Cuộc tranh cãi vì bé 4 tuổi phải đi cách ly một mình ở Trung Quốc

Hình ảnh những em nhỏ bị tách khỏi cha mẹ, một mình bước vào khu cách ly gây nên cuộc tranh cãi về chính sách chống dịch xây dựng trên nỗi sợ hãi mà Trung Quốc đang áp dụng.

Lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ màu trắng trùm kín từ đầu tới chân, cậu bé 4 tuổi đeo chiếc ba lô lớn bằng nửa người, chầm chậm bước xuống hành lang bệnh viện để tới phòng chụp CT.

"Thật không may, bé đã nhiễm Covid-19. Bố mẹ không được đi cùng, bé phải làm mọi thứ một mình", người đăng video cho biết.

Clip được ghi lại bởi Zhu Xiaqing, y tá tại bệnh viện cách ly tại thành phố Phủ Điền (tỉnh Phúc Kiến) - tâm điểm trong đợt bùng phát của chủng Delta. Hình ảnh xúc động đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người khi nó được lan truyền trên mạng.

 Hình ảnh em bé 4 tuổi phải đi cách ly một mình.

Hình ảnh em bé 4 tuổi phải đi cách ly một mình.

Theo CNN, đoạn video như một lời nhắc nhở sâu cay về cái giá phải trả đối với chính sách Zero Covid của chính phủ Trung Quốc, vốn là biện pháp đã giúp đất nước tỷ dân dập tắt nhiều đợt bùng phát dịch trước đây.

Chính sách nghiêm ngặt yêu cầu đặt những khu vực lân cận vùng dịch trong tình trạng phong tỏa, xét nghiệm cho hàng triệu cư dân trong vài ngày, nhanh chóng cách ly những người bị nhiễm và người tiếp xúc gần trong các khu cách ly tập trung.

Cái giá phải trả

Lần này, biện pháp thắt chặt được áp dụng với trẻ em, đối tượng trong các ca nhiễm được phát hiện ở ổ dịch mới.

Zhu Xiaqing nói với Fujian Health Daily rằng cô đã bật khóc khi nhìn thấy xe cấp cứu chở rất nhiều trẻ em đến bệnh viện để cách ly. Họ đến muộn vì một em nhỏ đã khóc suốt 2 tiếng, không muốn phải rời gia đình.

Khi đến viện, các em đều được chụp CT. Một số em quá nhỏ nên không leo lên được bàn kiểm tra, bác sĩ phải bế các em lên.

"Nhìn những đứa nhỏ phải tới viện một mình, không có cha mẹ bên cạnh, chúng thấy sợ hãi ở nơi xa lạ và tôi thực sự đau lòng khi thấy cảnh đó", Zhu nói.

 Nhiều trẻ em ở vùng dịch bị tách khỏi cha mẹ, một mình tới khu cách ly. Ảnh: AP.

Nhiều trẻ em ở vùng dịch bị tách khỏi cha mẹ, một mình tới khu cách ly. Ảnh: AP.

Trên Weibo, một số người dùng đặt câu hỏi tại sao những đứa trẻ này không thể đi cùng với cha mẹ. Nhiều người đoán rằng cha mẹ của các em có khả năng bị cách ly tập trung ở cơ sở khác.

Tại Phủ Điền, 57/129 trường hợp được báo cáo gần đây là trẻ dưới 12 tuổi. Để ngăn ngừa lây lan thêm, trẻ em bị nhiễm bệnh ở độ tuổi mẫu giáo được tách khỏi cha mẹ và đưa vào bệnh viện cách ly.

Trong một cuộc họp báo hôm 17/9, chính quyền Phủ Điền cho biết quy tắc kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc quy định nghiêm cấm bệnh nhân nhiễm Covid-19 tiếp xúc với nhau trong thời gian cách ly và điều trị. Tuy nhiên, nếu trẻ em và cha mẹ đều bị nhiễm, bệnh viện sẽ cố gắng sắp xếp để họ được ở gần nhau trong cùng một khu.

