Cuộc chiến xưng vương Asian Cup

Nếu chức vô địch World Cup là cuộc tranh đua giữa châu Âu và Nam Mỹ, thì với Asian Cup cũng chủ yếu là giữa hai nền bóng đá Đông Á và Tây Á.

Nhật Bản từng vô địch Asian Cup 2000 cùng với HLV Troussier

Nhật Bản từng vô địch Asian Cup 2000 cùng với HLV Troussier

Nhật Bản là đội tuyển (ĐT) giàu thành tích nhất với 4 lần đăng quang. Cùng 3 lần vô địch là Iran và Saudi Arabia. Kế đến là Hàn Quốc với 2 lần đầu tiên. Và 2 kỳ giải gần nhất là Australia và Qatar (không kể Israel vô địch năm 1964 nhưng đã gia nhập châu Âu). Tính chung Tây Á đang dẫn với 9 lần lên ngôi, Đông Á 7 lần.

Tuy nhiên rất khó để lấy Asian Cup làm thước đo trình độ, cũng như tương quan sức mạnh các ĐT ở châu lục trong chiều dài lịch sử 68 năm qua. Ở 3 kỳ đầu tiên 1956, 1960, 1964, giải rất sơ khai, vòng chung kết chỉ có 4 đội, nên 2 chức vô địch của Hàn Quốc trước Israel, Hồng Kông, Đài Loan và ĐT miền Nam Việt Nam, không mang nhiều ý nghĩa. Đến Iran 1968 và Thái Lan 1972 mới tăng lên 5 và 6 đội, rồi Kuwait 1980: 10 đội, nhưng lại tụt xuống 8 đội tại Nhật Bản 1992 (Nhật lần đầu tiên đăng quang). Phải đến UAE 1996, Asian Cup mới bắt đầu ổn định với 12 đội, đến Trung Quốc 2004 tăng lên 16 đội và từ UAE 2019 là 24 đội.

4 VCK gần đây chiếc cúp vô địch liên tục đổi chủ và tỷ số giữa Đông Á và Tây Á là hòa 2-2 (Nhật, Australia năm 2011, 2015; Iraq và Qatar năm 2007, 2019).

Theo Sky Bet, khả năng vô địch cao nhất thuộc về Nhật Bản với tỷ lệ cược 2/1 (đặt 1 ăn 2) và Hàn Quốc (9/2), thứ 3 là Saudi Arabia (11/2), tiếp theo là Iran và Australia (cùng 13/2).

Cuộc chiến ở Asian Cup 2023 càng khó đoán định khi năm nay các ĐT đều mang đến Qatar lực lượng mạnh nhất có thể cùng thể hiện quyết tâm cao nhất. Nhật Bản được đánh giá là ứng viên số 1 với 20 cầu thủ đang thi đấu cho các CLB hàng đầu châu Âu. Là một trong 2 đại diện châu Á vượt qua vòng bảng World Cup 2022 cùng với Australia và sau đó trong 12 trận giao hữu họ chỉ thua duy nhất Colombia và toàn thắng liên tục cả 10 trận gần nhất, trận nào cũng ghi 4-5 bàn dù đối thủ là Đức, Peru, Thổ Nhĩ Kỳ hay Thái Lan, Jordan.

Ứng cử viên số 2 cũng là đại diện Đông Á Hàn Quốc. Nếu không kể chức vô địch ở 2 kỳ giải đầu tiên, đã 64 năm qua ĐT xứ Kim chi chưa từng bước lên ngôi cao nhất châu lục, dù có đến 4 lần vào chung kết. Với Son Heung-min, Lee Kang-in và Kim Min-jae - hậu vệ hay nhất Serie A mùa trước đang khoác áo Bayern Munich, là cầu thủ châu Á duy nhất trong tốp 20 ứng viên Quả bóng vàng 2023 của France Football, cùng HLV Klinsmann; Hàn Quốc sẽ có lần đầu tiên đăng quang Asian Cup trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại?

Cũng được coi đến từ phía Đông là Australia. Nhà vô địch 2015 có mặt trong tốp 5 ứng viên sáng giá nhất.

Với khu vực Tây Á, nổi bật là “nhà giàu” Saudi Arabia, nền bóng đá đang gây sốc cả thế giới khi thu hút hàng loạt siêu sao thế giới: Ronaldo, Benzema, Neymar, Kante, Mane, Mahrez, Firmino… Thừa vật chất nên các cầu thủ Saudi Arabia chỉ thi đấu trong nước nhưng với Giải vô địch Saudi Pro League đẳng cấp, trình độ ĐT quốc gia được nâng lên rất nhiều. Cũng phải rất nhiều tiền, đội bóng vùng Vịnh này mới mời được HLV Mancini, người từng đưa tuyển Italy vô địch Euro 2020.

Không giàu có bằng nhưng Iran vẫn được đánh giá rất cao nhờ có các ngôi sao giàu kinh nghiệm, luôn là một thế lực của bóng đá lục địa vàng cùng với UAE.

Gây thất vọng ở World Cup 2022 cũng trên sân nhà khi thua cả 3 trận vòng bảng, nhưng ở sân chơi châu lục, Qatar vẫn đang là nhà vô địch. Được ở bảng đấu yếu nhất với Trung Quốc, Tajikistan (đã hòa nhau 0-0) và vừa thị uy bằng chiến thắng 3-0 trước Lebanon, con đường vào bán kết của Qatar rất thênh thang.

Đông Á với Nhật Bản, Hàn Quốc vượt trội về đẳng cấp cá nhân, có hàng chục hảo thủ đang chơi bóng ở trời Âu; còn các ĐT Tây Á lại thừa tiền lắm của với những HLV ngôi sao. Sức mạnh chuyên môn hay tiền bạc sẽ chiến thắng?

Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202401/cuoc-chien-xung-vuong-asian-cup-82b3b87/