Cuộc đua AI: Người chiến thắng có thể 'làm tất ăn cả', hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Công nghệ AI, đặc biệt là AI tạo sinh, đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của người tiêu dùng, giới công nghệ, các chính phủ, nhà đầu tư đến mức truyền thông nước ngoài gọi đó là 'sự cường điệu'...

Chương trình The WISE Talk số 7 của VnEconomy / Tech Connect với chủ đề “Doanh nghiệp Việt có đang trễ nhịp với cuộc đua phát triển AI”.

Năm 2023, theo tính toán của Finbold, thị trường AI ước tính sẽ đạt 207,9 tỷ USD và dự đoán giá trị thị trường sẽ tăng gấp 7 lần để đạt 1,87 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Theo đó thị trường này sẽ đạt hơn 1000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2028.

Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong cuộc đua này? Đâu là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt trong cuộc đua ứng dụng AI? Giới ủng hộ công nghệ nước nhà vẫn ít nhiều kỳ vọng doanh nghiệp Việt có thể tạo nên một cú huých tương tự như ChatGPT. Giấc mơ này có phần viển vông? AI sẽ mang tới cơ hội như thế nào cho sự phát triển kinh tế, xã hội và người dân Việt Nam? Đó là những câu hỏi đã khơi nguồn cảm hứng cho chương trình The WISE Talk số 7 của VnEconomy / Tech Connect với chủ đề “Doanh nghiệp Việt có đang trễ nhịp với cuộc đua phát triển AI”.

NGƯỜI VIỆT THÍCH CHATGPT, DOANH NGHIỆP VIỆT “VỪA MỪNG VỪA LO”

“Theo tôi thấy, người dùng Việt Nam phản ứng với ChatGPT tương đối tốt. Đây cũng có thể coi như một tín hiệu đáng mừng cho câu chuyện phát triển và ứng dụng AI ở Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, nói.

Trong khi đó, Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính Nguyễn Vũ Anh, CEO Cốc Cốc, cho biết theo dữ liệu của trình duyệt Cốc Cốc, khá nhiều người dùng Việt đang thông qua trình duyệt để sử dụng công cụ ChatGPT hàng ngày. Cụ thể, CEO Cốc Cốc dự đoán hiện Việt Nam có khoảng 500 nghìn người dùng ChatGPT hàng ngày. “Đó là một con số rất là lớn, đặc biệt khi ChatGPT đang hạn chế thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Vũ Anh nói.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng các doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể trở thành một “vận động viên” trong cuộc đua ứng dụng AI. Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài, trí tuệ nhân tạo nói riêng hay công nghệ nói chung đều thay đổi rất nhanh. “Hôm nay chúng ta nói đến ChatGPT, đến AI tổng quát nhưng 3 hay 5 năm nữa, chúng ta có thể sẽ nói về một thứ AI hoàn toàn khác. Vì thế, các DN cần phải tính toán rất kỹ”.

Ngoài ra, ChatGPT đã gây ấn tượng mạnh, khiến công nghệ trí tuệ nhân tạo trở nên gần gũi, quen thuộc với những người dùng bình thường. Điều này khiến doanh nghiệp Việt rơi vào thế “vừa mừng vừa lo”. Mừng là vì mọi người sẽ cảm thấy AI không phải là công nghệ xa vời, họ có thể áp dụng AI để tăng năng suất công việc và chất lượng cuộc sống. Nhưng cũng chính vì thế, công nghệ này sẽ được các “ông lớn” toàn cầu quan tâm. Chiến trường AI mở ra cuộc cạnh tranh lớn, một cuộc cạnh tranh khốc liệt mà người chiến thắng có thể “làm tất ăn cả”. Điều này đã thể hiện khá rõ ở trường hợp ChatGPT của OpenAI và Microsoft. Ngay sau khi ChatGPT ra đời, các đại gia như Google, Facebook cũng vào cuộc và tung ra sản phẩm, nhưng vẫn chưa có công cụ nào có được hào quang như ChatGPT.

Và thứ ba, không thể không nhắc đến những thách thức liên quan đến câu chuyện kỹ thuật, tiềm lực tài chính, mô hình kinh doanh … trong cuộc chơi này.

CƠ HỘI VÀNG ĐỂ DOANH NGHIỆP VIỆT TÌM HIỂU VÀ ỨNG DỤNG AI

“Thực ra, tôi nghĩ là đối với doanh nghiệp Việt Nam, sẽ không có câu chuyện đúng-sai mà chỉ có câu chuyện lựa chọn. Nếu chúng ta lựa chọn khách hàng toàn cầu, mục tiêu toàn cầu sẽ rất khó cạnh tranh với các Big Tech. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng gặp tình trạng như vậy”, PGS. Hoài cho biết.

Vì thế, để cạnh tranh, chúng ta có thể lựa chọn đứng trên vai người khổng lồ. “Thực ra, mô hình AI như ChatGPT rất mới. ChatGPT chỉ trả lời các thông tin chung chung, và nếu muốn câu trả lời được rõ nét, chi tiết trong một ngữ cảnh cụ thể cho một ngành hay doanh nghiệp, hay một quốc gia, chúng ta sẽ phải tinh chỉnh lại mô hình”, PGS. Hoài nói.

Cách thứ ba là hãy làm khác đi. Ví dụ trong nông nghiệp, thế giới có những phần mềm AI để nhận dạng hạt thóc ở Nhật, ở Mỹ nhưng hạt thóc ở Việt Nam lại khác, vì thế chúng ta không thể sử dụng nguyên công cụ AI của thế giới, mà sẽ phải phát triển và đưa ra một giải pháp cho thị trường địa phương.