Ban đầu, một số trẻ em tiếp xúc với người dương tính nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính cũng bị tách khỏi cha mẹ. Chính sách sau đó được nới lỏng, trẻ dưới 14 tuổi được phép ở với cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình trong cùng khu cách ly, song việc cách ly với các em nhỏ bị nhiễm bệnh vẫn được duy trì.

Jin Dongyan, một nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Về cơ bản, đó là chiến lược 'thà giết nhầm còn hơn bỏ sót'. Trẻ em lẽ ra không cần phải trải qua các biện pháp cách ly khắc nghiệt như vậy. Đây là cái giá phải trả cho xã hội của phương pháp không khoan nhượng".

Chính sách chống dịch xây dựng trên nỗi sợ

Việc thực hiện nghiêm ngặt, gấp rút các biện pháp ngăn chặn dịch của chính phủ Trung Quốc càng dấy lên sự bất mãn trước đây.

Hồi tháng 6, hàng trăm cư dân ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã biểu tình phản đối việc nhiều khu vực lân cận vùng dịch bị phong tỏa kéo dài. Đoạn phim về cuộc biểu tình nhanh chóng được "quét sạch" khỏi Internet. Trên mạng xã hội, những người chỉ trích hoặc đặt câu hỏi về chính sách Zero Covid bị công kích bởi nhóm ủng hộ biện pháp này.

 Hình ảnh một điểm chốt phòng dịch ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 14/9. Ảnh: CNN.

Hình ảnh một điểm chốt phòng dịch ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 14/9. Ảnh: CNN.

Chiến lược Zero Covid vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã quen với những lợi ích liên quan và còn nhiều lo sợ về virus.

"Thành công của phương pháp nghiêm khắc một phần được xây dựng trên nỗi sợ hãi của công chúng. Điều này không lý tưởng. Cách chính xác là nói cho người dân biết sự thật (rằng phải sống chung với Covid-19), đó là cách bền vững duy nhất trong tương lai", Jin Dongyan nói.

Trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia mở cửa trở lại sau khi thực hiện tiêm chủng hàng loạt. Nhiều nước, như Singapore hay Australia cũng đang dần chuyển từ chính sách Zero Covid sang hướng sống chung với dịch.

Song chính phủ Trung Quốc vẫn dè dặt trong việc mở cửa biên giới, dù đã đạt được thành tựu lớn trong nỗ lực tiêm chủng. Nước này cho biết đã tiêm đầy đủ vaccine sản xuất trong nước cho 1 tỷ dân, đạt khoảng 71% dân số.

Tỷ lệ tiêm chủng này cao hơn so với những quốc gia đã mở cửa như Anh (64,8%) hay Mỹ (53,4%).

Jin cho biết các nhà chức trách Trung Quốc vẫn đang lo lắng về hiệu quả của vaccine. Một số quan chức cho biết những trường hợp đầu tiên bị nhiễm biến chủng Delta từng tiêm đủ 2 mũi vaccine trước đó.

"Họ lo ngại khả năng miễn dịch xã hội không đủ mạnh. Họ không đủ tin tưởng vào vaccine. Tình hình này có thể tiếp diễn trong một hoặc 2 năm nữa, nhưng Trung Quốc không thể đóng cửa mãi".

Tại bệnh viện cách ly ở Phủ Điền, nhân viên y tế cố gắng nghĩ ra nhiều cách để an ủi những đứa trẻ nhiễm bệnh. Họ trang trí các khu biệt lập và hành lang bằng những bức tranh hoạt hình, đem cho các bé sách và đồ chơi. Các y tá cũng chăm sóc chu đáo và vui chơi cùng các em nhỏ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-tranh-cai-vi-be-4-tuoi-phai-di-cach-ly-mot-minh-o-trung-quoc-post1263955.html