Cuộc trở về của phi hành gia và những tiêu chuẩn kép

Hôm qua 30/3, sau 355 ngày lập kỷ lục của Mỹ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, nhà du hành vũ trụ Mỹ Mark Vande Hei đã trở về Trái đất - một Trái đất đang bị chia rẽ bởi chiến sự ở Ukraine.

Ảnh minh họa/INT

Vande Hei hạ cánh bằng tàu vũ trụ Nga Soyuz ở Kazakhstan. Ít nhất thì cũng đã có một hoạt động khoa học không bị chính trị hóa vì cuộc chiến.

Mark Vande Hei trở về Trái đất cùng 2 nhà du hành Nga Anton Shkaplerov và Pyotr Dubrov - những người cũng đã ở trên vũ trụ suốt năm qua. Mặc dù căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Nga xung quanh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, song cuộc trở về của Vande Hei vẫn theo thủ tục thông thường.

Một nhóm bác sĩ và nhân viên khác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã có mặt lúc ông hạ cánh và họ dự định trở về Mỹ ngay cùng phi hành gia 55 tuổi.

Ngay cả từ trước khi Nga đưa quân vào Ukraine ngày 24/2, Vande Hei đã muốn tránh chủ đề này với hai đồng nghiệp Nga trên ISS. Ông cho biết, mối quan hệ của họ rất tốt và “tôi không chắc chúng tôi thực sự muốn đề cập chủ đề đó”.

Còn nhà du hành Nga Shkaplerov cho biết trong cuộc trò chuyện trực tiếp với NASA hôm 29/3: “Mọi người có vấn đề trên Trái đất. Trên quỹ đạo, chúng tôi là một”. Ông cho rằng, Trạm Vũ trụ ISS là “biểu tượng của tình bạn, sự hợp tác và tương lai khám phá vũ trụ”.

Tuy nhiên không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ như vậy. Vande Hei về bằng tàu vũ trụ của Nga và hạ cánh ở một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ theo kế hoạch - cho dù trước đó một số hãng truyền thông Mỹ - kể cả những kênh được coi là uy tín như Fox News, nghi ngờ rằng Nga sẽ không đưa ông trở về Trái đất như dự kiến, khi mà Mỹ và phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Nga.

Cơ quan Vũ trụ Nga đã lên tiếng trấn an rằng tất nhiên Vande Hei sẽ trở lại Trái đất như dự kiến.

Chỉ 2 tuần sau khi xung đột bùng phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt trong đó có việc giới hạn chia sẻ công nghệ cao với Nga, làm tác động đến ngành hàng không vũ trụ Nga, bao gồm cả chương trình không gian.

Ngoài ra, trừng phạt cũng khiến một số những hợp tác vũ trụ của phương Tây với Nga đã bị hoãn hủy: Đó là việc châu Âu ngừng phóng vệ tinh trên tên lửa Nga, và việc tàu tự hành khám phá sao Hỏa hợp tác giữa Nga và châu Âu cũng bị trì hoãn và ở lại Trái đất thêm 2 năm.

Tuy nhiên NASA đã khẳng định rằng, hợp tác với Nga vẫn tiếp tục bình thường, còn nhà du hành Mỹ Scott Kelly bày tỏ hy vọng rằng quan hệ hợp tác vũ trụ hai nước sẽ được hàn gắn, cho dù những căng thẳng chính trị giữa hai bên. Ông nói rằng, ông thực sự tin tưởng các chuyên gia Nga.

Ít nhất đã có một lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Mỹ không bị chính trị hóa bởi chiến sự Ukraine. Hơn một tháng qua, phương Tây đã thể hiện sự phản đối của họ dường như quá xa, không phải phản đối mà là thù ghét, đến mức đưa ra những lệnh cấm trong tất cả các lĩnh vực không liên quan đến chính trị, quân sự hay kinh tế.

Chó mèo Nga bị cấm dự thi sắc đẹp mèo quốc tế. Cây của Nga không được dự thi cuộc thi cây đẹp quốc tế. Đến các tác phẩm âm nhạc đã trở thành huyền thoại của Tsaikovsky và các nhà soạn nhạc khác cũng bị cấm biểu diễn, văn học Nga bị chỉ trích, thậm chí là rất thiếu nhân văn khi các vận động viên khuyết tật của Nga và Belarus bị cấm dự thi Olympic dành cho người khuyết tật ở Bắc Kinh.

Phát biểu hôm 25/3 tại một hội nghị về các danh nhân văn hóa Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã kịch liệt lên án lệnh cấm của phương Tây nhằm vào văn hóa.

Ông nói rằng, phương Tây không chỉ nhằm vào văn hóa Nga mới đây, mà trong nhiều bộ phim Hollywood, người Mỹ thành người chiến thắng duy nhất đánh bại Đức Quốc xã, còn lòng dũng cảm của các chiến sĩ Hồng quân bị hủy bỏ một cách đơn giản và thô bạo.

Ông Putin cho rằng, phương Tây đang “hủy diệt văn hóa”, giống như cách Đức Quốc xã thực hiện ở Đức gần 90 năm trước.

Sự phân biệt đối xử của phương Tây trong lĩnh vực văn hóa đã tạo ra tiêu chuẩn kép nhằm vào một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm và nền văn hóa bề dày như nước Nga.

Việc chính trị hóa lĩnh vực văn hóa thể thao đó đi xa hơn việc trả đũa cuộc chiến, nó thể hiện sự mong muốn của phương Tây chà đạp lên sự tôn vinh văn hóa lịch sử của người Nga, tạo nên tình cảm chống Nga trong thế giới ngày nay để áp đặt khát khao giữ vị trí độc tôn, đã đi ngược lại chính những gì vẫn được đề cao về các giá trị nhân văn, tự do, dân chủ, đa dạng văn hóa…

Mỹ Hằng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cuoc-tro-ve-cua-phi-hanh-gia-va-nhung-tieu-chuan-kep-ZraP1Js7R.html