Ngoài ra, nếu mong muốn góc độ toàn cầu hơn, các doanh nghiệp nên lựa chọn “con đường ngách”, xây dựng hệ thống hỗ trợ ứng dụng và đưa AI vào thực tế. Đặc biệt, hệ thống cần đảm bảo một số tiêu chí về an toàn, bảo mật, tuân thủ các quy định của đất nước…

“Không việc gì phải xấu hổ khi chúng ta thừa kế các sản phẩm và thành tựu công nghệ AI của thế giới. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm giải pháp cho bài toán ứng dụng công nghệ, có những định hướng liên quan đến khách hàng và thị trường”, PGS. Hoài nói thêm.

Vừa ra mắt bộ đôi sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tổng quát là Cốc Cốc AI Chat và Cốc Cốc AI Search vào cuối tháng 5, CEO Cốc Cốc Nguyễn Vũ Anh nhấn mạnh đến chiến lược “đi từ phía người dùng” để thành công. “Rõ ràng, ChatGPT được thế giới đón nhận nồng nhiệt, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nếu chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu người dùng, khỏa lấp các hạn chế bằng một sản phẩm khác với các công ty toàn cầu, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng”, ông Nguyễn Vũ Anh nói.

Đề cập đến một góc nhìn khác, Tiến sỹ AI Trung Huỳnh, nhà sáng lập Actable AI và ChatBD đặt vấn đề về những công ty không làm về công nghệ, song có thể ứng dụng AI để giải quyết các bài toán của doanh nghiệp, tạo thế mạnh cạnh tranh.

Tiến sỹ AI Trung Huỳnh, nhà sáng lập Actable AI và ChatBD

Thực tế, có rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh bằng AI. Theo một số báo cáo, có tới 80% các công việc hàng ngày bị ảnh hưởng bởi AI, nghĩa là có thể bị AI thay thế hoặc được AI thúc đấy, nâng cao năng suất. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và sử dụng AI, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh.

“Nếu trước đây, năng lực sản xuất của mình là 1 thì khi ứng dụng AI năng lực sản xuất có thể tăng lên gấp 3, 5 hoặc 10 lần. Đây là một cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam tạo sức cạnh tranh và sự phát triển ra thị trường nước ngoài. ChatGPT đã “có công” trong việc thúc đẩy, thức tỉnh các doanh nghiệp ứng dụng AI”, tiến sĩ AI Trung Huỳnh nói. “Các doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia AI tư vấn để biết quá trình ứng dụng bắt đầu từ đâu và làm thế nào ứng dụng AI hiệu quả”.

BIẾN GIẤC MƠ “VIỂN VÔNG” THÀNH SỰ THẬT

Thực ra thì nếu nói về cạnh tranh với các đối thủ lớn, Tiến sỹ Trung Huỳnh cho rằng startup cũng có những lợi thế riêng, ví dụ startup có thể quyết định nhanh và buông cũng rất nhanh. Tất nhiên, startup không thể sánh với các công ty lớn về mặt tiềm lực kinh tế, nhưng về mặt đầu tư và phát triển công nghệ, startup có nhiều lợi thế, đặc biệt là có thể dựa vào cộng đồng nguồn mở. Bởi vì, đằng sau các cộng đồng nguồn mở là các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu của trường đại học lớn hoặc thậm chí là các công ty nhỏ tương tự, hay các công ty lớn như Facebook cũng thường chia sẻ các ý tưởng và mã nguồn mở để startup sử dụng. Do đó, phải cạnh tranh với những ông lớn không phải là vấn đề quá lo ngại.

CEO Cốc Cốc Nguyễn Vũ Anh cho biết về mặt nguồn lực, chắc chắn Cốc Cốc không bằng các ông lớn công nghệ, nhưng Cốc Cốc đang tập trung vào người dùng Việt Nam, phục vụ người dùng Việt Nam. Đó chính là điểm nhấn nổi bật của các sản phẩm Cốc Cốc. “Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết bài toán công nghệ để làm ra sản phẩm tốt”.

“Tôi nhớ một câu nói của Bill Gates, đại ý tỷ lệ các công ty khổng lồ thắng hay startup thắng trong công nghệ AI tổng quát là 50/50”, ông Nguyễn Vũ Anh nói.

Tại chương trình The Wise Talk, các chuyên gia cũng đã đưa ra những đề xuất, mong muốn hỗ trợ, chung tay của chính phủ và người dùng, để doanh nghiệp Việt có thể “biến giấc mơ viển vông thành sự thật”. Tiến sỹ Trung Huỳnh cho rằng thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp là cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng AI. Vì vậy, trước tiên các doanh nghiệp cần tập trung giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng, dữ liệu, sau đó mới có thể nói tới câu chuyện ứng dụng AI. Theo tiến sĩ AI Trung Huỳnh, chính phủ nên có một chương trình gọi là “siêu máy tính dữ liệu” để các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng và đào tạo các mô hình AI.

PGS. Hoài cho rằng ở thời điểm này, các doanh nghiệp như Cốc cốc, Actable AI hay một số các doanh nghiệp khác thực sự đã rất dũng cảm khi làm về AI. Vì vậy, họ nên được hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách.

“Theo tôi, nhà nước cần tham gia với vai trò kích cầu. Một số quốc gia Châu Á, ví dụ như Hàn Quốc, để kích cầu ứng dụng AI vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ đã có hẳn những chương trình hỗ trợ bằng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ứng dụng AI”, PGS. Hoài nói.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cuoc-dua-ai-nguoi-chien-thang-co-the-lam-tat-an-ca-huong-di-nao-cho-doanh-nghiep-viet-nam.htm