Cuộc chiến ngầm giữa 2 thượng đỉnh G7 và Trung Quốc-Trung Á

Hai thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á được tổ chức sát nhau phản ánh cuộc chiến tốc lực giành ảnh hưởng của Bắc Kinh và Washington, theo giới chuyên gia.

Tuần này, Trung Quốc hội nghị thượng đỉnh với các nước Trung Á nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn với các nước láng giềng này. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hội nghị thượng đỉnh tại Nhật để xây dựng chiến lược chung nhằm kiềm chế thách thức của Bắc Kinh đối với trật tự thế giới do Washington lãnh đạo.

Hai hội nghị thượng đỉnh cùng thời điểm

Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á, với sự tham dự của các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, diễn ra vào ngày 18 và 19-5 tại TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), theo tờ South China Morning Post.

Tuyên bố chung sau hội nghị cấp cao này nhấn mạnh hiệu quả và toàn diện của sự hợp tác giữa các bên. Sáu nước nhất trí xây dựng một cộng đồng chặt chẽ hơn với một tương lai chung giữa Trung Quốc và các nước Trung Á.

Theo tuyên bố, các nước đồng ý tăng cường thương mại, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, hợp tác năng lượng tái tạo và cùng đánh giá cao Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cũng như đồng ý phối hợp các chiến lược phát triển tương ứng với BRI.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và năm lãnh đạo các nước Trung Á dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á vào ngày 19-5. Ảnh: CHINA DAILY

“Các bên nhấn mạnh rằng dân chủ là mục tiêu và giá trị chung của toàn nhân loại…Việc lựa chọn con đường phát triển và phương thức quản trị là quyền chủ quyền của mỗi quốc gia và không bị can thiệp” - tuyên bố viết.

Đáng chú ý, hội nghị này diễn ra gần như cùng thời điểm với thượng đỉnh G7, với sự tham dự của lãnh đạo 7 cường quốc giàu có nhất thế giới là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada và đại diện Liên minh châu Âu (EU), kéo dài từ ngày 19 đến ngày 21-5 tại TP Hiroshima (Nhật).

Nhiều chuyên gia cho rằng hội nghị này sẽ là dịp để G7 bàn cách cùng đối phó với Trung Quốc và Nga, theo đài CNN.

“Thật khó để có một quan điểm duy nhất về Trung Quốc ở bảy quốc gia khi xét đến các mối quan tâm và mối quan hệ khác nhau của mỗi nước với Bắc Kinh. Tuy nhiên, G7 sẽ mang đến cơ hội tuyệt vời để xây dựng một vị trí có mẫu số chung” - theo ông Sun Yun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Trung tâm Stimson (Mỹ).

Cuộc chiến giành ảnh hưởng

Giới quan sát cho rằng việc hai hội nghị thượng đỉnh này diễn ra sát nhau là một dấu hiệu của cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và phương Tây do Mỹ lãnh đạo.

Chuyên gia về Nga và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (Trung Quốc) Li Lifan chia sẻ với tờ South China Morning Post rằng dù lịch trình hai hội nghị thượng đỉnh có phải cố ý sắp xếp sát nhau hay không thì “rõ ràng đây là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và phương Tây do Mỹ dẫn đầu trong bối cảnh có nhiều cuộc thảo luận về một cuộc chiến tranh lạnh mới”.

Cựu trưởng khoa nghiên cứu Trung Á tại ĐH Lan Châu Yang Shu cho rằng hai hội nghị có “động cơ” khác nhau. Trong khi các lãnh đạo G7 cảm thấy cần phải kiềm chế Bắc Kinh thì Trung Quốc và Trung Á muốn chống lại chính sách ngăn chặn của phương Tây, đặc biệt là về mặt an ninh.

Theo ông Yang, Trung Quốc phải nỗ lực trên mọi mặt trận để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh và áp lực từ Mỹ và các đồng minh.

“Tình hình ngày càng xấu đi ở môi trường phía đông Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, ngày càng rõ ràng. Tình hình càng trở nên xấu đi nhanh chóng sau cuộc chiến Ukraine, vì vậy Bắc Kinh cần tăng cường đầu tư vào phía tây (Trung Quốc) để tăng cường an ninh và hợp tác kinh tế” - ông Yang nhận định.

Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Á - khu vực mà các quốc gia phương Tây có ít ảnh hưởng hơn. Ông Yang cho rằng TTrung Quốc có nhiều không gian hơn để hợp tác ở đó và phương Tây rất khó can thiệp vào khu vực này.

Các nhà lãnh đạo G7 đặt hoa tưởng niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Nhật hôm 19-5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trung Quốc cũng đang tìm đến Trung Á để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng khi những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và lệnh trừng phạt đối với Nga gây thêm bất ổn cho thị trường.

“Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc-Trung Á có thể tăng cường đáng kể sự hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Trung Á. Nó cũng có thể mang lại lợi ích cho thị trường lao động của Trung Á và có tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế ở các quốc gia này” - chuyên gia kinh tế về Trung Quốc của tổ chức tài chính đa quốc gia Banco Bilbao Vizcaya Argentaria - ông Dong Jinyue lưu ý.

Trong ngày cuối hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 26 tỉ nhân dân tệ (3,7 tỉ USD) viện trợ tài chính và hỗ trợ phát triển ở các nước Trung Á.

Chuyên gia Li Lifan cho rằng viện trợ kinh tế và đầu tư của Trung Quốc là “quan trọng cả về chính trị và kinh tế” bởi vì nhiều quốc gia Trung Á đã chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây vì mối quan hệ của họ với Nga.

Ông nói: “Đối với Trung Quốc, việc Trung Á xoay trục về phía mình có ý nghĩa rất lớn vì các quốc gia Trung Á là trụ cột của BRI trong bối cảnh dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này vấp phải khó khăn”.

Ông Li nói rằng nhìn chung hội nghị thượng đỉnh này “có lợi cho sự hợp tác thực chất” giữa Bắc Kinh và các quốc gia Trung Á. Tuy nhiên, cũng không nên phóng đại tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh này vì các nước trong khu vực vẫn đang duy trì được sự cân bằng trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc, Nga, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng trống của Nga?

Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á cũng cho thấy mối quan tâm của Bắc Kinh trong việc lấp đầy khoảng trống mà Nga - đối tác thương mại quan trọng và là bên cung cấp an ninh lâu năm cho khu vực, để lại trong bối cảnh Nga dường như hơi buông lơi ảnh hưởng ở khu vực này kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, theo tờ The New York Times.

Bà Theresa Fallon - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga Âu Á có trụ sở tại Bỉ, cho rằng Trung Quốc đang có chiến lược ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết nhằm cố gắng tạo ảnh hưởng với các nước Trung Á mà không đánh động tới Nga.

Bà Fallon nói: “Trung Quốc và Nga có chung quan điểm chống phương Tây, nhưng có nhiều lĩnh vực hai bên có khả năng xảy ra mâu thuẫn”.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuoc-chien-ngam-giua-2-thuong-dinh-g7-va-trung-quoc-trung-a-post734209.html