Cuối năm ghé làng gói bánh chưng nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng đất Hà thành với nghề làm bánh chưng cổ truyền.

Với hương vị đặc trưng, thơm ngon được tạo nên bởi những nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, lá dong… bánh chưng Tranh Khúc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình Việt và là món quà quý dành tặng nhau mỗi dịp Tết cổ truyền.

Bánh chưng vốn là một món ăn truyền thống của người Việt, xưa thì mỗi dịp Tết đến xuân về, còn bây giờ có mặt ở khắp phố thị, trên các mâm cỗ tiệc cưới quanh năm. Chính vì thế, nên gói bánh chưng đã trở thành nghề mưu sinh khấm khá của nhiều gia đình làng Tranh Khúc. Như một thông lệ, những ngày cuối năm tại làng bánh chưng Tranh Khúc lại trở nên hối hả, tất bật hơn bao giờ hết. Từ cổng làng đi vào, đâu đâu cũng thấy mùi hương của lá dong, gạo nếp. Cứ như thế, suốt bao năm qua, Tết luôn “gõ cửa” làng Tranh Khúc sớm hơn so với những nơi khác.

Tết ở làng bánh chưng Tranh Khúc

Hiện tại, làng Tranh Khúc có hơn 100 hộ gia đình vẫn theo nghề gói bánh chưng quanh năm, già trẻ gái trai trong làng ai cũng gói bánh nhanh thoăn thoắt. Tính riêng mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân nơi đây đều đặn ra lò cả vạn chiếc bánh to nhỏ khác nhau.

Không chỉ người làng hối hả, những chuyến xe chở theo nguyên liệu để gói bánh và chở bánh từ làng đi phân phối cũng vào ra tấp nập. Không rõ truyền thống làm bánh chưng đó có ở nơi đây từ khi nào, chỉ biết cha truyền con nối, các hộ gia đình cứ thế giữ gìn và phát triển công việc của dòng họ đến tận ngày nay.

Cũng giống như hàng trăm hộ gói bánh chưng trong làng, xưởng bánh gia đình chị Trần Thị Vân Thùy (43 tuổi, thôn Tranh Khúc) đã đỏ lửa từ những ngày đầu tháng Chạp. Hầu hết những người thợ tại xưởng bánh của chị Thùy đều là anh chị em trong gia đình, tiếp nối nghề truyền thống của các ông bà, bố mẹ để lại. Công đoạn nào trong việc tạo nên một chiếc bánh chưng ở Tranh Khúc cũng đều quan trọng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Quân (thôn Tranh Khúc) cũng có hơn chục năm gắn bó với nghề bánh chưng truyền thống. Thời điểm chưa có dịch Covid-29, mỗi dịp Tết, gia đình ông sản xuất và tiêu thụ hơn 1 vạn bánh chưng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông chủ yếu là tại các chợ truyền thống trong nội thành Hà Nội.

Theo đó, các mối hàng sẽ tìm đến ông Quân để đặt hàng và phân phối đi các chợ tại các quận, huyện. Để phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng, ông cũng nhận làm các loại bánh với giá khác nhau, dao động từ 25.000 - 60.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh nguyên liệu, kỹ thuật gói, bí quyết để tạo nên những chiếc bánh ngon nức tiếng nằm ở sự tỉ mỉ, và cái “tâm” của những người dân ở làng. Lá dong để gói bánh chưng Tranh Khúc phải là loại lá nếp của vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội), bởi lá dong tẻ dễ bị nát, không đảm bảo được độ xanh của bánh. Tuyển chọn lá bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách.

Ngoài ra, có năm chị Thùy còn phải đặt mua thêm lá dong rừng ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Với đỗ xanh, phải chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì bánh sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh.

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán của người Việt dù mâm cao cỗ đầy đến đâu nhưng cũng không thể thiếu cặp bánh chưng, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông. Và bánh chưng Tranh Khúc cũng đã được chuyển đi khắp nơi trong Hà Nội, vùng phụ cận và theo những chuyến bay đến các tỉnh phía Nam hay vượt qua biên giới đến với cộng đồng người Việt Nam xa quê hương ở nước ngoài, mang hương vị Tết Việt đến với mọi miền.

Từ chục năm trở lại đây, người làng Tranh Khúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm hệ thống nồi hơi, công suất lớn, bỏ hẳn việc đun củi. Máy móc khiến việc luộc bánh đỡ vất vả, bánh chín đều, không phải ngồi canh bánh xuyên đêm, lo lửa to lửa nhỏ. Để bảo quản bánh sau khi sản phẩm ra lò các cơ sở ở đây đầu tư máy hút ép chân không, dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày gói và hạn sử dụng để người tiêu dùng yên tâm hơn.

Để phục vụ Tết cổ truyền, từ đầu tháng Chạp, tập trung nhất từ sau ngày ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp đến 30 Tết, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc luôn tấp nập người từ các vùng lân cận ở Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội) xa hơn ở Nam Định, Thanh Hóa với tiền thuê 300-400.000đ/ngày để rửa, xếp, cắt lá, hỗ trợ việc gói, xếp, luộc, vớt, ép, vận chuyển bánh… Những ngày này, mỗi gia đình làm khoảng 2.000 chiếc/ngày để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng đón Tết.

-> Nồi bánh Tét đêm ba mươi của Má

Thanh Tùng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cuoi-nam-ghe-lang-goi-banh-chung-noi-tieng-o-ngoai-thanh-ha-noi-d188383.html