Cùng đi tát đìa…

Quê tôi, một vùng đất cuối trời Nam Bộ. Một vùng đất có thời tiết như cố Nhạc sĩ Thanh Sơn đã từng viết: 'Quê em hai mùa mưa nắng/Hai thôn nghèo nối liền bờ đê…'. Mùa nắng thì đồng khô cỏ cháy, mùa mưa thì cây cối xanh um. Khi ấy, ở quê tôi người nông dân chỉ trồng lúa 2 vụ. Từ khoảng cuối tháng 10 âm lịch, nông dân thu hoạch vụ lúa mùa (vụ đông - xuân).

Ảnh minh họa: baoquangngai.vn

Sau khi thu hoạch vụ lúa mùa xong, độ chừng dăm ba bữa thì bà con sẽ tiến hành thu hoạch cá đồng. Thường thì ở mỗi thửa ruộng, nơi gần bờ tre hoặc nơi có trồng cây lâu năm tránh nắng. Người chủ ruộng đào một cái đìa, để dành bắt cá cuối mùa. Khi mưa xuống, nước đầy đìa người ta sẽ đem “chà gai” (những đọt tre gai), đến thả xuống để dụ cá vào. Cuối mùa, cá đồng tìm “về nguồn” hoặc nơi đìa có nước sâu, độ an toàn cao để trú ẩn. Khi quan sát đìa có cá nhiều, người ta sẽ tiến hành… tát đìa!

Ngày xưa, chưa có máy bơm nước, nên chỉ dùng sức người để tát đìa và dùng phương tiện tát là chiếc gàu (chiếc gàu làm bằng tre và được trét dầu hắc cho kín, có 04 sợi dây được buộc chắc chắn ở 02 bên). 02 người sẽ đứng ở 02 bên, tát nước trong đìa cho cạn (còn gọi là tát đìa). Một cái đìa vừa vừa, cần0 4 người thay phiên nhau tát. Nếu đìa lớn cần phải làm 02 sồng (nơi tát đìa) cần khoảng 06 người hoặc 08 người thay phiên nhau tát mới cạn được.

Cái thú nhất của việc tát đìa là lúc đìa gần cạn nước. Khi ấy, từng đàn cá thi nhau chạy tới chạy lui trông thật thích mắt. Gặp những cái đìa to, có nhiều cá lòng tong và tép rong thì dân nhậu không thể bỏ qua. Vì với dân nhậu, cá lòng tong và tép rong chế biến thành mồi nhậu thì “hết sẩy”.

Cá đồng ở đìa nhiều nhất thường là cá sặc, cá rô, cá lóc. Cá lóc có con lâu năm, sót lại từ những mùa trước nên to bằng “bắp chuối” người lớn. Bắt những con cá to ấy, người bắt cá cảm thấy rất “sướng tay”. Sau khi bắt cá xong, dân nhậu cố tìm kiếm quanh đìa để “săn lùng” thêm mồi nhậu như rắn, ếch, lươn, cá chạch…

Cá đồng bắt xong, mang về nhà của chủ đìa. Trong lúc những người đã phụ bắt cá, phụ tát đìa đi tắm rửa thì chủ nhà lựa “đặc sản đồng quê” làm mồi nhậu và phân chia cá cho từng người một mang về ăn “lấy thảo”. Bởi thế, khi xưa tình cảm người dân quê thường đậm đà và chân tình lắm.

Ngày nay, điều kiện sống của người dân quê đã thay đổi rất nhiều. Những cái đìa quê vẫn còn đấy nhưng khi tớ mùa thu hoạch chủ đìa chỉ cần lấy máy ra tát là xong và sau đó mướn người bắt cá, trả tiền công. Hình ảnh thú vị và nên thơ về cảnh tát đìa quê, ngày nay không còn nữa…

TRẦN NHẬT HẠ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/cung-di-tat-dia-36412.html