Chưa đạt được đồng thuận

Bất chấp sự nhượng bộ của Chính phủ Hàn Quốc cho phép các trường đại học y tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tới, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) - tổ chức nghề nghiệp lớn nhất đất nước dành cho các bác sĩ - đã không đồng ý với giải pháp này. Cuộc khủng hoảng ngành y càng thêm bế tắc trong bối cảnh các giáo sư y khoa sẽ chính thức nghỉ việc vào cuối tuần này.

Bước nhượng bộ không được chấp nhận

Trong một quyết định mới nhất, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo tuyên bố, Chính phủ sẽ chấp nhận đề xuất của hiệu trưởng 6 trường đại học công lập quốc gia Gangwon, Kyungpook, Kyungsang, Chungnam, Chungbuk và Jeju về việc giảm tới 50% chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho năm học tới. Theo Chính phủ, quá trình điều chỉnh số lượng tùy thuộc vào từng trường đại học, miễn là họ không giảm số lượng quá 50%.

Cụ thể, tất cả 32 trường cao đẳng và đại học y trên toàn quốc, nơi phân bổ 2.000 suất tuyển sinh y khoa mới, sẽ cắt giảm một nửa chỉ tiêu được phân bổ ban đầu xuống còn 1.000 suất. Việc cắt giảm thêm có thể xảy ra nếu các trường đại học và cao đẳng y tế tư thục cũng sẽ tham gia đề xuất này.

Quyết định chấp nhận giảm chỉ tiêu tuyển sinh được đánh giá là bước đi nhượng bộ lớn nhất của Chính phủ, vốn trước đó tuyên bố kế hoạch tăng chỉ tiêu là không thể đàm phán được.

Các sinh viên y khoa giương biểu ngữ phản đối kế hoạch mở rộng tuyển sinh ngành y. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế đã có tác động lớn đến kết quả bầu cử Quốc hội trung tuần tháng 4 vừa qua khi đảng cầm quyền bảo thủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol thất bại nặng nề. Ban đầu, công chúng có thiện cảm với đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, cuộc thăm dò trước bầu cử ngày 10.4 cho thấy thái độ của người dân đã thay đổi khi phần lớn cho rằng họ cảm thấy mệt mỏi với cuộc khủng hoảng. Gần 60% người được khảo sát cho biết giới chức nên điều chỉnh quy mô và thời gian của kế hoạch cải cách y tế để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay.

Tuy nhiên, đáp lại bước đi nhượng bộ của Chính phủ, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) nêu quan điểm rằng: "quyết định mới của Chính phủ chỉ là giải pháp tình thế, không phải cách giải quyết cơ bản và cốt lõi của vấn đề".

Theo ông Kim Sung-geun, người phát ngôn KMA, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 suất từ năm 2025 sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn cũng như tạo tình trạng dư thừa bác sĩ.

Thay vì tăng chỉ tiêu, KMA cho rằng, giới chức Hàn Quốc cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là đưa ra các biện pháp bảo vệ bác sĩ hiệu quả hơn khỏi các vụ kiện sơ suất, đồng thời có các biện pháp về ngân sách để khuyến khích các bác sĩ ở các chuyên khoa "không được ưa chuộng" và thu nhập thấp như phẫu thuật có nguy cơ cao, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Ủy ban cải cách không được ủng hộ

Trong một bước đi được đánh giá là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận xã hội liên quan đến chương trình cải cách, Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố vận hành “Ủy ban Đặc biệt về cải cách y tế” trực thuộc Phủ Tổng thống bắt đầu từ tuần này và kêu gọi KMA và các bác sĩ tập sự tham gia vào Ủy ban.

Trong một tuyên bố ngày 22.4, Thứ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc Park Min-soo nhấn mạnh Ủy ban Đặc biệt về cải cách y tế là một cơ chế thảo luận xã hội, dự kiến sẽ tiến hành trao đổi về các giải pháp cải cách nhằm đổi mới hệ thống y tế, phương hướng đầu tư cho y tế thiết yếu và phương hướng định kỳ xem xét cung cầu nhân lực y tế. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng đại diện các bên liên quan sẽ tham gia vào cơ chế thảo luận mở này để có thể đạt được giải pháp toàn diện và hợp lý cho các vấn đề tồn đọng của ngành y. Ông lưu ý, Chính phủ không chấp nhận hủy bỏ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chỉ lùi thời hạn và tiến hành theo lộ trình.

Dự kiến, Ủy ban Đặc biệt về cải cách y tế gồm 1 chủ tịch và 20 ủy viên đại diện khối dân sự, 6 ủy viên đại diện Chính phủ, dự kiến sẽ họp lần đầu tiên trong tuần này.

