Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Cô giáo nặng ân tình

Với tôi, cô như người mẹ hiền thứ hai, luôn xuất hiện kịp thời vào những giờ phút tôi chới với nhất. Với cô, tôi vẫn là đứa học trò luôn được cô yêu thương, bao bọc

Nhắc đến cô Bích Hường - nguyên giảng viên Khoa Văn - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chắc không chỉ riêng tôi mà lớp lớp thế hệ sinh viên khoa Văn đều cảm nhận được sự nghiêm khắc của cô trên giảng đường.

Bài học về tính kỷ luật của nghề giáo

Thời sinh viên, lớp tôi nhiều bạn ham chơi, lười học. Lâu lâu cúp tiết đi lang thang trải nghiệm Đà Nẵng mộng mơ. Năm 3, năm 4 thêm tâm lý ra trường phải xa nhau, nên tranh thủ cúp được tiết nào hay tiết đó.

Năm 2008, khi tôi là sinh viên năm cuối, cô dạy môn văn học hiện đại, buổi đầu tiên tôi và một số bạn trong lớp liều mạng cúp tiết của cô để đi săn mây trên đỉnh Sơn Trà. Sau đó, cô đã phát hiện và mời nhóm chúng tôi tới riêng gặp mặt. Cô ngồi phân tích cho chúng tôi hiểu việc hành xử cách "thiếu kỷ luật" trong môi trường sư phạm là khó có thể chấp nhận.

"Sau này, ra trường, đứng trên bục giảng cho các em học sinh cần phải tự rèn mình vào những khuôn phép, những quy định, nội quy mà nhà trường đã đề ra, việc dạy học sinh hiệu quả nhất vẫn là hình thức "nêu gương". Nếu thầy cô không chuẩn mực, tự mình phá bỏ quy tắc, quy định do nhà trường đã đề ra, các em học sinh sẽ đánh giá sao, liệu rằng các em còn tin những lời thầy cô nói không?". Nghe cô phân tích xong, chúng tôi đều cúi đầu cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình.

Trong những giờ dạy của cô, chúng tôi lúc nào cũng phải lo lên thư viện ngày hôm trước chuẩn bị bài, bởi cô yêu cầu thảo luận. Cô luôn đưa ra nhiều luận điểm khác nhau để sinh viên có thể phát biểu ý kiến phản biện. Nên giờ học của cô tôi rất sợ và cố gắng lắng nghe, giật mình thon thót sợ bị gọi tên. Nhưng vì sợ cô mà tôi đã đọc rất nhiều sách về các nhà văn hiện đại, thêm yêu những giờ giảng của cô. Từ đó, tôi nhận ra "cô giáo khó ưa" truyền đạt kiến thức cốt lõi nhất và có phương pháp dạy học tích cực, sôi động.

Cô không bắt sinh viên phải nghe theo những ý kiến một chiều mà động viên, khuyến khích chúng tôi có những ý kiến khác nhau, tham gia phản biện càng nhiều càng hay. Khi sinh viên đưa những dẫn chứng để tranh luận lại lập luận trước đó của cô, đều được cô rất chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận. Sau đó cả lớp phân tích kỹ lưỡng nên những giờ văn của cô luôn sôi nổi.

Điều thú vị và ấn tượng khi tôi học cô, đó là chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện hay gắn với các nhà thơ, nhà văn mà không có sách nào nhắc đến. Cô đã kỳ công sưu tầm chúng từ những người thân, bạn bè của các nhà thơ, nhà văn hiện đại, từ cuốn sổ đã bạc màu… Những câu chuyện đó khiến chúng tôi thêm cảm thán những nhà văn, nhà thơ hiện đại đã đóng góp cho nền văn học nước nhà một vườn hoa rực rỡ sắc màu…

Mới đó mà 15 năm nhưng tôi vẫn ấn tượng mãi về người cô với giọng Huế, một giảng viên luôn mở lòng mình lắng nghe học viên.

Nặng lòng với học trò

Chúng tôi ra trường, vào Nam lập nghiệp đằng đẵng 15 năm trời chưa một lần trở lại trường cũ thăm cô. Cô đã nghỉ hưu 10 năm, cô chọn ra Huế để chăm mệ đã ngoài 90 tuổi. Về hưu nhưng cô hăng say tham gia công tác xã hội, chú trọng đến việc vận động khuyến học. Ở cô luôn có sự nhiệt thành, tình yêu thương dành cho người khác mà không mong được nhận lại. Cuộc sống bộn bề vậy mà cô luôn nhớ đến chúng tôi. Cô say xe vậy mà sắp xếp thời gian vào thăm vợ chồng chúng tôi đến hai lần, khiến tôi rất cảm động.

Tôi nhớ mãi năm 2017, khi chồng tôi cũng là trò cũ khoa Báo chí do cô chủ nhiệm nằm viện bởi những cơn đau do bệnh "viêm cột sống dính khớp" hành hạ, ngày ngày cô đã gọi điện động viên. Những lúc nói chuyện, cô đã khóc và nói "cô thương hai đứa em mà ở quá xa không thể giúp đỡ". Lúc ấy tôi chỉ biết khóc theo.

Vài ngày sau đó, cô và tập thể lớp 08 CBC đã hỗ trợ vợ chồng một khoản tiền, lúc ấy không chỉ là giá trị vật chất, mà món quà tinh thần to lớn khi hai vợ chồng đang trong hoàn cảnh éo le. Chúng tôi cảm thấy mang ơn cô vô cùng. Vài tháng sau, cô sắp xếp công việc vào thăm học trò, khiến hai đứa cảm động vô cùng. Lần thứ hai, khi biết chúng tôi đã có một ngôi nhà nhỏ, cô đã vào thăm trong sự vỡ òa hạnh phúc.

Cô trò ôn lại kỷ niệm đẹp, với chúng tôi là thời thanh xuân tươi đẹp nơi giảng đường, với cô là những ngày tháng hạnh phúc nhất khi gieo những con chữ đầy vơi, chở lớp lớp học trò qua sông, nay đã có nhiều em thành công. Cô tự hào khi chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Lúc về, cô trò chia tay ở bến xe mà bịn rịn mãi không muốn rời…

Sẽ về thăm cô

Lần ấy, tôi phải đi cấp cứu trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Khi tôi được đẩy ra từ phòng hồi sức cấp cứu xuống giường bệnh, chị gái đưa cho tôi điện thoại. Thấy cô gọi nhỡ, mở ra những dòng nhắn tin: "Thắm ơi, cô cảm thấy trong lòng bất an, cô cảm nhận như em đang gặp chuyện gì xảy ra khi hơn tháng qua không thấy em đăng bài trên mạng xã hội, cô nhắn tin em và Tuấn đều không phản hồi, cô cảm thấy rất lo lắng, mong nhận được tin nhắn này nhắn lại cho cô nhé".

Tôi đã bật khóc thật to. Tôi là đứa học trò vô tâm khi chưa bao giờ chu đáo hỏi xem cô dạo này có khỏe không? Vậy mà cô... Lúc đó tôi đã khóc thật nhiều và tự hứa với mình: Nhất định trò sẽ ra thăm cô vào ngày gần nhất và nói với cô rằng: "Cô ơi, vợ chồng em biết ơn cô thật nhiều, cảm ơn số phận đã sắp đặt cho em được là học trò của cô".

Nguyễn Thắm (Huyện ủy Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-co-giao-nang-an-tinh-196240114204410532.htm