sự thành công mà một tiểu thuyết lịch sử mang lại cho người đọc.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thiện Đoan - Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-song-cong-mua-lu-194422.htm