Cuộc khủng hoảng giá cả trong ngành xuất bản

Tờ The Bookseller dẫn báo cáo của một đơn vị phân tích trong ngành cho biết lợi nhuận ngành xuất bản đã chững lại trong hai thập kỷ qua.

Enders - công ty phân tích dữ liệu về các ngành công nghiệp sáng tạo gần đây đã đưa ra báo cáo về hoạt động của ngành xuất bản. Sử dụng dữ liệu từ Nielsen BookScan, báo cáo cho biết “giá bìa của sách thì đang tăng, nhưng con số đó không tương xứng với lạm phát và không có triển vọng quay lại mức doanh thu cũ” .

Doanh thu từ giá bán sách giảm phát nghiêm trọng

Các nhà nghiên cứu của Enders cũng cho hay: “Lợi nhuận thực tế từ sách đã ghi nhận tình trạng giảm phát nghiêm trọng trong 20 năm qua. Chi phí sản xuất sách đã bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề liên quan đến lạm phát, vì nhiều công ty trong ngành cũng bị ảnh hưởng trên diện rộng. Theo đó, các nhà xuất bản, đặc biệt là các nhà xuất bản nhỏ, cũng gặp nhiều khó khăn”.

“Cụ thể, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giá bán thực tế trung bình của một cuốn sách thấp hơn 2/3 so với năm 2001. Dù giá bìa đã tăng từ 7,81 bảng Anh năm 2001 lên 8,97 bảng Anh tháng 10/2023 nhưng sự chênh lệch này không tương đương với lợi nhuận. Vì 7,81 bảng Anh năm 2001 tương đương với 13,8 bảng Anh của năm 2023”.

Giá bìa sách tăng nhưng không bù đắp được chi phí lạm phát. Ảnh: AL.

Enders tin rằng không nhà xuất bản nào muốn trở thành người đầu tiên tăng giá vì “bất kỳ ai tăng giá bìa trước tiên đều lo lắng sẽ mất thị phần vào tay những người giữ giá thấp hơn. Mức giá bìa 9,99 bảng Anh đang là một ‘ngưỡng cửa’ lớn với sách bìa mềm” vì vượt qua ngưỡng đó đã đủ khiến độc giả cảm nhận sách đắt hơn đáng kể”.

Enders cho rằng tình trạng này là một “cuộc khủng hoảng chi phí” đối với nhiều nhà xuất bản trog suốt 2 thập kỷ qua. Ngoài vấn đề lạm phát, còn nhiều yếu tố từ bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh hiện tại, khi độc giả có nhiều lựa chọn thông tin giải trí miễn phí hoặc giá rẻ hơn.

Bắt buộc phải tăng giá sách

Tuy nhiên, dù đứng trước sự cạnh tranh như vậy, giá sách vẫn cần phải tăng vì nhiều yếu tố, trong đó có việc lương nhân viên và tác giả vẫn đang ở mức thấp. Để tăng doanh thu cuối, Enders đề xuất các nhà xuất bản điều chỉnh giá tùy theo kênh bán hàng, định dạng và kể cả các ấn bản đặc biệt. Enders cho biết: “Điều chỉnh như vậy sẽ giúp các nhà xuất bản có được doanh thu tốt hơn, trong khi vẫn giúp những độc giả khó khăn và nhạy cảm về giá có thể mua những ấn bản chi phí thấp”.

Nhận thấy sức mạnh của mạng xã hội và các chương trình đăng ký thành viên để mua sách, Enders gợi ý rằng các nhà xuất bản có thể ra mắt nhiều ấn bản đặc biệt với giá cao hơn để “thu hút được doanh thu từ những độc giả có có nhu cầu sưu tầm trong một số thể loại nhất định”. Cụ thể, nhiều chương trình đăng ký mua sách như FairyLoot và Illuminicrate đang hợp tác với các nhà xuất bản để thiết kế ấn bản đặc biệt với nhiều lựa chọn như bìa tùy chỉnh, giấy bạc, viền phun, có chữ ký hay số lượng ấn bản hạn chế. Một số ấn bản có thể có nội dung bổ sung độc quyền và các hộp đựng đi kèm được thiết kế theo chủ đề.

Những độc giả đam mê sưu tầm thích những ấn bản này và họ có thể đăng hình và video trên Instagram và TikTok, từ đó vừa thu hút lượng tương tác cho bản thân họ và cho chính những ấn bản đặc biệt này. Hiện một số ấn bản như vậy được bán cho những người không đăng ký chương trình mua sách với giá lên tới 20 bảng Anh, và một số ấn bản siêu đặc biệt còn có giá lên tới 75 bảng Anh. Nhiều ấn bản như vậy thậm chí còn tăng giá trị trên thị trường thứ cấp.

Đa dạng giá cho các kênh bán hàng

Việc đa dạng hóa bán lẻ trực tiếp hạn chế vị thế độc tôn của các thế lực trong ngành xuất bản. Ảnh: Bookbaby.

Enders cũng lưu ý việc Waterstones và nhiều hiệu sách độc lập đang tự bán cho độc giả các ấn bản độc quyền với chất lượng và nội dung sưu tập đặc biệt. Chúng không phải là mặt hàng sưu tập quá đắt đỏ nhưng chúng cũng giúp cho việc duy trì giá ổn định cho những ấn bản này.

Enders đánh giá: “Việc đa dạng hóa bán lẻ trực tiếp nên là ưu tiên hàng đầu của ngành, vì nó sẽ hạn chế vị thế độc tôn của các thế lực (như Amazon) trong việc đưa ra các điều khoản gây sức ép cho các nhà cung cấp và định hình thị trường theo lợi ích riêng của mình”.

“Đối với các nhà xuất bản, việc đa dạng hóa các kênh bán hàng cũng là cơ hội để giải quyết một số vấn đề về giá cả, vì họ có thể triển khai chiến lược giảm giá có chọn lọc dựa trên đánh giá các kênh mua hàng của độc giả.

Ví dụ, người mua trên TikTok thường đã xem video về tác phẩm trước khi mua sách nên họ không quá đặt nặng vấn đề giá cả khi mức giá không quá đắt. Vì vậy, để tối đa hóa doanh thu, các nhà xuất bản nên tăng giá bìa sau đó sẽ giảm giá có chọn lọc dựa trên các kênh bán hàng.

Ví dụ như hiện tại các chuỗi hàng sách chuyên biệt như Waterstones chỉ giảm 5% trên giá bìa nhưng một số tác phẩm được bán tại chuỗi hàng bán lẻ Asda lại có thể giảm tới 47%”, Enders đề xuất.

Enders kết luận: “Các nhà xuất bản nên có niềm tin vào sản phẩm của họ, tính phí nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp thông qua các kênh bán hàng cao cấp, đồng thời không bỏ qua các kênh tiếp cận phổ biến, có thể tùy biến chương trình giảm giá phù hợp”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-khung-hoang-gia-ca-trong-nganh-xuat-ban-post1456139.html