Cuộc chiến giá dầu

Thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo bởi sự bấp bênh của giá 'vàng đen'. Trước khi có chút phục hồi, trong phiên giao dịch ngày 16-3, giá dầu đã chứng kiến sự sụt giảm sâu xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua. Bị tác động không chỉ bởi lo ngại về giảm cầu trước nguy cơ dịch Covid-19, thị trường 'vàng đen' còn bị dập vùi bởi cuộc chiến giá dầu giữa các nước chủ chốt trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Giá dầu Brent Biển Bắc dự kiến giao tháng 5 tới bị rớt mạnh khi giảm hơn 9%, xuống còn 30,56 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2016. Giá dầu WTI tại thị trường New York (Mỹ) đã để tuột mốc 29 USD/thùng xuống còn 28,70 USD/thùng. Mặc dù giá dầu sau đó tăng trở lại nhờ các nhà đầu tư mua với các mức giá thỏa thuận, song sự phục hồi chỉ mang tính tạm thời do chính sách hạn chế đi lại và các biện pháp mạnh mẽ mà các nước đưa ra nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục làm suy yếu nhu cầu dầu mỏ, trong khi dư thừa nguồn cung. Tại Trung Quốc, quốc gia được coi là "công xưởng của thế giới", nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do nền kinh tế nước này chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Nguy cơ về suy thoái kinh tế toàn cầu tạo áp lực không nhỏ lên giá dầu vốn đã rất bấp bênh.

Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khác tác động tới giá dầu là "cuộc chiến giá dầu" mới được "khai hỏa" giữa A-rập Xê-út và Nga, hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Thời kỳ bắt tay êm xuôi nhằm cắt giảm sản lượng khai thác để duy trì giá dầu ở mức có thể chấp nhận giữa hai nhân tố chính trong liên minh giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài khối này (OPEC +) diễn ra suốt một năm qua đã kết thúc. Cuộc chiến giá dầu bùng phát sau khi A-rập Xê-út - trụ cột của OPEC, mới đây đề xuất cắt giảm sản lượng để ngăn chặn các tác động xấu của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ hai thế giới, đã phản đối ý định này và không muốn cắt giảm thêm nữa. Ðáp lại, A-rập Xê-út đã cùng một số đồng minh trong OPEC bất ngờ có động thái "đảo chiều", quyết định tăng sản lượng khai thác. Cả A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đều tuyên bố sẽ tăng sản lượng lên các mức kỷ lục, trong khi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng cam kết sẽ tăng năng lực sản xuất nhằm giành thị phần.

Tình huống trên dẫn tới nguy cơ thị trường dầu mỏ dư thừa nguồn cung. Theo dự báo của Goldman Sachs, tới khoảng tháng 4-2020, thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến tình trạng dư cung cao lịch sử, khoảng sáu triệu thùng/ngày, trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ tăng cao hơn dự tính, còn nhu cầu sụt giảm mạnh. Lượng dầu tồn kho chỉ sáu tháng tới sẽ tăng dần lên tương đương với mức tồn kho đã được ghi nhận trong 18 tháng từ năm 2014 đến 2016. Trong bối cảnh mọi giới hạn sản lượng đã bị dỡ bỏ do các thành viên trong và ngoài OPEC không thể đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong khi nhu cầu dầu mỏ ước tính giảm khoảng 4,5 triệu thùng/ngày do tác động của dịch Covid-19, giá dầu mỏ khó có thể tránh được đà suy giảm.

Thị trường "vàng đen" đang được các nhà đầu cơ hỗ trợ một cách cơ học bằng việc tăng cường mua tích trữ, tuy nhiên các kho dự trữ dầu được cho là sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Khi đã đáp ứng đủ nhu cầu mua vào, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục lao dốc. Các thị trường toàn cầu khi đó sẽ phải trông chờ vào khả năng tình trạng căng thẳng giữa A-rập Xê-út và Nga hạ nhiệt trước khi leo thang đến mức không thể quay đầu. Tuy nhiên, cuộc chiến giá dầu mới được khơi mào và khó có thể dự báo bao giờ hai bên sẽ "hạ màn". Bởi, theo các nhà phân tích, với chi phí sản xuất gần như thấp nhất thế giới, cùng hệ thống thuế linh hoạt và đồng nội tệ được thả nổi, các doanh nghiệp Nga vẫn có thể duy trì khai thác ngay cả trong kịch bản giá dầu rất thấp. Trong khi đó, A-rập Xê-út nỗ lực giành vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp dầu mỏ bằng chiến lược hạ giá bán và tăng mạnh sản lượng.

Diễn biến bấp bênh của giá dầu khiến thị trường chứng khoán của các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ chìm trong sắc đỏ. Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng trải qua ngày giao dịch tồi tệ với mức giảm sâu "chạm đáy". Những tác động dồn dập từ dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế cùng với cuộc chiến giá dầu đã khiến thị trường "vàng đen" đang chao đảo trong "bão chồng bão".

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43659302-cuoc-chien-gia-dau.html