Cuộc đua cung cấp xe tăng, Nga có lợi thế gì so với Ukraine?

Ukraine hoàn toàn không thể so sánh được với Nga trong cuộc đua cung cấp xe tăng; khi Quân đội Nga đã nhận được một số lượng lớn xe tăng T-90M và T-72B3M mới, còn Ukraine vẫn phải ngóng chờ vào viện trợ của phương Tây.

Cả Nga và Ukraine đã thiệt hại một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép trong một năm rưỡi xung đột. Tất nhiên, cả hai bên đều còn rất nhiều xe tăng, xe bọc thép dự trữ, có thể chiến đấu trong một thời gian nữa. Nhưng xét đến cuộc chiến kéo dài, số lượng xe tăng hiện có chắc chắn là không đủ.

Hiện Ukraine đã mất năng lực sản xuất xe tăng; Nhà máy chế tạo máy Kharkov do Liên Xô để lại, từng là một trong những nhà máy sản xuất xe tăng lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 và trước đó là xe tăng T-64, loại xe tăng thế hệ 3 đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, Ukraine đã mất năng lực sản xuất xe tăng ngay sau khi tuyên bố độc lập năm 1991. Thậm chí họ phải hết sức cố gắng mới hoàn thành vài chục chiếc xe tăng T-84 (phiên bản T-80 nhưng không sử dụng động cơ tuabin khí) cho Quân đội Thái Lan.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Ukraine bị quân đội Nga tấn công các cơ sở sản xuất quốc phòng và Kiev không thể sản xuất xe tăng mới. Do đó, phía Ukraine hy vọng sẽ sửa chữa các xe tăng cũ trong kho và các nước phương Tây sẽ hỗ trợ một số lượng xe tăng; đủ cho họ tiến hành các chiến dịch quân sự lớn.

Còn ở phía bên kia, Nga đã không như truyền thông các nước phương Tây tuyên truyền, đó là dưới lệnh trừng phạt tập thể của các nước phương Tây, các doanh nghiệp quốc phòng của Nga đang gặp khó khăn và việc sản xuất xe tăng bị giảm sút nghiêm trọng.

Hiện là nhà máy duy nhất ở Nga có thể sản xuất hàng loạt xe tăng mới, năng lực sản xuất của Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod ở Nizhny Tagil đã tăng lên, sau khi Quân đội Nga nhận được "hàng trăm" xe tăng chiến đấu chủ lực mới T-90M và xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại hóa T-72B3M.

Vào tháng 3 năm nay, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Medvedev đã thị sát Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod và tiết lộ với giới truyền thông rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang tăng cường năng lực sản xuất.

Bộ Công Thương Nga mới đây có thông tin cập nhật rằng, dưới sự điều hành của Ủy ban điều phối Chính phủ, việc mở rộng năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã có những tiến triển tốt, đặc biệt là Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod đã tăng sản lượng hơn gấp ba lần trong năm qua.

Theo ước tính của Tạp chí "Quan sát quân sự" của Mỹ, năng lực sản xuất tối đa hiện tại của Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod là khoảng 1.000 xe tăng mỗi năm.

Từ góc độ toàn cầu, với tốc độ sản xuất xe tăng như trên, thì Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod có năng lực sản xuất lớn nhất trên thế giới; vượt xa tốc độ sản xuất xe tăng của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc hay Đức.

Dưới thời Liên Xô, nước này có 5 doanh nghiệp sản xuất xe tăng lớn, ngoài Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod nói trên và Nhà máy chế tạo máy Kharkov thuộc Ucraina, còn có các nhà sản xuất máy Kirov, nhà máy sản xuất máy kéo Chelyabin và nhà sản xuất máy vận tải Omsk ở Leningrad.

Nhưng chỉ vài năm trước khi Liên Xô tan rã, nhà sản xuất máy Kirov và nhà sản xuất máy kéo Chelyabin lần lượt ngừng sản xuất. Sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), nhà sản xuất máy móc vận tải Omsk cũng dần ngừng sản xuất xe tăng, nhưng chỉ mới gần đây.

Các đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã thị sát Nhà máy sản xuất máy móc vận tải Omsk và tuyên bố với công chúng rằng, "việc thực hiện các mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng sẽ được tăng cường".

Khi đó, truyền thông phương Tây cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ khởi động lại việc sản xuất xe tăng của nhà máy. Nhà máy Omsk ban đầu sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-80, sau khi quân đội Nga loại bỏ xe tăng T-80, khiến nhà máy đã đóng cửa nhiều năm trước và hoạt động kinh doanh chính của họ, được Nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod tiếp quản.

Để khôi phục năng lực sản xuất xe tăng của nhà máy Omsk, Nga có thể phải đầu tư lớn vào dây chuyền sản xuất của nhà máy. Đây không phải là một cái gì đó xảy ra qua đêm, mà cần phải có thời gian và nguồn kinh phí lớn.

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia sản xuất xe tăng lớn thứ hai trên thế giới sau Nga, sản lượng xe tăng mặc dù không lớn bằng Nga, nhưng vẫn có khả năng nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất. Còn sản xuất xe tăng theo tiêu chuẩn của các nước phương Tây, thì sản lượng xe tăng hiện tại của Hàn Quốc là lớn nhất.

Chỉ riêng Ba Lan đã đặt Hàn Quốc sản xuất 1.000 xe tăng K2, đây là đơn đặt hàng trong nhiều năm và Ba Lan không thể mong đợi giao hết số xe này trong thời gian ngắn. Các nước phương Tây còn lại sản xuất rất ít xe tăng, Đức có thể sản xuất một số lượng nhỏ xe tăng Leopard 2 mỗi năm, Anh và Pháp đã ngừng sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực

Mỹ hiện tại cũng dừng sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực, họ chỉ tập trung nâng cấp xe tăng M1 và sản xuất một lượng nhỏ xe tăng hạng nhẹ M10, mới được phát triển. Vì vậy, sản lượng xe tăng hiện tại của Nga có thể cạnh tranh với tất cả các nước phương Tây cộng lại.

Tiến Minh (theo Sina, Military Watch)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cuoc-dua-cung-cap-xe-tang-nga-co-loi-the-gi-so-voi-ukraine-1885160.html