Cùng ngư dân Bình Định nói không với khai thác IUU

'Bà con chú ý! Trước khi tàu ra khơi phải bảo đảm đầy đủ giấy tờ liên quan. Đặc biệt, không được xâm phạm các vùng biển, vùng lãnh thổ của nước ngoài. Mức xử phạt của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài từ 800 triệu đồng đến từ 1 tỷ đồng, ngoài ra có nhiều hình thức phạt bổ sung, như bị tịch thu phương tiện tàu cá, tước các quyền, các văn bằng...'.

Đó là tiếng loa phát đi từ xe tuyên truyền lưu động của Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 tại cảng cá Tam Quan, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).

Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 2 phát tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: NAM TRUNG

Trực tiếp chỉ huy lực lượng tuyên truyền, Đại tá Trần Hồng Quế, Phó chính ủy Vùng CSB 2, chia sẻ: "Tranh thủ những ngày biển động, tàu của bà con ở các địa phương về bờ nhiều, cán bộ, chiến sĩ các đội tuyên truyền của đơn vị chủ động tới thăm hỏi, nắm tình hình làm ăn trên biển của ngư dân, đồng thời kết hợp tuyên truyền việc chấp hành các quy định khi khai thác hải sản, hoạt động trên biển. Đây là một trong những việc Vùng CSB 2 triển khai nhằm thực hiện quyết tâm nói không với khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)".

Theo đồng chí Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Bình Định là một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương và sự chung tay của các lực lượng chức năng như CSB, Bộ đội Biên phòng, từ đầu năm 2023 đến nay, các chủ phương tiện tàu thuyền ở Bình Định đã tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển; tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Tỉnh Bình Định cũng đã hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ khâu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng...

“Trước khi tàu của bà con ra khơi, chúng tôi đều phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSB, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho bà con thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, bảo đảm khi làm ăn trên biển, bà con tự giác chấp hành, không vi phạm các quy định, góp phần để Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng đối với thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam”, đồng chí Trần Văn Phúc cho biết.

Đại tá Trần Hồng Quế chia sẻ, thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, cùng với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương, cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 luôn tích cực đồng hành, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của bà con ngư dân khi hành nghề trên biển. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời tăng cường tuyên truyền, tạo thói quen chấp hành nghiêm pháp luật cho bà con ngư dân khi làm ăn trên biển.

ANH THÁI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan/cung-ngu-dan-binh-dinh-noi-khong-voi-khai-thac-iuu-755939