Cuộc đua chưa có hồi kết - Thực ra thế giới có những vũ khí không gian nào?

Trong quá trình quân sự hóa không gian, các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh đã phát triển những vũ khí 'đáng nể' mà một số loại vẫn còn được tồn tại cho đến ngày nay.

Vũ khí không gian đang hiện hữu. (Nguồn: The Sun)

Mới đây, một ấn phẩm của Mỹ đã đề cập vũ khí không gian, theo đó, bất chấp sự tồn tại của Hiệp ước cấm triển khai và sử dụng vũ khí ngoài vũ trụ, một số quốc gia đã "khéo léo" vi phạm hiệp ước. Điều này trở nên khả thi do thiếu một định nghĩa rõ ràng về khái niệm vũ khí hóa không gian và những gì cấu thành vũ khí không gian, và không thể phủ nhận rằng một số quốc gia đã sở hữu vũ khí không gian.

Vũ khí không gian là vũ khí được sử dụng trong chiến tranh không gian, bao gồm các vũ khí có thể tấn công các hệ thống không gian trên quỹ đạo (vũ khí chống vệ tinh), tấn công các mục tiêu trên trái đất từ không gian hoặc vô hiệu hóa tên lửa di chuyển trong không gian.

Theo Todd Harrison - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ, đang mở rộng hoặc thành lập các tổ chức quân sự đặc biệt chuyên trách lĩnh vực không gian, cùng với khuyến nghị của giới chức tại các quốc gia này về mở rộng khả năng vũ khí không gian của họ. Theo chuyên gia này, ngày nay có 6 loại vũ khí không gian.

Loại thứ nhất là các tên lửa chống vệ tinh “Trái đất - Không gian”, như tên lửa chống vệ tinh Ấn Độ thử năm 2019. Các tên lửa gắn đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã thể hiện khả năng như vậy. Mỹ và Nga đã thực hiện các vụ thử hạt nhân trong không gian vào những năm 1960. Riêng Nga vừa thử nghiệm khả năng đó vào tháng 4 vừa qua.

Loại vũ khí này có thể được đánh giá là hiệu quả, nhưng để lại một lượng lớn mảnh vụn trên quỹ đạo không gian và việc sử dụng nguy hiểm cả đối với các vệ tinh riêng của chính nước đó.

Loại thứ hai là vũ khí phi động năng “Trái Đất - Không gian”. Đây là các loại thiết bị “gây nhiễu” và máy chiếu laser “làm mù” các cuộc tấn công mạng từ Trái đất để can thiệp khả năng vệ tinh tạm thời hoặc vô hiệu hóa vĩnh viễn nhóm vệ tinh của đối phương. Nhiều quốc gia có khả năng này, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Iran.

Vũ khí động năng có sức công phá được cho là tương đương vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Nextbigfuture.com)

Loại thứ ba - vũ khí động năng “Không gian - Không gian” - là các vệ tinh có thể chặn vật lý để làm gián đoạn hoạt động hoặc tiêu diệt tàu vũ trụ của đối phương hoặc các loại vũ khí dùng cho mục đích này triển khai trong vũ trụ. Các mảnh vỡ cũng như tiềm năng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra bụi trên một số hệ thống cũng là vấn đề ở đây.

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tích cực thử nghiệm các hệ thống như vậy; bây giờ Nga đang tiến hành các thí nghiệm tương tự. Nhưng các vệ tinh của Nga chỉ đơn giản là hích các vệ tinh của đối phương khỏi quỹ đạo.

Loại thứ tư là vũ khí phi động năng “Không gian - Không gian”. Đây là khi một vệ tinh trên quỹ đạo sử dụng sóng micro công suất cao, thiết bị gây nhiễu hoặc một số phương tiện khác để phá vỡ hoạt động của các hệ thống bố trí trên không gian hay để vô hiệu hóa tàu vũ trụ của đối phương. Các hệ lụy gần như khó bị phát hiện, tuy nhiên, Paris đã trực tiếp cáo buộc Moscow thực hiện hành động tương tự vào năm 2018, nhằm ngăn chặn liên lạc quân sự.

Loại thứ năm là vũ khí động năng “Không gian - Trái đất", thực chất là bắn phá Trái đất từ không gian vũ trụ. Sở hữu vũ khí như vậy sẽ mang lại lợi thế lớn cho bất kỳ quốc gia nào. Hơn nữa, việc bắn phá có thể được thực hiện bằng cả xung mạnh và tên lửa từ tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần, chẳng hạn X-37B đang được Mỹ thử nghiệm.

Trước đây, Quân đội Mỹ đã dự tính sử dụng một loạt quả chùy hoặc khối thép nặng thả từ vũ trụ nhằm tạo ra động năng lớn trong khi lao xuống Trái Đất, nhưng không có tài liệu công khai nào dẫn chúng về việc thử nghiệm hệ thống như vậy.

Loại thứ sáu là một phiên bản khác của vũ khí phi động lực "Không gian - Không gian”. Hệ thống này không chỉ nhắm vào các vệ tinh của đối phương, mà còn hoạt động như một hệ thống phòng thủ tên lửa. Mỹ có kế hoạch phóng các hệ thống vũ khí laser lên quỹ đạo để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM của Nga và Trung Quốc.

(theo c4isrnet và Topcor)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dua-chua-co-hoi-ket-thuc-ra-the-gioi-co-nhung-vu-khi-khong-gian-nao-116713.html