'Cuộc chiến tiền tệ' Nga-phương Tây: Moscow bật chế độ tự vệ tinh vi, vẫn lộ lỗ hổng lớn, cuộc phản công từ Mỹ và vai trò của Trung Quốc (Kỳ cuối)

Tương lai của cơ chế bảo vệ tài chính do Nga thiết lập không chỉ nằm trong tay của Điện Kremlin hay Nhà Trắng, mà còn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.

Trên thực tế, “cuộc chiến” tiền tệ giữa Nga và phương Tây chưa kết thúc và cơ chế bảo vệ tài chính của Moscow chưa sụp đổ. (Nguồn: Agropolit)

Trên thực tế, “cuộc chiến” tiền tệ giữa Nga và phương Tây chưa kết thúc và cơ chế bảo vệ tài chính của Moscow chưa sụp đổ. (Nguồn: Agropolit)

Mỹ ra tay

Có vẻ như kế hoạch của Nga nhằm mở rộng cơ chế bảo vệ nền tài chính của mình có một lỗ hổng lớn: Không tính đến các loại công cụ mà Mỹ có thể sử dụng để chống lại Moscow.

Tháng 9/2022, Bộ Tài chính Mỹ đưa Giám đốc điều hành của NSPK Vladimir Komlev vào danh sách trừng phạt.

Mặc dù không nhắm mục tiêu trực tiếp vào NSPK và hệ thống thanh toán Mir, nhưng bằng cách xử phạt ông Komlev, Bộ trên đã gửi một thông điệp tới các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài rằng, việc kích hoạt hệ thống thanh toán của Nga bằng cách tham gia hoặc hợp tác sẽ là một hành động rủi ro.

Động thái trên của Mỹ đã làm chậm đáng kể nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nga trong việc mở rộng đối tượng sử dụng thẻ Mir trên phạm vi quốc tế. Ngoài ra, việc Nhà Trắng “bí mật tuyên chiến” với thẻ Mir đã làm phức tạp tình hình đối với các quốc gia đã kết nối với hệ thống.

Chẳng hạn, ngay sau quyết định trừng phạt ông Komlev, TourDom - một cổng thông tin du lịch nổi tiếng của Nga, cho biết, nhiều khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng chấp nhận thẻ từ hệ thống thanh toán của Moscow.

Khách hàng cũng cho biết, họ gặp khó khăn khi sử dụng thẻ Mir ở nước ngoài, vì nhiều ngân hàng từ chối chấp nhận thẻ do các ngân hàng Nga bị trừng phạt phát hành.

Yếu tố Trung Quốc

Bất chấp cuộc đối đầu của Mỹ với NSPK, trên thực tế, “cuộc chiến” tiền tệ giữa Moscow và phương Tây chưa kết thúc và cơ chế bảo vệ tài chính của Nga chưa sụp đổ. Tương lai của cơ chế bảo vệ tài chính của Nga không chỉ nằm trong tay của Điện Kremlin hay Nhà Trắng, mà nó còn phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nền kinh tế số 2 thế giới là đối tác thương mại chính của Nga và với việc Bắc Kinh tăng cường mua dầu của Moscow, quan hệ thương mại song phương không ngừng được củng cố.

Do đó, để bù đắp tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, điều quan trọng đối với Nga là duy trì một đường dây liên lạc tài chính mà qua đó Moscow có thể duy trì thương mại với Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, Điện Kremlin đã cố gắng đưa Trung Quốc vào cộng đồng SPFS.

Trên thực tế, kể từ những tuần đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã làm việc để thiết lập một đường dây liên lạc tài chính nhằm vượt qua SWIFT.

Tuy nhiên, không có ngân hàng Trung Quốc nào ngoài Ngân hàng Trung ương tham gia SPFS. Mặc dù vậy, sự do dự trong việc tham gia SPFS không nên được hiểu là Bắc Kinh không quan tâm đến việc thiết lập một mạng viễn thông tài chính song song với mạng phương Tây.

Trên thực tế, Trung Quốc đã và đang tận dụng vị thế tiền tệ hiện tại giữa Nga và phương Tây để mở rộng một hệ thống nhắn tin tài chính tương tự SWIFT của riêng mình. Vào năm 2015, Bắc Kinh đã thành lập Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), qua đó, các ngân hàng có thể thanh toán trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ.

