Cùng thiếu nữ vùng cao nhuộm sắc chàm ngay giữa lòng Hà Nội

Tại Hà Nội đang diễn ra Triển lãm 'Khói xanh' do chị Nguyễn Thị Phương Mai, nhà thiết kế nội thất tại Hà Nội kết hợp với Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội tổ chức, nhằm giới thiệu thành quả sáng tạo bước đầu của dự án 'Hướng nghiệp cho thiếu nữ vùng cao'.

“Hướng nghiệp cho thiếu nữ vùng cao” là một dự án hợp tác giữa sinh viên, nhà thiết kế tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội với các thiếu nữ vùng cao tại làng Sín Chải, xã San Sả Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Họ cùng nhau chia sẻ những kiến thức và kỹ năng về may vá để hợp tác tạo nên những sản phẩm thiết kế đương đại, mang tính ứng dụng cao từ chính những mảnh vải nhuộm chàm truyền thống.

 Sinh viên tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội hướng dẫn thiếu nữ dân tộc Mông kỹ thuật mới của ngành thời trang. Ảnh Ban Tổ chức

Sinh viên tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội hướng dẫn thiếu nữ dân tộc Mông kỹ thuật mới của ngành thời trang. Ảnh Ban Tổ chức

 Những sản phẩm sáng tạo được tạo ra từ vải nhuộm chàm.

Những sản phẩm sáng tạo được tạo ra từ vải nhuộm chàm.

Dự án gồm 2 mục đích và ý nghĩa chính. Thứ nhất: Cải thiện cuộc sống của người dân địa phương có làng nghề truyền thống, tiếp tục duy trì, gìn giữ, và phát triển những kỹ năng, ngành nghề truyền thống và văn hóa địa phương. Thứ hai: Nhà thiết kế và sinh viên chuyên ngành thiết kế giao lưu, học hỏi truyền thống văn hóa, làng nghề địa phương, nhằm đưa văn hóa truyền thống vào sản phẩm thiết kế, dự án tạo cơ hội cho sinh viên chuyên ngành thiết kế được thực hành và tiếp cận, tôn vinh giá trị quý giá của nghề thủ công.

 Khách tham quan trải nghiệm mặc thử sản phẩm mới.

Khách tham quan trải nghiệm mặc thử sản phẩm mới.

 Nghệ nhân dân tộc Mông hướng dẫn khách tham quan nhuộm chàm.

Nghệ nhân dân tộc Mông hướng dẫn khách tham quan nhuộm chàm.

Chị Nguyễn Thị Phương Mai, chủ nhiệm dự án cho biết: “Mình đã từng gắn bó với đời sống của bà con Sa Pa suốt nhiều năm, nhận thấy thiếu nữ vùng cao có thế mạnh là thêu thùa, may vá, mình muốn họ có thể phát triển trên chính thế mạnh đó, bởi vậy đã hình thành dự án này. Mình mong muốn dự án sẽ phát triển kỹ năng nghề và sự độc lập cho các cô gái vùng cao, giúp tạo thêm cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ tảo hôn, phát triển nghề thủ công truyền thống địa phương”.

Những chiếc áo phông trở nên độc đáo hơn khi nhuộm chàm.

Những chiếc áo phông trở nên độc đáo hơn khi nhuộm chàm.

 Khách tham quan hứng thú với sản phẩm nhuộm chàm mình tạo ra dưới sự hướng dẫn của thiếu nữ vùng cao.

Khách tham quan hứng thú với sản phẩm nhuộm chàm mình tạo ra dưới sự hướng dẫn của thiếu nữ vùng cao.

Em Vàng Thị Đi, 14 tuổi tại làng Sín Chải (Sa Pa) bày tỏ: “Em rất vui khi được tham gia dự án hướng nghiệp, nhờ có dự án mà em đã học hỏi được nhiều cách may vá mới, tạo ra những bộ trang phục đẹp từ mảnh vải truyền thống của dân tộc mình”.

Trải nghiệm xe lanh, dệt vải cùng thiếu nữ vùng cao.

Trải nghiệm xe lanh, dệt vải cùng thiếu nữ vùng cao.

Triển lãm “Khói xanh” bao gồm những hoạt động chính: Trưng bày sản phẩm thiết kế sáng tạo từ vải chàm được thực hiện bởi các thiếu nữ người Mông tại Sa Pa; tái hiện lại hoạt động dệt vải truyền thống, nghề nhuộm của người Mông với sự tham gia của nghệ nhân đến từ Sa Pa; trải nghiệm trực tiếp nhuộm chàm; sáng tạo họa tiết, làm trang sức,…

Thông qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ và giúp nâng cao nhận thức về giá trị của văn hóa và nghệ thuật dân tộc tới mọi người, đặc biệt là nghề dệt, nhuộm vải truyền thống của người Mông.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 18-11 tại số 98 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội.

Tin, ảnh: DIỆU HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/cung-thieu-nu-vung-cao-nhuom-sac-cham-ngay-giua-long-ha-noi-751120