Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam': Thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản

Sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', ngành nông nghiệp Yên Bái đã giúp từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản của tỉnh.

Các nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, bày bán tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long Hà Nội.

>> Người dân thành phố Yên Bái tin dùng hàng Việt

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Để CVĐ được lan tỏa mạnh mẽ, ngành nông nghiệp đã triển khai sâu rộng hơn đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Cùng đó, thường xuyên tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của ngành, lồng ghép với CVĐ "Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”, góp phần nâng cao nhận thức và tạo thói quen sử dụng hàng nội địa của người tiêu dùng”.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cho các phòng, đơn vị trực thuộ, đặc biệt là đối với Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhằm chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản như: Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020; Quyết định số 1594/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

Có chính sách hỗ trợ, tư duy sản xuất đã thay đổi từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp sang phát triển tập trung, thâm canh, năng suất cao. Đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quy trình canh tác trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh để nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là các giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ có năng suất, chất lượng cao đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Các hình thức tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết được hình thành.

Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được quan tâm thực hiện. CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được triển khai thông qua công tác xúc tiến thương mại. Năm 2023, tổng số lượt sản phẩm được đưa lên sàn thương mại Postmart.vn là 71 lượt sản phẩm đặc trưng; tổng số đơn hàng giao dịch là 1.480 đơn hàng, với doanh thu 242,85 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng được ngành quan tâm thực hiện. Trong năm 2023, ngành đã cấp giấy chứng nhận cho 57 cơ sở đạt yêu cầu; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 21 cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Để tiếp tục đưa CVĐ phát huy giá trị thực tiễn vào cuộc sống, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến nhằm quảng bá, tôn vinh nông sản Việt. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ tới nhận thức, tâm lý để người sản xuất, người tiêu dùng có niềm tin vào hàng hóa nông sản Việt và ưu tiên sử dụng hàng nông sản trong nước có chất lượng.

"Phải tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa, vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa tư duy kinh tế nông nghiệp trong phát triển sản xuất theo hướng liên kết, phát triển chuỗi giá trị; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất và chế biến nông sản; cải tiến mẫu mã bao bì, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường” - ông Nguyễn Đức Điển nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước gắn với thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản phù hợp với tình hình mới nhằm giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ nông sản nội địa tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/318726/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-thuc-day-san-xuat-nang-cao-chat-luong-nong-san.aspx