Hệ thống này cung cấp hai lợi thế cho khách hàng: Độc lập với SWIFT và ít phụ thuộc vào USD hơn. Do đó, khi CIPS được thành lập, các ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga đang đối mặt với nguy cơ bị phương Tây trừng phạt đã quan tâm đến việc tham gia CIPS.

Đến năm 2016, hai ngân hàng Nga (VTB và FC Otkritie) đã tham gia hệ thống trên. Kể từ đó, 23 ngân hàng Nga - bao gồm các ngân hàng: Tín dụng Moscow, Châu Á-Thái Bình Dương, TransCapital, Đoàn kết, Ak Bars, Absolut và Saint Petersburg - đã tham gia CIPS.

Tốc độ các tổ chức tín dụng của Nga tham gia hệ thống của Trung Quốc đã tăng lên sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Hiện các ngân hàng quan trọng của Nga như Rosbank, Gazprombank và Alfa-Bank đang chuẩn bị kết nối hoàn toàn với CIPS.

Đây là sự phát triển quan trọng vì các đơn vị tín dụng này đóng một vai trò thiết yếu trong việc mang lại doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ, cụ thể là Gazprombank, cũng là kênh mà Trung Quốc có thể thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble.

Logo của Gazprombank tại một tòa nhà ở Moscow, Nga. (Nguồn: Reuters)

Logo của Gazprombank tại một tòa nhà ở Moscow, Nga. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, mặc dù có vẻ như người Nga đã tham gia CIPS để đối phó với tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, đây có thể chỉ là mục tiêu ngắn hạn chứ không phải mục tiêu cuối cùng.

Trên thực tế, có khả năng cao mục tiêu cuối cùng chính là thiết lập một “nền tảng phương Đông lớn” bằng cách kết nối SPFS của Nga với CIPS của Trung Quốc.

Để chứng minh cho lập luận này, chúng ta có thể tham khảo nhận xét của Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về Thị trường tài chính, vào ngày 16/3/2022. Theo đó, ông Aksakov tuyên bố: “Ngân hàng Nga và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang nỗ lực kết nối các hệ thống nhắn tin tài chính của hai nước, bỏ qua hệ thống quốc tế”.

Tuyên bố của ông Aksakov chỉ ra rằng, Moscow đang hy vọng tạo ra một “SWIFT 2.0” với sự giúp đỡ của Trung Quốc để bảo vệ tình trạng tài chính của mình khỏi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Và chỉ có thời gian mới có thể biết liệu chương trình nghị sự đầy tham vọng này có bất kỳ cơ hội thành công nào hay không.

Trước tất cả những diễn biến này, chúng ta có thể kết luận rằng, cơ chế bảo vệ tài chính của Nga chưa thành công lớn nhưng cũng không phải là một thất bại hoàn toàn, vì cơ chế bảo vệ đã đạt được một hiệu quả đáng chú ý ở trong nước bằng cách đảm bảo các giao dịch thanh toán thông qua thẻ Mir và nhắn tin tài chính liên ngân hàng thông qua SPFS.

Tương tự, NSPK đã thành công trong việc xoa dịu tác động của việc hạn chế tiếp cận thẻ Visa và Mastercard đối với các sàn giao dịch nội địa của Nga.

Tuy nhiên, khi nói đến ngoại hối, hiệu quả của cơ chế phòng thủ của Nga còn bị đặt dấu hỏi nghi vấn vì vấn đề liên lạc và giao dịch nước ngoài vẫn là mối quan tâm cấp bách đối với nước này. Bởi lẽ, cả thẻ NSPK/Mir và SPFS đều không thể đảm bảo tiếp tục kinh doanh quốc tế mà không có sự can thiệp của nước ngoài.

Có vẻ như, để đạt được mục tiêu thứ hai, Nga cần vượt ra khỏi cơ chế phòng thủ tài chính tự tạo của mình và nỗ lực hình thành một “mặt trận” tài chính thống nhất với Trung Quốc. Đây sẽ là một quá trình phức tạp vì Mỹ vừa là thị trường xuất khẩu hàng đầu vừa là đối thủ chính của Bắc Kinh.

(theo trendsresearch.org)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-tien-te-nga-phuong-tay-moscow-bat-che-do-tu-ve-tinh-vi-van-lo-lo-hong-lon-cuoc-phan-cong-tu-my-va-vai-tro-cua-trung-quoc-ky-cuoi-214897.html