Cứng hóa đường giao thông nông thôn: Bứt phá năm 2023

Năm 2023 là năm bứt phá trong xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) với tổng chiều dài đã cứng hóa 469 km, vượt 34% so với kế hoạch. Để đạt được kết quả này, các cấp, ngành và Nhân dân đã đồng lòng chung sức thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp.

Người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập tham gia thi công cứng hóa đường giao thông nông thôn năm 2023

Người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập tham gia thi công cứng hóa đường giao thông nông thôn năm 2023

Tràng Định là huyện có khối lượng cứng hóa các tuyến đường GTNT lớn nhất tỉnh năm 2023. Theo đó, kết thúc năm 2023, toàn huyện đã cứng hóa được 85,78 km đường GTNT, gấp gần 2 lần so với năm 2022.

Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định nhấn mạnh: Kết quả thực hiện cứng hóa các tuyến đường GTNT của huyện đạt cao nhờ huyện đã thực hiện lồng ghép nhiều nguồn khác nhau để củng cố kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn như: vốn theo đề án GTNT của tỉnh, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, thực hiện theo cơ chế lồng ghép các nguồn vốn trong năm 2023, toàn huyện đã cứng hóa được 61,54 km và nguồn hỗ trợ xi măng GTNT năm 2023 của huyện cứng hóa được 24,24 km. Để làm đường, người dân đã đóng góp 1,86 tỷ đồng và hơn 17.000 ngày công lao động. Qua đó, đến hết năm 2023 tỷ lệ đường trục xã của huyện được cứng hóa đạt 58,84%; tỷ lệ đường trục thôn cứng hóa đạt 49,2% và đường ngõ xóm đạt 44,5%.

Năm 2023, các huyện, thành phố đã cung ứng hơn 28,8 nghìn tấn xi măng, Nhân dân khai thác được hơn 40 nghìn mét khối đá, sỏi và đóng góp 144 nghìn ngày công lao động, hơn 31,3 tỷ đồng (tăng gần 4 tỷ đồng so với năm 2022) để làm đường GTNT.

Tương tự Tràng Định, huyện Đình Lập cũng có khối lượng thực hiện cứng hóa các tuyến đường GTNT đạt cao. Theo số liệu của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, trong năm 2023, toàn huyện đã cứng hóa được 56,94 km đường GTNT, tăng 10 km so với năm 2022. Đáng chú ý nguồn lực huy động trong Nhân dân để thực hiện cứng hóa các tuyến đường GTNT tăng mạnh, cụ thể Nhân dân đóng góp 5,05 tỷ đồng (năm 2022, nhân dân đóng góp tiền mặt để làm đường được 2,8 tỷ đồng).

Trong đó, riêng xã điểm Lâm Ca phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 đã cứng hóa được 21,2 km đường GTNT các loại, huyện đã cấp hơn 800 tấn xi măng để làm đường và xã đã vận động xã hội hóa từ doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp tiền, ngày công, khai thác vật liệu, ca máy trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Sơn, Chủ tịch UBND xã Lâm Ca cho biết: Trong quá trình thực hiện cứng hóa các tuyến đường GTNT năm 2023, ngoài nguồn lực người dân đóng góp hơn 400 triệu đồng, xã còn huy động được khoảng 15 ca máy từ các doanh nghiệp để làm đường giao thông các tuyến trục thôn, ngõ xóm. Trong đó, thôn Ke Ca là điểm sáng trong việc huy động sức dân để cứng hóa các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm với tổng giá trị người dân đóng góp tiền mặt ngày công, vật liệu là 336 triệu đồng để cứng hóa gần 1,5 km đường giao thông có mặt đường rộng 3 m.

Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2023, toàn tỉnh đã cứng hóa được 469 km đường GTNT, đạt 134% kế hoạch, trong đó, có 9/11 huyện, thành phố thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Các huyện, thành phố đã cung ứng hơn 28,8 nghìn tấn xi măng, Nhân dân khai thác được hơn 40 nghìn mét khối đá, sỏi và đóng góp 144 nghìn ngày công lao động, hơn 31,3 tỷ đồng (tăng gần 4 tỷ đồng so với năm 2022) để làm đường GTNT.

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Kết quả cứng hóa đường giao thông vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là nhờ các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt phong trào nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm; gắn với đó là đẩy mạnh đầu tư hệ thống tuyến đường trục xã, trục thôn theo hướng lồng ghép các nguồn lực. Chẳng hạn như nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia bố trí kinh phí để hoàn thiện hạng mục nền đường, còn phần mặt đường bê tông thì thực hiện theo đề án phát triển GTNT và các nguồn xã hội hóa khác. Bước sang năm 2024, ngoài tiếp tục đẩy mạnh cứng hóa các tuyến đường giao thông theo kế hoạch, sở còn tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các huyện đăng ký thực hiện cứng hóa các công trình cầu giao thông. Mục tiêu phấn đấu cứng hóa 10 cầu để tăng cường năng lực vận tải trên các tuyến đường huyện, đường trục xã toàn tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2024, các huyện, thành phố đã và đang đẩy nhanh thực hiện đấu thầu mua xi măng để cung ứng cho các xã thực hiện ra quân đầu xuân cứng hóa đường giao thông nông thôn theo kế hoạch. Mục tiêu đặt ra nhằm nâng tỷ lệ cứng hóa đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm góp phần tạo sự gắn kết liên hoàn, thông suốt từ mạng lưới đường giao thông quốc gia với hệ thống đường GTNT nhằm tăng năng lực sản xuất cho khu vực nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/640273-cung-hoa-duong-giao-thong-nong-thon-but-pha-nam-2023.html