Cuộc sống ở Beirut 3 năm sau thảm họa nổ hóa chất

Vào ngày 4/8/2020, các cửa sổ trong căn hộ của nhà Naggear, nằm ở khu phố Gemmayzeh của Beirut, đã vỡ tan sau một vụ nổ lớn ở thủ đô của Lebanon.

Tracy Naggear và cô con gái 3 tuổi Alexandra bị thương nặng. Vài ngày sau, cô bé qua đời trong bệnh viện. “Chúng tôi không ổn vì đã ba năm trôi qua và tình hình vẫn như chưa có chuyện gì xảy ra, như thể con gái chúng tôi không hề tồn tại và không ai quan tâm”, Paul Naggear nói.

Gia đình nhà Naggear với cô con gái nhỏ đã qua đời trong vụ nổ ở Lebanon vào năm 2020. Ảnh: DW

Alexandra là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của vụ nổ, với hơn 220 người đã thiệt mạng trong vụ việc. Hàng nghìn người khác bị thương và 300.000 người đã phải sơ tán sau khi 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ, một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được ghi nhận. Amoni nitrat đã được lưu trữ không đúng cách trong nhà kho ở cảng Beirut trong sáu năm.

Cuộc điều tra bị đình trệ

Trong một thời gian dài, gia đình Naggear không thể trở về căn hộ của họ ở Beirut vì nỗi đau tinh thần, nỗi sợ hãi và mọi thứ ở nơi này đều gây tổn thương cho họ. Vì vậy, họ chuyển đến Beit Mery ở phía Đông đất nước. Ngoài nỗi đau mà vụ nổ gây ra, gia đình còn phải đối mặt với sự hỗn loạn kinh tế và chính trị ngày càng tồi tệ ở Lebanon.

Nước này đang đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế được Ngân hàng Thế giới xếp loại là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ thế kỷ 19. Lebanon hiện cũng không có tổng thống. “Chúng tôi đã cố gắng sắp xếp lại cuộc sống của mình trong một thời gian. Và tôi nghĩ bây giờ chúng tôi đã ổn hơn", Paul Naggear, một kiến trúc sư, cho biết.

Vụ nổ giết chết hơn 220 người và phá hủy cảng và các khu vực lân cận ở Beirut, Lebanon vào ngày 4 tháng 8 năm 2020. Ảnh: DW

Tuy nhiên, cặp đôi vẫn đang đấu tranh để đòi công bằng cho Alexandra. Hầu như mỗi ngày, nhà Naggear đều gặp gỡ thân nhân của những nạn nhân khác cũng tham gia vào cuộc chiến tương tự. “Bạn phải tìm cách của riêng mình để đòi lại công lý", Paul nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ba năm trôi qua, không ai phải chịu trách nhiệm mặc dù có bằng chứng cho thấy các quan chức Lebanon có liên quan đến nguyên nhân vụ nổ.

“Thật không may, cuộc điều tra về vụ nổ đã bị đình chỉ trong một thời gian dài ở Lebanon", bà Lina Khatib, Giám đốc Viện Trung Đông tại Đại học SOAS ở London và là cộng sự tại Chatham House, cho biết.

Cuộc điều tra vụ nổ do Thẩm phán Tarek Bitar, một trong những người nổi tiếng là liêm khiết, dẫn đầu. Lebanon không có thành tích tốt trong việc truy bắt tội phạm, nhưng các cuộc điều tra của ông Bitar dường như đang đi đúng hướng.

Hình ảnh hoang tàn sau thảm họa nổ hóa chất. Ảnh: AFP

Cuộc điều tra đã bị đình chỉ vào năm 2021, sau khi các quan chức được yêu cầu điều tra gửi đơn kiện ông Bitar. Vào tháng 10/2021, vụ việc đã gây ra các cuộc biểu tình ở Beirut, một số đã trở nên bạo lực.

Khi ông Bitar cố gắng khởi động lại cuộc điều tra vào tháng 1/2023, công tố viên hàng đầu của Lebanon, thẩm phán Ghassan Oweidat cho biết ông Bitar đã vượt quá thẩm quyền tư pháp của mình và ban hành lệnh cấm đi lại đối với ông. Thẩm phán Oweidat cũng ra lệnh rằng tất cả những người bị giam giữ liên quan đến cuộc điều tra phải được thả tự do.

Gia đình của các nạn nhân, các tổ chức nhân quyền và một số chính trị gia đang theo đuổi nhiều con đường khác nhau để tìm kiếm công lý. Ví dụ, họ đã yêu cầu Liên hợp quốc thành lập một cuộc điều tra quốc tế đặc biệt về việc này.

Ngoài ra, các vụ kiện tại nước ngoài chống lại các bên có liên quan đã mang lại những thành công nhất định. Một vụ kiện đã nhằm vào một công ty kinh doanh hóa chất ở London có tên Savaro Ltd. Công ty này bị nghi ngờ đã thuê lô hàng amoni nitrat năm 2013 và cuối cùng phát nổ ở Beirut vào năm 2020.

Tác phẩm điêu khắc của kiến trúc sư người Lebanon Nadim Karam tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ ở cảng Beirut. Ảnh: Reuters

Vào tháng 2/2023, một tòa án của Anh đã quyết định có lợi cho ba gia đình của những nạn nhân có liên quan. "Phán quyết cho chúng tôi hy vọng vì đó là bước đầu tiên để đạt được công lý", Naggear nói.

Tổ chức Accountability Now của Thụy Sĩ và các gia đình nạn nhân khác đã đệ đơn kiện tập đoàn dịch vụ địa vật lý Mỹ-Na Uy TGS. Công ty được cho là sở hữu đơn vị đã thuê lại con tàu chở amoni nitrat vào năm 2012. Vụ kiện đã được đệ trình ở Texas.

"Tình trạng tuyệt vọng"

Ba năm trước, tầng lớp trung lưu tương đối khá giả của Lebanon có thể tập trung vào việc theo đuổi công lý. Nhưng bây giờ nhiều người Lebanon đang đấu tranh để sinh tồn.

"Lebanon hiện đang trong tình trạng tuyệt vọng", nhà Naggear nói. "Mọi người gần như đã mất hy vọng rằng chính quyền sẽ có thể đáp ứng ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất".

Kể từ đó, họ chào đón cậu con trai nhỏ, họ không còn cảm thấy an toàn ở Lebanon và đang cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể ở đảo Síp gần đó. Họ nói rằng họ sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho đứa con gái đã mất của mình.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến của mình vô thời hạn, cho đến khi chúng tôi tìm được sự thật và công lý cho con gái mình", họ cho hay.

Quốc Thiên (theo DW, AFP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-song-o-beirut-3-nam-sau-tham-hoa-no-hoa-chat-post259144.html