Củng cố niềm tin, đấu tranh chống các quan điểm xấu, độc về sự phát triển của đất nước

Nhằm thỏa mãn sự tức tối, hằn học về sự phát triển của Việt Nam, cùng mong muốn phát tán nhiều hơn nữa 'virus' xấu, độc vào hệ tư tưởng người nghe, các thế lực thù địch luôn 'nhăm nhe' các thông tin mới về tình hình Việt Nam để từ đó xuyên tạc với những chủ đề cũ.

Một số hình ảnh cắt từ video clip của S. mới đây

Một số hình ảnh cắt từ video clip của S. mới đây

Cuối tháng 7-2023, trang Facebook của S.L. đăng dòng trạng thái: “…Kinh tế VN sẽ ra sao trong những ngày tháng sắp tới?”.

Clip này dài gần 1 tiếng đồng hồ có hơn 46,1 ngàn lượt xem sau 2 ngày đăng tải trên mạng xã hội Facebook, điểm một số thông tin chưa được kiểm chứng và chỉ xoáy vào các thông tin tiêu cực về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, trong đó có thông tin về cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.

Qua đó, nhân vật MC S.L này đi đến kết luận: “Qua các thông tin trên có thể hình dung tình hình kinh tế Việt Nam bi đát đến như thế nào! Rất nhiều doanh nghiệp không thể xoay xở”. “Tung hứng” cùng nhân vật MC này để “bình luận tin tức VN với L.T.T” ra sức xuyên tạc, bôi nhọ về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nói riêng và thể chế chính trị của các nước XHCN Trung Quốc, Việt Nam… nói chung.

* Trong bối cảnh khó khăn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,72%

Việc kiên định, tự tin và chung tay góp sức đóng góp vào mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; đồng thời phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là biểu hiện cụ thể, sinh động của mỗi công dân yêu nước.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, “trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương, cùng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm thực hiện tốt các mục tiêu trong Nghị quyết XIII về phát triển kinh tế - xã hội được đề ra. Do vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,72%, trong đó động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là khu vực dịch vụ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy tăng trưởng ổn định, thể hiện là trụ đỡ của nền kinh tế”. Do đó, không có chuyện kinh tế Việt Nam “bi đát”, “không thể xoay xở”… như những gì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rêu rao.

Ngày 21-7, tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận và thống nhất, cơ bản tán thành những nhận định, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, do kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, cùng với một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong nước, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sụt giảm...

Không phải chỉ Việt Nam, mà trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình thế giới do xung đột vũ trang, thiên tai…, nhiều nước trên thế giới cũng có những khó khăn nhất định trong quá trình phục hồi kinh tế.

Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới vào ngày 25-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn ở mức 3% do các nền kinh tế phát triển giảm tốc. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng 6,3% đạt được năm 2021 và 3,5% vào năm 2022.

IMF cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kéo dài bất chấp “khả năng phục hồi trong ngắn hạn”, lưu ý các nước nên duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ…

* Thế lực thù địch tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng

Thực tế, đây không phải lần đầu các thế lực thù địch thông tin chống phá, xuyên tạc về mô hình phát triển của Việt Nam. Qua theo dõi các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng, một trong những nội dung mà các đối tượng này tập trung là bôi nhọ thể chế chính trị, mô hình phát triển, thành tựu cách mạng của hệ thống các nước XHCN trên thế giới. Trong đó, những thành tựu và con đường phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của nước ta luôn là chủ đề để các đối tượng xấu công kích chống phá trên mặt trận tư tưởng.

Tại hội nghị chuyên đề Tình hình thế giới, khu vực và vai trò của công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp tổ chức vào tháng 6-2023, TS Phan Anh Sơn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế và đối ngoại nhân dân Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhấn mạnh, mô hình phát triển, cũng như cách tiếp cận các mô hình phát triển của mỗi quốc gia là khác nhau, không thể nào áp đặt. Do đó, câu chuyện đem giá trị của một quốc gia để giới thiệu và để các quốc gia khác tiếp thu có chọn lọc, đặt vào điều kiện của riêng mỗi nước thì mới là phù hợp. Hiện nay, Trung Quốc sau 45 năm đổi mới và phát triển đang là mẫu hình thành công của thể chế XHCN.

Như vậy, có thể thấy, các thế lực thù địch tự hô hào “Việt Nam phải từ bỏ mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN” là việc làm ngông cuồng và rất vô lý, đi ngược lại xu hướng phát triển, cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Việc Đảng, Nhà nước ta lựa chọn đưa đất nước phát triển theo mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn, thực sự là bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đưa nền kinh tế nước ta gặt hái được những thành tựu ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chú trọng đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước

Tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, từ việc đánh giá đúng tình hình, bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Trong đó, đối với công tác thông tin, truyền thông, cần được tăng cường, nhất là truyền thông chính sách, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, giữ vững tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư; chú trọng đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề Tình hình thế giới, khu vực và vai trò của công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp tổ chức vào tháng 6-2023, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn lưu ý: Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, với nhiều biến động to lớn, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn; an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng phức tạp; khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn... Đây cũng là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng đối với lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân.

Công tác thông tin đối ngoại đứng trước những khó khăn rất lớn, cạnh tranh thông tin, thậm chí chiến tranh thông tin ngày càng gay gắt. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông mới để đẩy mạnh chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trước diễn biến này, công tác thông tin đối ngoại có nhiệm vụ rất quan trọng là đi trước mở đường, làm công tác tư tưởng của Đảng; cùng với đối ngoại nhân dân phải phát huy vai trò tiên phong, lợi thế uyển chuyển, linh hoạt trong việc sử dụng “công cụ mềm” để gửi gắm, truyền tải thông tin, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc…

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202308/cung-co-niem-tin-dau-tranh-chong-cac-quan-diem-xau-doc-ve-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-3173858/