Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Giảng viên trẻ tâm huyết với chủ quyền biển đảo

ThS Trần Mỹ Hải Lộc cho biết càng nghiên cứu, anh càng được khai sáng rất nhiều vấn đề mới, càng nhận thấy tầm quan trọng trong nhận thức của giới trẻ về Hoàng Sa - Trường Sa, về biển Đông, về chủ quyền biển đảo của Việt Nam

ThS Trần Mỹ Hải Lộc sinh năm 1992, là giảng viên Bộ môn Chính trị - Ngoại giao của Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM. Anh đã nhiều năm miệt mài nghiên cứu khoa học với các đề tài liên quan chủ quyền biển đảo quê hương và những vấn đề liên quan chính trị - ngoại giao.

Nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học

Thời sinh viên (năm 2013), Trần Mỹ Hải Lộc từng đoạt giải nhì - lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - Giải thưởng Euréka do Thành Đoàn TP HCM tổ chức. Đề tài của anh là "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế từ hệ thống bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và các tổ chức phương Tây". Thành quả ban đầu ấy đã giúp anh nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu và trở thành giảng viên.

Hải Lộc nhớ lại: "Nghiên cứu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là một trong những đề tài đầu tiên mà tôi thực hiện. Lúc ấy tôi là sinh viên năm thứ ba ngành quốc tế học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Giảng viên hướng dẫn đã truyền cho tôi tâm huyết và sự tin tưởng vào năng lực để triển khai đề tài. Thời điểm đó, đây được xem là một trong những đề tài đầu tiên của sinh viên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam ở góc độ hệ thống bản đồ của các bên liên quan".

Ban đầu, Hải Lộc chỉ tiếp cận ở góc độ tổng hợp tài liệu rồi nghiên cứu cơ bản. Dần dần về sau, anh cảm thấy bị cuốn hút. Trong quá trình thực hiện đề tài, anh cho biết mình được tiếp cận nhiều tài liệu và chuyên gia sử học để hiểu được cơ sở lịch sử về chủ quyền của Việt Nam. Tận mắt nhìn thấy mộc bản triều Nguyễn được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) ở tỉnh Lâm Đồng khiến anh rất xúc động.

Thông qua giảng viên hướng dẫn, Hải Lộc được tiếp nhận nhiều bản đồ cổ của các bên mà ở thời điểm 2013 chỉ vừa được công bố. Vì thế, đề tài của anh "rất có tính mới, tính khả thi và cấp thiết" - như nhận xét của ban giám khảo.

Hải Lộc đã dành trọn thời gian của mình để nghiên cứu và thực hiện đề tài trong suốt gần 6 tháng. Cuối cùng, anh đạt được thành quả là giải nhì Euréka. Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển nghiên cứu của anh sau này.

ThS Trần Mỹ Hải Lộc (bìa trái) cùng đồng nghiệp nhận bằng khen của nhà trường trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lan tỏa kiến thức đến giới trẻ

ThS Trần Mỹ Hải Lộc cho rằng nghiên cứu khoa học đã khó, nghiên cứu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế càng khó hơn. Suốt 13 năm đam mê với ngành quan hệ quốc tế, anh nhận thấy rằng thích nghiên cứu và làm nghiên cứu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

"Nghiên cứu mà mình thực hiện phải mang tính cấp thiết, phải ứng dụng được và quan trọng nhất là kết quả nghiên cứu đó để làm gì. Nếu chỉ đơn thuần là để cho xong một môn học, đề tài hay dự án nào đó thì có thể chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu cơ bản. Nhưng nếu muốn ứng dụng thì phải mang tính phổ biến cao và có hàm ý, để các đơn vị tiếp nhận có thể sử dụng tham khảo và đề xuất chính sách, kế hoạch được" - anh nhìn nhận.

Hải Lộc cho rằng nội dung nghiên cứu liên quan biển đảo, chủ quyền của ta không chỉ phong phú, đa dạng mà còn rất chặt chẽ và rõ ràng. Giảng viên trẻ này tâm huyết: "Trong nghiên cứu của tôi, hệ thống bản đồ lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc, của các quốc gia và các tổ chức địa lý phương Tây, các châu bản triều Nguyễn... đã được công bố và sưu tập, kết hợp cùng với luật pháp quốc tế - ở đây là Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Đó là bằng chứng lịch sử rất có giá trị trong việc minh chứng chủ quyền của Việt Nam".

Hải Lộc bày tỏ mong muốn đóng góp một phần "công sức nhỏ bé" của mình về các vấn đề chủ quyền, đồng thời lan tỏa kiến thức đến những người xung quanh.

Ông Hoàng Sơn Giang, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Phát triển dự án - Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ thuộc Thành Đoàn TP HCM, nhận định ThS Trần Mỹ Hải Lộc là nhà nghiên cứu trẻ đầy tâm huyết với các vấn đề quan hệ quốc tế nói chung và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nói riêng. Trong những năm qua, anh đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm trí để nghiên cứu nhằm góp sức bảo vệ chủ quyền nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa, bằng các chứng cứ lịch sử quý báu.

"Chìa khóa vàng" cho người trẻ

ThS Trần Mỹ Hải Lộc có đam mê theo đuổi nghiên cứu khoa học về chủ quyền biển đảo

Giảng viên trẻ Trần Mỹ Hải Lộc cho rằng khi mỗi công dân hiểu rõ về chủ quyền đất nước, họ sẽ nuôi lớn tình yêu quê hương, từ đó nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền một cách tự nguyện, ngay trong ý thức.

Theo anh, việc hiểu rõ về chủ quyền đất nước không chỉ là cơ hội để kiểm tra kiến thức và bổ sung những gì còn thiếu, để nắm rõ hơn về chủ quyền dân tộc mà còn là "chìa khóa vàng" để mỗi người trẻ có thể thực hiện công tác ngoại giao thật tốt, cũng như tuyên truyền kiến thức đó đến bạn bè quốc tế một cách dễ dàng và đầy thuyết phục.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

LƯU ĐÌNH LONG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-giang-vien-tre-tam-huyet-voi-chu-quyen-bien-dao-196240428154937118.htm