Cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Biden - Putin: Không có đàm phán cá nhân

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên gặp mặt từ khi ông Biden nhậm chức, và dự kiến sẽ không có bất kỳ đàm phán cá nhân nào.

Ngày 16/6, tại Thụy Sĩ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Tham gia cùng hai nhà lãnh đạo có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Ông Putin cảm ơn người đồng cấp Mỹ về "sáng kiến gặp gỡ". "Tôi biết ngài đã trải qua một hành trình dài và còn rất nhiều việc", ông Putin nói.

"Nhưng Mỹ - Nga và các mối quan hệ của Mỹ còn rất nhiều vấn đề tích tụ đòi hỏi một cuộc họp cấp cao nhất. Tôi hy vọng rằng cuộc họp của chúng ta sẽ hiệu quả", ông nói thêm.

Ông Biden đề nghị họ sẽ làm việc trên các lĩnh vực “hai bên cùng quan tâm”.

Theo CNN, ông Biden mỉm cười một lần khi ông Putin phát biểu, nhưng các nhà lãnh đạo phần lớn không biểu lộ cảm xúc gì. Hai người hiếm khi trao đổi ánh mắt với đối phương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng tthống Nga Putin. (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng tthống Nga Putin. (Ảnh: CNN)

Có thể dự đoán một mối quan hệ ổn định hơn là những gì cả hai bên hy vọng ở cuộc đàm phán, dù còn những mâu thuẫn liên quan đến hàng loạt lĩnh vực từ kiểm soát vũ khí, an ninh mạng đến các nghi vấn can thiệp bầu cử và Ukraine.

Một quan chức Mỹ cấp cao nói với các phóng viên trên Không lực Một khi ông Biden bay đến Geneva rằng hai tổng thống dự kiến sẽ nói chuyện trong 4 hoặc 5 giờ đồng hồ.

Trước đó, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov nhận định rằng hai bên "không chắc rằng sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận nào".

Mối quan hệ Nga - Mỹ xấu đi trong nhiều năm, mới đây lại thêm diễn biến căng thẳng vào tháng 3, khi ông Biden nói nhà lãnh đạo Nga phải trả giá vì cố gắng can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.

Nga đã triệu hồi đại sứ của mình tại Washington để tham vấn. Mỹ cũng đã triệu hồi đại sứ của mình vào tháng 4.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc có cử đại sứ trở lại hay không sẽ do hai tổng thống quyết định. “Hôm nay, các tổng thống cần xác định cách thức tiến hành với những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao".

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai bên có nhiều bất đồng. (Ảnh: CNN)

Dù còn bất đồng nhưng kiểm soát vũ khí là một lĩnh vực có thể đạt được tiến bộ.

Vào tháng 2, Nga và Mỹ đã gia hạn thêm 5 năm hiệp ước START mới, trong đó giới hạn các đầu đạn hạt nhân chiến lược hai nước được triển khai, hạn chế các tên lửa mặt đất và tên lửa phóng từ tàu ngầm, cũng như máy bay ném bom vận chuyển các loại tên lửa này.

Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thêm, trong cuộc gặp, ông Biden cũng sẽ xác định các lĩnh vực lợi ích quốc gia quan trọng, đáp trả nếu Nga có hành vi sai trái.

Ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, cho rằng: “Điều có thể rút ra từ cuộc họp ở Geneva là Mỹ và Nga có thể đảm bảo không tấn công nhau, ngăn chặn một vụ va chạm quân sự”.

Video: Tổng thống Nga-Mỹ bắt tay trước cuộc gặp lịch sử

Cuộc họp diễn ra với sự phong tỏa chặt chẽ và lực lượng cảnh sát được trang bị dày đặc. Không gian xung quanh cuộc gặp đang được chú ý là Villa La Grange, dinh thự trang nhã nằm trong một công viên rộng 30 ha nhìn ra hồ Geneva.

Các cuộc đàm phán sẽ không bao gồm bất kỳ bữa ăn nào và ông Putin cùng Biden dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp báo riêng biệt thay vì một cuộc họp chung.

Trái ngược với cựu Tổng thống Trump, người có hội nghị thượng đỉnh năm 2018 với Tổng thống Putin tại Helsinki bao gồm một cuộc họp chỉ có thông dịch viên, ông Biden và ông Putin dự kiến sẽ không có bất kỳ đàm phán cá nhân nào.

Phương Anh (Nguồn: Reuters, CNN)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-gap-dau-tien-cua-tong-thong-biden-putin-khong-co-dam-phan-ca-nhan-ar618828.html