Cuộc chiến chống lạm phát bao giờ thành công?

Những người đứng đầu các ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới đang cảnh báo cuộc chiến này còn lâu mới hoàn thành.

Lạm phát vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. (Nguồn: Getty Images)

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định, việc giảm lạm phát xuống 2% như mục tiêu còn “một chặng đường dài phía trước”. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp gần đây rằng “không thể tuyên bố chiến thắng”.

Câu hỏi thường trực

“Lạm phát đến từ đâu và phải làm gì để kéo nó xuống?” trở thành câu hỏi thường trực của nhiều nền kinh tế trong suốt thời gian lạm phát cao hoành hành khắp thế giới. Đến nay, khi các ngân hàng trung ương đã “ra tay” tăng mạnh lãi suất và lạm phát có một số dấu hiệu giảm tốc thì các bằng chứng vẫn cho thấy, cuộc chiến lạm phát chưa thể kết thúc.

Tờ Financial Times cho biết, tỷ lệ lạm phát toàn phần ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đã giảm mạnh kể từ mùa Thu năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát lõi (loại trừ các sản phẩm có giá biến động cao như năng lượng và lương thực, thực phẩm) - thước đo sức ép giá cả tốt hơn so với tỷ lệ lạm phát toàn phần, vẫn ở mức cao hoặc gần với mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

ECB mới đây đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, đồng thời nâng dự báo lạm phát trong những năm tới. ECB cho biết, gần như chắc chắn sẽ làm điều tương tự trong cuộc họp chính sách tháng Bảy.

Fed, tạm thời dừng tăng lãi suất trong tháng Sáu, nhận định lạm phát còn lâu mới thực sự bị kiềm chế và cảnh báo về những đợt tăng tiếp theo.

Những động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế. Các cuộc khảo sát kinh doanh mới nhất chỉ ra sự suy giảm mạnh hơn dự kiến ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Anh, Australia và cả Mỹ.

Tại Eurozone, kết quả khảo sát cho thấy hoạt động kinh tế đã chậm lại trong tháng Sáu và là mức thấp nhất trong năm tháng qua, chủ yếu do hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực đã giảm từ mức 52,8 trong tháng Năm xuống 50,3 trong tháng Sáu.

“Thực tế, cú hích từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại đối với hoạt động dịch vụ sau dịch Covid-19 đang dần hết động lực, trong khi môi trường kinh tế đang chậm lại, một quý tăng trưởng âm khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, chuyên gia kinh tế Bert Colijn tại ING nhận định.

Tình hình tương tự diễn ra tại các nền kinh tế lớn khác, như Anh, Australia, khi sản xuất tiếp tục thu hẹp, ngành dịch vụ tăng trưởng chậm lại với kết quả thấp hơn dự kiến.

Hoạt động kinh doanh cũng hạ nhiệt tại Mỹ. Các công ty trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn, trong khi hoạt động sản xuất tiếp tục giảm do số lượng đơn đặt hàng thấp.

Chưa thể kết thúc

Thực tế, lạm phát đang giảm chủ yếu là do giá năng lượng giảm - một xu hướng không kéo dài mãi. Lạm phát cơ bản hay lạm phát lõi thường cứng đầu. Lịch sử cho thấy, mục tiêu hạ lạm phát cơ bản không đơn giản và cuộc chiến chống lạm phát chưa thể dừng lại, thậm chí ngày càng phức tạp.

Ở giai đoạn đầu, lạm phát của Mỹ cao hơn Eurozone. Nguyên nhân bởi Mỹ đã chi đến 26% GDP cho kích thích tài chính trong thời kỳ Covid-19, so với mức 8-15% ở các nền kinh tế lớn của châu Âu.

Nhưng sau đó, châu Âu phải đối mặt với “cú sốc năng lượng” tệ hơn Mỹ, do hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine và sự phụ thuộc quá mức vào khí đốt Nga, tỷ trọng chi tiêu cho năng lượng/ thu nhập cao.

