Cuộc gặp 'tay ba' phản ánh sức mạnh của quan hệ Mỹ-Ba Lan

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sẽ tới Mỹ vào sáng 11/3 (giờ địa phương) và ngày hôm sau, cùng với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau vào ngày 12/3 tại Washington D.C. (Nguồn: Getty Images)

Theo TVP World, một số chủ đề dự kiến được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Ba Lan với Tổng thống Mỹ là tình hình hiện tại của NATO, sự mở rộng của liên minh trong tương lai, việc hỗ trợ cho Ukraine cũng như quan hệ hợp tác Mỹ-Ba Lan và việc Ba Lan mua vũ khí Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc trong việc bảo vệ Ukraine trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Trước chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Andrzej Duda triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia vào ngày 11/3, với sự tham dự của các Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện, Thủ tướng, người đứng đầu Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ và Hành chính cùng các quan chức khác.

Mục đích của cuộc họp là đảm bảo rằng giới lãnh đạo Ba Lan có quan điểm thống nhất về vấn đề an ninh quốc gia. Tổng thống Duda và Thủ tướng Tusk đều tuyên bố rằng vấn đề an ninh phải trở thành ưu tiên quốc gia để đoàn kết tất cả mọi người ở Ba Lan, không có ngoại lệ.

Trước cuộc gặp ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Duda dự kiến gặp lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Cuộc gặp tại Washington D.C diễn ra nhân kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO (1999-2024). Theo Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski, ông Joe Biden có vai trò then chốt trong việc điều phối quá trình mở rộng NATO và cuộc gặp sắp tới sẽ tái khẳng định tính hiệu quả trong hoạt động phòng thủ tập thể của NATO.

Nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh ý định của ông chủ Nhà Trắng là bày tỏ lòng cảm kích tới chính quyền Ba Lan vì sự hỗ trợ trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông bình luận, việc cả Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan cùng đến thăm Phòng Bầu dục, bất chấp những khác biệt về chính trị và ý thức hệ, phản ánh sức mạnh của quan hệ Mỹ-Ba Lan, dựa trên lợi ích chiến lược chung hơn là liên kết chính trị.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-gap-tay-ba-phan-anh-suc-manh-cua-quan-he-my-ba-lan-263786.html