Cuộc đời tận hiến của Đại tướng Chu Huy Mân

Là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, Đại tướng Chu Huy Mân đã có nhiều đóng góp lớn lao trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân được xây dựng tại quê hương của Đại tướng, ở xã Hưng Hòa, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An

Đại tướng Chu Huy Mân được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ gánh vác cả hai vai: chỉ huy quân sự kiêm công tác chính trị. Từ đó, “Hai Mạnh” là bí danh mà đồng đội nói về Đại tướng Chu Huy Mân.

Sớm giác ngộ cách mạng

Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân được xây dựng tại quê hương của Đại tướng, ở xã Hưng Hòa, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Công trình này được UBND tỉnh Nghệ An đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913-17/3/2013).

Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo đông con, tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP. Vinh).

Theo ông Chu Huy Biên - cháu gọi Đại tướng là chú cho biết, nhiều tài liệu, hình ảnh trưng bày tại đây do gia đình sưu tầm và lưu giữ

Cha mất sớm, mẹ phải tần tảo làm thuê cuốc mướn để nuôi các con. Vì đói nghèo, hàng năm cứ đến mùa nạp sưu, thuế, những người trong gia đình luôn bị bọn địa chủ và lý trưởng trong làng đánh đập, ức hiếp. Thù nhà, nợ nước chồng chất, Chu Văn Điều sớm nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 17 tuổi, Chu Văn Điều được đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản và tận hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Giữa năm 1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, phong trào đấu tranh ở Nghệ An phát triển mạnh, chuyển dần từ tự phát lên tự giác. Là một thanh niên yêu nước, căm thù giặc, khi được cán bộ Đảng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, Chu Văn Điều hăng hái làm liên lạc cho các tiền bối đi trước, vận động nông dân làng Yên Lưu gia nhập tổ chức Nông hội Đỏ và Hội tán trợ. Ngày 29/10/1929, Xứ ủy Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng đã lãnh đạo nông dân đấu tranh, Chu Văn Điều đã tham gia đấu tranh cùng 300 nông dân làng Yên Lưu đòi giảm sưu cao, thuế nặng.

Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316, năm 1952

Nhân kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/1929) Chu Văn Điều đã vận động thanh niên trong làng đi rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trên các cây cao, đình làng và nơi nhân dân họp chợ đông người. Truyền đơn, khẩu hiệu ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga được Chu Văn Điều mang đi rải có nội dung: “Đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến Nam triều”; “Công nhân làm việc 8 giờ, nông dân có ruộng cày”.

Vị tướng của dân

Người thanh niên Chu Huy Mân sớm bộc lộ tố chất, bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng và tài năng quân sự thiên bẩm. Ông trở thành Bí thư huyện ủy Hưng Nguyên lúc chỉ mới 23 tuổi. Ông tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân tại quê nhà. Trong thời gian này, ông đã đổi tên thành Chu Huy Mân.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông Chu Huy Mân làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang

Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Chu Huy Mân đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Từ năm 1937 - 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh rồi chuyển đến các nhà tù ở Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum.

Thời kỳ chống Pháp, bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến trường, giữ nhiều chức trách quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy Sư đoàn 316, ông tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu".

Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 5, Thượng tướng Chu Huy Mân và Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công triển khai nhiệm vụ đến chỉ huy các đơn vị chiến đấu giải phóng Đà Nẵng cuối tháng 3/1975

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông Chu Huy Mân làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1958, ông được phong hàm Thiếu tướng, được Đảng, quân đội và nhân dân Lào yêu mến gọi với cái tên Tướng Thao Chăn.

Kết thúc nhiệm vụ ở nước bạn Lào, Thiếu tướng Chu Huy Mân được phân công làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu IV.

Phút thảnh thơi hiếm có của Thượng tướng Chu Huy Mân tại chiến trường

Năm 1963, sau khi hoàn thành chương trình học nâng cao trình độ lý luận và nghệ thuật quân sự tại Học viện Phowrunde, Liên Xô, Thiếu tướng Chu Huy Mân được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu V đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Tháng 9/1965, là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Thiếu tướng Chu Huy Mân quyết định mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp tiểu đoàn lính Mỹ và buộc Mỹ phải thừa nhận đây là "một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh".

Thượng tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lãnh đạo chỉ huy Quân khu 3 về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu bảo vệ biên cương quốc gia, năm 1978

Để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho bộ đội và nhân dân ở chiến trường, Thiếu tướng Chu Huy Mân có sáng kiến tổ chức bộ đội trồng khoai, sắn, rau, chuối ở nơi đóng quân để chủ động lương thực, thực phẩm, nếu không sử dụng đến thì để lại cho những đơn vị đến sau. Năm 1974, Thiếu tướng Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng.

Thượng tướng Chu Huy Mân cùng các tướng lĩnh bàn phương án triển khai chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chỉ huy công tác tiếp quản cảng Đà Nẵng khi thành phố này hoàn toàn được giải phóng, tháng 3/1975.

Đại tướng Chu Huy Mân cùng gia đình

Thượng tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lãnh đạo chỉ huy Quân khu 3 về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu bảo vệ biên cương quốc gia, năm 1978.

Năm 1982, ông được phong hàm Đại tướng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội và Nhà nước.

Là cháu của Đại tướng Chu Huy Mân, ông Chu Huy Biên (SN 1952) có may mắn từng được gặp gỡ, chuyện trò với người chú ruột tài ba, đức độ của mình. Mỗi lần chú cháu gặp mặt, ông Biên luôn được Đại tướng nhắc nhớ về truyền thống của gia đình, dòng họ và của quê hương để bồi đắp niềm tự hào. “Mỗi lần có việc ra Hà Nội, ghé thăm nhà chú, lần nào trò chuyện chú cũng hỏi tôi rằng: “Hưng Hòa quê mình dân đã đỡ đói khổ chưa con?”. Điều đó cho thấy chú tôi luôn luôn hướng về đồng bào và quê hương của mình, nơi đã sinh ra và lớn lên”, ông Chu Huy Biên nói.

Hình ảnh Đại tướng Chu Huy Mân – vị tướng “Hai Mạnh”

"Đại tướng Chu Huy Mân đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước, hi sinh tình riêng để tận hiến với Đảng, với nhân dân. Chú tôi vẫn luôn dặn con cháu phải tự nỗ lực, học hỏi không ngừng để tiến lên, đừng trông mong về việc ông sẽ nâng đỡ, bởi cả cuộc đời ông là dành cho đất nước", ông Chu Huy Biên, cháu ruột của Đại tướng Chu Huy Mân cho biết thêm.

Những kỷ vật gắn với cuộc đời chiến đấu và sinh hoạt đời thường bình dị của Đại tướng Chu Huy Mân được con cháu lưu giữ, sưu tầm và trưng bày tại Nhà tưởng niệm

Đại tướng Chu Huy Mân mất ngày 3/7/2006, do tuổi cao, sức yếu. Những kỷ vật gắn với cuộc đời chiến đấu và sinh hoạt đời thường bình dị của Đại tướng Chu Huy Mân được con cháu lưu giữ, sưu tầm và trưng bày tại Nhà tưởng niệm.

(Trong bài có sử dụng ảnh tư liệu trưng bày tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân).

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuoc-doi-tan-hien-cua-dai-tuong-chu-huy-man-246384.html