Cuộc điện thoại lúc 2 giờ sáng của bệnh nhân 98 tuổi mắc Covid-19

23 giờ, cuộc gọi của một gia đình ở thôn Đoài nói về sức khỏe cháu bé 9 tuổi mắc Covid-19 trở nặng khi môi tím tái, khó thở. 2 giờ sáng, gia đình một bệnh nhân 98 tuổi gọi đến cầu cứu trạm y tế lưu động...

Từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc tăng cao, ở mức hàng nghìn ca mỗi ngày. Theo số liệu thống kê mới nhất, trong tổng số hơn 76.000 bệnh nhân đang điều trị, có đến 73.000 người đang điều trị tại nhà.

Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, Vĩnh Phúc triển khai mạng lưới chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà phủ khắp các xã, huyện, thành phố. Đến nay, hàng trăm tổ y tế lưu động với hàng nghìn tổ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà vận hành nhuần nhuyễn, đáp ứng nhanh và kịp thời mọi yêu cầu y tế từ nhân dân.

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm

Hơn hai tháng nay, bác sỹ Nghiêm Xuân Trí (Trạm trưởng Y tế thị trấn Yên Lạc) gần như dành trọn thời gian sinh hoạt, làm việc tại trụ sở trạm y tế thị trấn. Dù nhà ông chỉ cách trạm mấy trăm mét nhưng với khối lượng công việc đồ sộ phải xử lý, vị bác sỹ 58 tuổi này gần như không có thời gian ngơi nghỉ.

“Mỗi ngày điện thoại của tôi nhận không dưới 40 cuộc điện thoại của người dân thị trấn trình bày về các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19. Suốt gần 2 tháng qua, tôi và các thành viên trong Trạm y tế lưu động cố gắng không để sót bất cứ phản ánh nào của người dân”, ông Trí kể lại.

Theo bác sỹ Trí, thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022, thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở mức cao, có ngày lên đến cả nghìn ca. Chính vì thế, bản thân ông và các thành viên phải làm việc với cường độ liên tục, căng thẳng. Dù vậy, ông cho rằng “tổ y tế luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào”.

Bệnh nhân Covid-19 tại thị trấn Yên Lạc được chăm sóc tại nhà

Bệnh nhân Covid-19 tại thị trấn Yên Lạc được chăm sóc tại nhà

Theo bác sỹ Nghiêm Xuân Trí, hiện nay các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 tại thị trấn đều được thông tin đến các tổ Covid-19 cộng đồng và tổ chăm sóc bệnh nhân Covid tại nhà. Sau khi tiếp nhận, lực lượng tại chỗ sẽ thăm khám, tổ chức xét nghiệm và đánh giá mức độ bệnh nhân để phân loại điều trị. Những trường hợp nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên.

Với việc điều hành khoảng 20 người trong trạm y tế lưu động, ông Trí cho biết mọi người làm việc cả ngày lẫn đêm để chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.

“Cách đây ít ngày, khoảng 23h, điện thoại tôi nhận được cuộc gọi của một gia đình ở thôn Đoài nói về sức khỏe cháu bé 9 tuổi trở nặng khi môi tím tái, khó thở. Ngay lập tức, tôi và một cộng sự mang theo bình oxy và thiết bị y tế đến tận nhà để thăm khám. Quá trình đo chỉ số Spo2 và nắm bắt các dấu hiệu tôi nhận thấy bệnh nhân đủ điều kiện chăm sóc tại nhà nên hướng dẫn cách sử dụng thuốc đúng cách. Đến nay, tình trạng cháu bé đã ổn định, cháu vui đùa bình thường”, bác sỹ Nghiêm nhớ lại.

