Cùng doanh nghiệp vượt đại dịch

BPO - Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, mục tiêu “zero covid” là không thể, toàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, trong tháng 10-2021, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký phục hồi sản xuất tăng nhanh. Các DN cơ bản đã hoạt động trở lại với tỷ lệ 80-85%. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng khá cao so với tháng trước. Bức tranh kinh tế Bình Phước đã có nhiều điểm sáng.

***

Để phục hồi sản xuất, cùng với những giải pháp quyết liệt và sáng tạo từ phía DN, còn nhờ hoạt động khuyến khích đầu tư, hỗ trợ ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất của cơ quan chức năng để hướng tới thị trường rộng lớn.

Tự động hóa sản xuất

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Phức quyết định thành lập Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất dịch vụ Minh Phương (huyện Phú Riềng) chuyên sản xuất, kinh doanh gỗ mỹ nghệ. Thành lập đúng thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, DN Minh Phương phải nỗ lực chèo chống để từng bước vượt qua thách thức, giữ chân khách hàng. Một trong những giải pháp quan trọng là không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất sang tự động hóa, hiện đại để tìm tới thị trường rộng lớn.

Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất dịch vụ Minh Phương (huyện Phú Riềng) đầu tư hệ thống lò hơi sấy sơn tĩnh điện để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường

Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất dịch vụ Minh Phương (huyện Phú Riềng) đầu tư hệ thống lò hơi sấy sơn tĩnh điện để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường

“Giữa bão dịch Covid-19, DN Minh Phương quyết định đầu tư lò hơi sấy tĩnh điện góp phần hoàn thiện hệ thống máy móc tự động hóa, dây chuyền hiện đại để giảm sức lao động, nâng cao hiệu suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Lò hơi sấy là 1 bộ phận không thể thiếu của hệ thống sơn tĩnh điện và giải quyết được khó khăn quan trọng nhất trước khi hoàn thiện một sản phẩm theo đúng mẫu mã. Một ngày, thiết bị hiện đại này tạo ra sản phẩm gấp 23 lần, tương đương 23 lao động so với phương pháp sơn thủ công” - ông Phức phân tích lợi ích của việc đầu tư hệ thống sơn tĩnh điện tự động.

Ông Phức cho biết thêm, mặc dù chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng song có sự đồng hành của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh nên ông không ngần ngại đầu tư. Đó cũng là phương án quyết định sự tồn tại và phát triển, giúp DN vượt khó trong bão dịch.

Trong đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, với những nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng, sáng tạo của mỗi DN, 10 tháng năm 2021, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 14,81% so cùng kỳ năm 2020. Sản xuất một số mặt hàng công nghiệp tăng cao như: Hạt điều khô tăng 25,64%, gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản tăng 50,18%; thiết bị tín hiệu âm thanh tăng 31,10%.

Đầu năm 2021, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, Công ty TNHH nội thất không gian Việt ở thị xã Phước Long đã ứng dụng 1 máy cắt dán cạnh tự động trong quy trình sản xuất ván gỗ. Với máy cắt dán này, trung bình 1 ngày cắt, dán từ gần 6.000m đến khoảng 10.000m phôi, tương đương từ 12-16 lao động thủ công. Trước đó, DN đã đầu tư nhiều hạng mục máy móc khác với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Sự đầu tư này hướng đến nâng cao chất lượng của sản phẩm. Anh Mai Ngọc Toản, công nhân Công ty TNHH nội thất không gian Việt tự tin: “Từ khi có máy dán cạnh thì hiệu quả công việc cao hơn. Hệ thống sản xuất hiện đại đã tạo ra những sản phẩm đẹp, sắc nét, giúp tạo thương hiệu sản phẩm cho công ty”.

Cũng với sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước ở ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú đã đầu tư ứng dụng 1 lò hơi tiết kiệm năng lượng trong dây chuyền sản xuất than viên/que nén từ gáo dừa công suất 1,5 tấn hơi/giờ, tổng kinh phí 500 triệu đồng. Việc đổi mới công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng đạt tiêu chuẩn không chỉ giảm sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất sạch hơn trong công nghiệp mà còn giúp sản phẩm làm ra đủ sức chinh phục khách hàng.

Vươn đến thị trường khó tính

Triển khai đề án ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất đã thúc đẩy các cơ sở hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng doanh thu, lợi nhuận. Từ áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH MTV thương mại sản xuất dịch vụ Minh Phương như: Bàn ghế học sinh, cầu thang, lan can, các loại tủ, giường gỗ... không ngừng nâng lên. Thị trường cũng từ đó đã mở rộng ra các tỉnh, thành trong khu vực. DN đang tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động địa phương với thu nhập từ 6-15 triệu đồng/người/tháng tùy vào sản lượng công việc.

Hằng năm, theo chỉ đạo, Sở Công Thương phối hợp các huyện, thị xã, thành phố triển khai đề án khuyến công. Từ 30% kinh phí khuyến công hỗ trợ máy móc cho DN phát triển sản xuất, sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ. Chính sách này đã khuyến khích DN, cơ sở mạnh dạn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế địa phương và của tỉnh.

Ông NGUYỄN VĂN ÚT, Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương

Sản phẩm than dạng viên/que nén từ gáo dừa phế phẩm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước là nguồn năng lượng xanh và sạch, không gây ô nhiễm như các loại chất đốt khác, không tạo ra nguồn chất thải độc hại cho môi trường nên được khuyến khích sử dụng. Ngành sản xuất này còn tương đối mới nhưng theo nhận định của Bộ Công Thương, than gáo dừa đang trở thành mặt hàng “nóng” trong xuất khẩu. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, sáng lập công ty chia sẻ: Từ việc Trung tâm Khuyến công hỗ trợ máy móc hiện đại, chuyển giao cách tính để tiết kiệm năng lượng đã không còn có cảm tính trong kỹ thuật, kiểm soát được chất lượng sản phẩm và tăng giá trị đầu ra. Qua đó, duy trì lòng tin và thêm lợi thế, vị thế của sản phẩm đối với thị trường xuất khẩu, đặc biệt là châu Âu. Hiện sản phẩm của công ty đã được cung ứng qua các thị trường Trung Đông như: Palestine, Dubai, Jordan, Kwaite, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon…; các nước châu Âu như: Đức, Ukraina, Úc… và sẽ tiếp tục chinh phục những thị trường xuất khẩu khó tính khác.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/128337/cung-doanh-nghiep-vuot-dai-dich