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của Chính phủ, KMA từ chối lời đề nghị tham gia ủy ban, lưu ý rằng cơ quan này “thiếu sự rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình” và rằng việc tham gia sẽ “vô nghĩa nếu ý kiến của cộng đồng y tế không được phản ánh đúng đắn”.

Người đứng đầu Ủy ban Ứng phó khẩn cấp của KMA Kim Taek-woo đặt câu hỏi về sự tham gia của đại diện các nhóm bệnh nhân và nhóm dân sự trong Ủy ban, nói rằng họ không liên quan đến vấn đề tăng chỉ tiêu của trường y.

Trong khi đó, các nhóm bác sĩ cũng đang đặt câu hỏi về trình độ chuyên môn của ông Roh Yeon-hong, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm Hàn Quốc, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban Cải cách. Họ cho rằng, việc bổ nhiệm một nhân vật không có kinh nghiệm thực tế trong ngành y trong khi lại là một gương mặt của Chính phủ (ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm dưới thời chính quyền Lee Myung-bak) sẽ chỉ khiến cơ quan này không đưa ra được những quyết định công tâm.

Đại diện KMA cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nghi ngờ chỉ đạo của Ủy ban khi chủ tịch của Ủy ban không phải là giáo sư y khoa hay học giả”.

Động thái mới nhất của KMA khiến cuộc khủng hoảng y tế thêm bế tắc. Với 140.000 chuyên gia y tế thành viên, KMA là tổ chức nghề nghiệp lớn nhất đất nước dành cho các bác sĩ Hàn Quốc, đóng vai trò chính trong các cuộc đình công vừa qua.

"Vì tương lai đất nước, để bảo vệ sức khỏe của các bệnh nhân đang phải chịu đựng tổn thương, chúng tôi yêu cầu Tổng thống từ bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng hạn ngạch sinh viên y khoa và đàm phán lại từ đầu", người phát ngôn KMA Kim Sung-geun nói. Ông nhận định giới chức "còn một tuần" để tìm ra giải pháp trong bối cảnh các giáo sư đầu ngành chuẩn bị từ chức hàng loạt.

Chạy đua với thời gian

Ngày 25.4 là mốc thời gian mà đơn từ chức tập thể của giáo sư các trường y, được đưa ra từ 1 tháng trước, chính thức có hiệu lực. Trong một tuyên bố ngày 23.4, Ủy ban bao gồm các giáo sư từ 20 trường y trên toàn quốc, bao gồm Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Yonsei và Đại học Ulsan cho biết: “Chúng tôi xác nhận việc từ chức của chúng tôi sẽ bắt đầu từ ngày 25.4 theo kế hoạch mà không cần sự chấp nhận của Chính phủ cho quyết định từ chức của chúng tôi”.

Trong khi đó, những giáo sư không thể xuất viện ngay cho biết họ sẽ tự cho mình nghỉ một ngày mỗi tuần bắt đầu từ 30.4 vì thời gian qua họ đã phải làm việc trong tình trạng quá mệt mỏi do thiếu bác sĩ. Tuyên bố này làm tăng thêm mối lo ngại về sự gián đoạn hơn nữa trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc.

Liên minh Bệnh nhân Hàn Quốc trong ngày 23.4 cũng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi các giáo sư y khoa đứng về phía bệnh nhân. Tổ chức này cho biết: “Điều đáng lo ngại là sự vắng mặt của các giáo sư y khoa sẽ làm suy yếu ý chí phục hồi của những bệnh nhân mắc các bệnh nan y nghiêm trọng và hiếm gặp”.

Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự của Hàn Quốc đã nghỉ việc từ ngày 20.2 năm nay nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 người từ năm sau, so mức 3.058 người hiện tại. Cuộc đình công đã gây ra sự hỗn loạn lớn trong lĩnh vực y tế của Hàn Quốc, do bác sĩ tập sự đóng vai trò quan trọng trong các bệnh viện lớn và các trợ lý bác sĩ cùng nhân viên y tế khác đang phải gồng mình giải quyết hậu quả.

Tuy nhiên, chưa thấy có hướng giải quyết khả thi cho cuộc khủng hoảng dai dẳng này khi phía các bác sĩ tỏ ra khá kiên quyết trong lập trường của mình và có vẻ như họ nhận thấy họ đang nắm ưu thế vì thời gian không đứng về phía chính phủ Hàn Quốc.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cuoc-khung-hoang-nganh-y-i368888/