Cuộc trùng phùng sau 18 năm thất lạc

Sau 18 năm đi lạc, ông Trần Công Chung (45 tuổi, trú thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã được trở về với gia đình.

Chiều 12-3, tại căn nhà nhỏ của ông Trần Công Bốt (87 tuổi, thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có hàng trăm người dân đến đợi đón ông Trần Công Chung (45 tuổi, con ruột ông Bốt) trở về nhà. Ông Chung đã thất lạc với gia đình đến 18 năm.

Theo lời kể của bà Trần Thị Sốt, cô ruột ông Chung, ngay từ nhỏ ông đã mắc căn bệnh chậm phát triển và nói không rõ.

Người dân và người thân ngóng ông Chung trở về. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đến năm 22 tuổi, Chung bị đau nặng, chỉ đi lại gần nhà. Tuy nhiên, năm 2006, trong một lần đi xuống nhà chị ruột của mình, Chung đã đi lạc và mất tích từ thời điểm đó.

Ông Trần Công Chung quấn quýt bên cha ruột. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Gia đình tổ chức đi tìm kiếm nhưng bặt vô âm tín. Cứ tưởng rằng Chung nó không còn sống nữa. Nhưng cách đây 5 ngày, một người cháu trong gia đình xem được video của tài khoản “chuyên tìm người thân bị thất lạc”, nói về một người đàn ông bị lạc gia đình đang sống ở Chợ phường 6, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Người đàn ông đó chỉ biết mình tên là Chung nhưng không nhớ đến từ đâu”, bà Sốt bộc bạch.

Về nhà, ông Trần Công Chung cùng cha ruột thắp hương bàn thờ tổ tiên. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhận thấy giống đứa cháu của mình bị thất lạc cách đây 18 năm, bà vội nói gia đình lục tìm ảnh của Chung và những người thân liên hệ với chủ kênh video để hỏi thông tin. Gia đình chuyển hình ảnh cho Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM để nhờ trợ giúp.

Là đơn vị hỗ trợ kết nối với gia đình, theo ông Trần Hùng Phong, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM, sau khi có thông tin của ông Chung tại đường link của một người chuyên tìm người thân bị thất lạc và hình ảnh từ gia đình, ông Phong cùng 2 người bạn tức tốc đi từ TPHCM đến tỉnh Trà Vinh để xác minh ngay trong chiều 9-3.

Trùng phùng sau 18 năm thất lạc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Đến Chợ phường 6 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), hỏi Chung thì ai cũng biết. Họ xem Chung như người thân gia đình. Thời điểm dịch bệnh Covid-19, họ cũng là người đứng ra cam kết để Chung được tiêm vaccine Covid-19. Do gặp khó khi giao tiếp nên dù nhớ được tên người thân nhưng không thể trao đổi cụ thể để nhờ người dân xung quanh giúp trở về nhà. Tuy nhiên, khi đưa ảnh người thân, Chung nhận ra ngay”, ông Phong nhớ lại.

Cha ruột đón ông Chung ở sân bay Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cũng theo ông Phong, gia đình đã ở lại một ngày để cảm ơn những tiểu thương ở khu chợ này. Bởi nhờ cơ duyên, sự thiện tâm của những người dân Chợ phường 6 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã nuôi dưỡng và chở che cho Chung suốt 18 năm dài để được trở về quê.

Không chỉ vậy, biết gia cảnh khó khăn, Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM làm việc với hãng hàng không để đứng ra xác minh, giúp mua vé máy bay và đưa đón, lo ăn ở để gia đình có điều kiện đi lại khi đón Chung về. Đặc biệt, Hội cũng đã làm sổ tiết kiệm 30 triệu đồng hỗ trợ Chung khi về địa phương sinh sống.

Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM tặng ông Trần Công Chung một sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng

Lãnh đạo huyện Hòa Vang và xã Hòa Khương đến thăm, tặng quà hỗ trợ ông Chung sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cũng trong buổi chiều 12-3, ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đến thăm và tặng quà cho gia đình ông Chung. Bà Trần Thị Lý, Phó Bí thư Thường Trực, Chủ tịch HĐND xã Hòa Khương cho hay, trước mắt, UBND xã Hòa Khương đã yêu cầu Công an xã hỗ trợ sớm làm thủ tục cấp Căn cước công dân cho ông Chung. Đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam xã có nguồn kinh phí để ông Chung sớm ổn định cuộc sống.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-trung-phung-sau-18-nam-that-lac-post730455.html