Một lần khác, vào khoảng 2h sáng, gia đình một bệnh nhân 98 tuổi gọi đến cầu cứu trạm y tế lưu động. Ông Trí trực tiếp xuống thăm khám và nhanh chóng liên hệ trung tâm y tế để hỗ trợ đưa bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Đến nay sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Các ca bệnh nêu trên là một trong hàng trăm trường hợp mà trạm y tế lưu động hỗ trợ với mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Vĩnh Phúc là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy cho biết, toàn huyện có khoảng 29.000 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà (chiếm khoảng 95%). Việc tổ chức các điều kiện về nhân lực, vật lực để đáp ứng điều trị tại nhà được huyện triển khai thí điểm từ trước Tết Nguyên đán 2022.

Theo đó, toàn huyện đang duy trì 16 trạm y tế lưu động và gần 160 tổ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Với thành viên là các nhân viên y tế, đoàn thanh niên, các đoàn thể tại cơ sở - Tổ chăm sóc Covid tại nhà đang phát huy vai trò trong việc phát hiện, phân loại tình trạng bệnh nhân và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Điều này giúp giảm tải đáng kể cho các cơ sở điều trị tuyến trên.

Người dân được chăm sóc y tế chu đáo

Người dân được chăm sóc y tế chu đáo

Khi một trường hợp mắc Covid-19 thông báo qua các kênh thông tin, ngay lập tức tổ chăm sóc có mặt tại nhà để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế và được cấp thuốc hỗ trợ. Mỗi ngày, tổ chăm sóc này sẽ thực hiện hai cuộc gọi cho người bệnh để nắm bắt tình hình sức khỏe. Với các máy đo Spo2 và nhiệt kế được trang bị, các thành viên sẽ trực tiếp đo cho các bệnh nhân để nắm bắt diễn biến bệnh.

Theo ông Huy, đến nay trên địa bàn huyện cơ bản người dân được chăm sóc y tế tận tình, chu đáo. Tỉ lệ chuyển nặng và tử vong ở mức rất thấp (một số trường hợp tử vong đều ở nhóm bệnh nhân ngoài 90 tuổi).

“Không để ai bị bỏ lại”

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành ngày 14/3 khẳng định với VietNamNet rằng, "tỉnh kiên quyết không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Cả hệ thống chính trị không quản ngày đêm bám trụ, lấy an toàn tính mạng của người dân là mục tiêu quan trọng nhất".

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin là công tác giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương và huy động các lực lượng tham gia, đưa cán bộ, y, bác sỹ xuống cơ sở trực tiếp giúp nhân dân phòng chống dịch, tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước làm chủ tình hình và đảm bảo an toàn khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Hiện nay, tất cả 136 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thành lập các nhóm trên mạng xã hội để tiếp nhận thông tin phản ánh của các trường hợp F0 và hướng dẫn điều trị bệnh tại nhà 24/24h. Đội ngũ cán bộ, y bác sỹ được tăng cường về cơ sở đã bắt tay ngay vào công việc, hỗ trợ lực lượng tuyến dưới. Nhờ đó, Vĩnh Phúc đã hạn chế đáng kể tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và về cơ bản mọi F0 đều được quản lý, quan tâm, nằm trong vòng kiểm soát.

Vĩnh Phúc quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau

Vĩnh Phúc quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau

Thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, hiện nay, Vĩnh Phúc có gần 97% F0 đang điều trị tại nhà đều ở thể nhẹ. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh trong giai đoạn mới, tỉnh chuyển hướng từ ban chỉ đạo chống dịch thành toàn dân chống dịch. Đặc biệt, chuyển hướng từ điều trị bệnh nhân tại cơ sở điều trị sang điều trị tại nhà.

"Vĩnh Phúc thực hiện chiến lược bảo vệ nhân dân từ sớm, từ xa bằng việc đẩy nhanh tiêm vắc xin và coi đây là lá chắn an toàn trong công tác phòng chống dịch. Mỗi một giai đoạn chống dịch đều có những quyết sách tương ứng, phù hợp với tình hình dịch bệnh", Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành cho hay.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cuoc-dien-thoai-luc-2h-sang-cua-benh-nhan-98-tuoi-mac-covid-19-822612.html