Cuộc khủng hoảng Ukraine phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh khí đốt ở Doha

Qatar sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nước sản xuất khí đốt từ Chủ nhật, trong bối cảnh châu Âu lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt của Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong một lần tham dự Thượng đỉnh Bộ tứ Normandy ở Pháp

Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) sẽ quy tụ 11 quốc gia thành viên đại diện cho hơn 70% trữ lượng khí đốt của thế giới, bao gồm Nga, Qatar, Algeria và Nigeria, cũng như 7 nước quan sát viên và 3 khách mời.

Sự kiện này diễn ra vào thời điểm Washington cáo buộc Moscow đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược quân sự nhằm vào nước láng giềng Ukraine, điều đã góp phần khiến giá khí đốt tăng vọt.

Châu Âu, đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào Nga, đã chuyển sang các thành viên khác của GECF.

Tuy nhiên, hầu hết các nước GECF đều tuyên bố đã đạt hoặc gần như đạt công suất tối đa và chỉ có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu trong ngắn hạn, tùy thuộc vào sự đồng ý của các khách hàng hiện tại của họ.

Theo các nhà ngoại giao, các cuộc trao đổi GECF sẽ xoay quanh những cách có thể để tăng sản lượng khí đốt trong trung hạn.

Sau các cuộc họp cấp bộ trưởng, hội nghị thượng đỉnh sẽ có các nguyên thủ quốc gia tham gia.

Sự hiện diện của Tổng thống Nga Putin vẫn chưa được xác nhận. Nga và tập đoàn khổng lồ Gazprom đóng vai trò dẫn đầu thị trường khí đốt.

Các thành viên của GECF - không bao gồm các nhà sản xuất khí đốt lớn Australia và Mỹ - chắc chắn sẽ tái khẳng định với châu Âu rằng họ không thể cam kết với các đơn đặt hàng nếu không có hợp đồng dài hạn, giáo sư Thierry Bros tại Sciences-Po Paris dự đoán.

Vì để cung cấp khí đốt cho châu Âu, các nước sản xuất phải đầu tư đáng kể để tăng sản lượng của họ. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) miễn cưỡng ký kết các hợp đồng có thời hạn 10, 15 hoặc 20 năm.

Nhưng nếu EU bày tỏ mong muốn hướng tới cái gọi là các nguồn năng lượng sạch, tình hình có thể thay đổi do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đối với chuyên gia an ninh Andreas Krieg, thuộc Đại học King's College ở London, Qatar đang cố gắng tự coi mình như một nhà hòa giải trong lĩnh vực ngoại giao để hồ sơ Ukraine cũng được đưa vào các cuộc thảo luận.

Ông nói: “Qatar có thể sử dụng diễn đàn này để nói chuyện với Nga về Ukraine, vì tất cả những người tham gia đều lo ngại về những hậu quả mà cuộc khủng hoảng leo thang sẽ gây ra đối với an ninh của nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu”.

Ông cho biết thêm, Nga có thể thiết lập quan hệ với Qatar vì các khách hàng châu Âu coi tiểu vương quốc này là nhà cung cấp thay thế. Nga hiện nắm giữ 40% thị trường châu Âu và Qatar 5%.

Ông Krieg nói: “Đây sẽ là một cơ hội tốt để Qatar sử dụng diễn đàn để đề nghị Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải giữa họ và Nga trong cuộc khủng hoảng này”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cuoc-khung-hoang-ukraine-phu-bong-den-len-hoi-nghi-thuong-dinh-khi-dot-o-doha-642486.html