Phân tích trên tờ The Economist gần đây, kinh tế gia trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas và nhóm chuyên gia cho biết, chỉ 6% lạm phát cơ bản của Eurozone gia tăng là do kinh tế quá nóng, so với 80% của Mỹ. Điều này có nghĩa, về bản chất lạm phát tại châu Âu và Mỹ đều tăng nhưng nguyên nhân khác nhau.

Bởi lạm phát tăng không phải do kinh tế tăng trưởng nóng nên châu Âu thuận lợi hơn trong việc nới lỏng tiền tệ trở lại. Nhóm chuyên gia nhận thấy, 3% GDP của gói kích thích tài khóa bổ sung mà Eurozone tung ra gần đây bằng cách trợ cấp năng lượng không góp phần khiến lạm phát tăng nóng. Lãi suất cũng thấp hơn ở châu Âu. Thị trường tài chính kỳ vọng lãi đạt đỉnh khoảng 4% ở Eurozone, so với 5,5% ở Mỹ.

Vấn đề là, khác nhau về xuất phát điểm nhưng lạm phát hai bên bờ Đại Tây Dương dường như đang giống nhau hơn theo thời gian. Đó là, lạm phát ngày càng bị chi phối bởi giá dịch vụ, thay vì lương thực và năng lượng.

Giá cả tăng ở Mỹ và châu Âu được thúc đẩy bởi chi tiêu trong nước mạnh mẽ. So với Mỹ, lạm phát cơ bản và tăng lương cao hơn ở Eurozone. Theo dữ liệu của Ngân hàng Goldman Sachs, tiền lương đang tăng 4-4,5% ở Mỹ nhưng gần 5,5% ở Eurozone.

Một thách thức lớn khác đối với nỗ lực kiềm chế lạm phát là thị trường lao động vẫn còn thắt chặt quá mức. Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard nhận định, tiền lương cần phải tăng với tốc độ tương tự tốc độ tăng năng suất để có thể tạo ra tác động có ý nghĩa đối với lạm phát. Như vậy, các ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục gặp khó với bài toán đánh đổi giữa lạm phát mục tiêu và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong một khảo sát mới nhất của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế dự báo, Mỹ vẫn có thể tránh được suy thoái trong năm nay, với GDP đi ngang trong quý III và sụt giảm nhẹ trong quý IV. Nhưng điều kiện đi kèm là lạm phát được dự báo sẽ tăng nhanh hơn nhiều. Đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa nếu muốn chống lạm phát.

“Cách duy nhất để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% là hạn chế hết mức nhu cầu tiêu thụ và làm nền kinh tế chậm lại một cách đáng kể hơn nữa”, ông Torsten Slok, chuyên gia kinh tế trưởng tại Apollo Global Management nói.

Chuyên gia kinh tế trưởng Carl Riccadonna tại BNP Paribas lại cho rằng, những động thái như vậy sẽ đẩy nền kinh tế đối mặt với rủi ro lớn. “Chặng đường tiếp theo của việc cải thiện các số liệu lạm phát sẽ khó khăn hơn. Nó sẽ gây ra nhiều sự đau đớn hơn và nỗi đau đó thậm chí có thể dẫn đến suy thoái kinh tế vào nửa cuối năm”.

Ở góc độ thị trường lao động, hai nhà kinh tế Luca Gagliardone và Mark Gertler dự báo, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ có thể tăng lên 5,5% vào năm 2024, khiến lạm phát giảm xuống 3% và sau đó về 2% “với tốc độ rất chậm”. Quy mô thất nghiệp như vậy không lớn đối với Mỹ, nhưng trong quá khứ thì tỷ lệ này thường có khi suy thoái. Tức khả năng phải chấp nhận hạ nhiệt tăng trưởng để giảm được lạm phát.

Trong khi đó, ở Eurozone, số lượng vị trí tuyển dụng không đáng kể so với số thất nghiệp, chứng tỏ nền kinh tế không mấy mạnh mẽ. Điều này khiến quá trình giảm lạm phát càng trở lên khó khăn. Nhiều yếu tố ràng buộc đang khiến cuộc chiến chống lạm phát trở thành mặt trận bất định.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-chong-lam-phat-bao-gio-thanh-cong-236161.html