Cuộc tấn công của Iran làm sâu sắc thêm sự chia rẽ bên trong Israel

Giới chính trị và người dân Israel có nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên trả đũa Iran sau cuộc tấn công hôm 13-4 không.

Việc Iran phóng khoảng 330 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa, với khoảng 60 tấn chất nổ vào Israel vào khuya 13-4 rạng sáng 14-4 được xem “hành động chiến tranh” chưa từng có giữa hai nước. Việc các hệ thống phòng thủ của Israel, Mỹ, Anh và Jordan có thể đánh chặn cuộc tấn công của Iran với độ chính xác 99% đã mang lại sự cổ vũ tinh thần rất cần thiết cho người Israel vào thời điểm này, theo tờ The Wall Street Journal.

Nạn nhân duy nhất trong vụ tấn công của Iran là Amina al-Hasoni – một bé gái 7 tuổi sống tại sa mạc Negev (nam Israel). Vết thương nghiêm trọng của bé al-Hasoni là kết quả của sự thiếu các nơi trú ẩn không kích dành cho những người bán du mục ở Israel.

Israel đánh chặn các vũ khí của Iran hôm 14-4. Ảnh: REUTERS

Theo The Wall Street Journal, nhiều người ủng hộ việc Iran tấn công Israel. Những người này trước đó đã chỉ trích việc Israel gây thương vong lớn cho dân thường ở Gaza. Theo đó, những quan điểm này tràn ngập trên mạng xã hội và trong một bộ phận giới học thuật phương Tây. Đáp lại, một số người Israel tỏ ra rất tức giận và cho rằng: Thế giới đang chống lại chúng ta, nên chúng ta hãy coi thường thế giới.

Tuy nhiên, không phải người Israel nào cũng nghĩ vậy.

Quan điểm trả đũa Iran chiếm ưu thế?

Trong một cuộc thăm dò dư luận của ĐH Hebrew (Israel) được công bố ba ngày sau cuộc tấn công của Iran, 74% người tham gia nói rằng Israel không nên trả đũa Iran, nếu điều đó gây tổn hại cho các đồng minh của Israel, đặc biệt là với Mỹ. Theo đó, chỉ có một nhóm thiểu số người Israel ủng hộ việc tấn công lại Iran.

Theo The Wall Street Journal, nhóm thiểu số người Israel ủng hộ trả đũa Iran là nhóm cử tri mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhắm tới. Những người này bị quan điểm của các chuyên gia theo chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng khá nhiều.

Những chuyên gia này thường là các nhà bình luận trên đài Channel 14 (Israel), điển hình là nhà bình luận quân sự Eliahu Yosian. Ông Yosian là một người Israel gốc Iran và từng nói rằng Gaza “không có dân [vô tội], mà có 2,5 triệu kẻ khủng bố”. Ông Yosian cũng từng cho rằng Israel nên giết số lượng lớn người dân Gaza và xem đó như một biện pháp để đánh bại Hamas. Sau cuộc tấn công khuya 13-4, ông cũng ủng hộ việc trả đũa Iran.

Các chính trị gia Israel cực hữu như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir phản đối việc đàm phán với Hamas về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Thay vào đó, họ thúc giục ông Netanyahu đổ bộ Rafah – TP ở cực nam Gaza và là thành trì cuối cùng của Hamas – và tiến hành cuộc phản công mạnh chống lại Iran.

Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu (giữa, bên trái) bắt tay Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel – ông Itamar Ben-Gvir (giữa bên phải), vào tháng 5 năm 2023. Ảnh: AP

Những người này được cho là đang theo chủ nghĩa bi quan, cho rằng không bao giờ có thể có hòa bình giữa người Israel và người Palestine. Ngoài ra, họ còn mong chờ việc Israel chiến thắng Hamas, tái chiếm Gaza và trục xuất tất cả hoặc hầu hết người Palestine khỏi Bờ Tây. Theo thế giới quan cực đoan của họ, đây sẽ là khởi đầu cho sự tái định cư của toàn bộ người Israel.

Thất bại lớn nhất

Bản thân ông Netanyahu không phải là người ủng hộ hoàn toàn các quan điểm này, nhưng chính phủ của ông cần sự hỗ trợ của các chính trị gia như ông Ben-Gvir để tồn tại. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần đề nghị ông Netanyahu không đổ bộ Rafah hoặc tấn công đáp trả Iran.

Nhiều người Israel trung hữu tin rằng cuộc tấn công của Iran là sai lầm lớn nhất của Iran cho đến nay, cho rằng Iran là kẻ thù lớn nhất của Israel, là bên chỉ đạo các nhóm vũ trang Hamas, Hezbollah, Houthis và nhiều nhóm dân quân khác trên khắp Trung Đông.

Nhà báo bảo thủ kỳ cựu người Israel – ông Ben Dror Yemini kêu gọi Israel ngăn chặn bước tiến của Iran bằng một cuộc phản công, đóng băng các kế hoạch tấn công Rafah để kêu gọi chính quyền Mỹ ủng hộ cuộc tấn công Iran. Ngược lại, nhà báo cánh tả nổi tiếng Ari Shavit lại đề xuất rằng Israel nên kiềm chế trong việc đáp trả Iran để đổi lấy những lợi ích ngoại giao, bao gồm kế hoạch hòa bình với Saudi Arabia, kế hoạch tái thiết Gaza và đề nghị Hamas thả các con tin Israel.

Theo các cuộc thăm dò gần đây, hơn một nửa người dân Israel muốn ông Netanyahu đạt được thỏa thuận trao trả con tin với Hamas. Trong quá trình đàm phán, Hamas là phía thường xuyên bác bỏ các đề xuất. Tuy nhiên, chính phủ Israel cũng nhiều lần bỏ lỡ cơ hội đạt được thỏa thuận.

Những người biểu tình ở Tel Aviv (Israel) yêu cầu chính phủ nỗ lực giải cứu con tin, hôm 13-4. Ảnh: AFP

Một số nhà bình luận Israel nghi ngờ rằng Israel đứng sau vụ tấn công đại sứ quán của Iran ở Syria vào ngày 1-4. Đây cũng được xem là một nỗ lực nhằm trì hoãn việc giải quyết vấn đề con tin.

Đối với nhiều người Israel, việc không đạt được thỏa thuận thả hơn 100 con tin còn lại đang bị Hamas giữ sẽ là thất bại tồi tệ nhất. Đây không chỉ là thất bại về mặt quân sự hay ngoại giao, mà còn là thất bại về mặt con người. Điều này có nghĩa là chính phủ Israel không chỉ thua trong cuộc chiến với Hamas mà còn phá hủy quy tắc xã hội của Israel, khi hành động chính phủ cho thấy rằng chính trị đảng phái quan trọng hơn mạng sống của người dân Israel.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuoc-tan-cong-cua-iran-lam-sau-sac-them-su-chia-re-ben-trong-israel-post786362.html