Củng cố niềm tin bằng những kết quả thực tế (Kỳ 1)

Phương châm và quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và các thành viên ngay từ khi triển khai đề án đều lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Sau 2 năm triển khai đề án, những kết quả đạt được ban đầu tạo tiền đề to lớn để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 đó là tiếp tục củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp bằng chính việc hoàn thành nhiệm vụ được giao đã được định lượng từng tháng, quý.

Đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 được tổ chức vào cuối tháng 12/2023, hai trong số những nhiệm vụ đặc biệt cấp bách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả đó chính là đảm bảo chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho hơn 1 triệu người cũng như đẩy mạnh cho vay tín chấp phòng, chống hiệu quả “tín dụng đen”, không để ai, nhất là những người yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Chỉ đạo trên đặt trong bối cảnh những ngày áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khi đó đang đến gần, càng cho thấy ý nghĩa lớn lao và nhân văn của Chính phủ, Thủ tướng, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp, nhất là những người yếu thế trong xã hội với tinh thần “người nào cũng có Tết, nhà nào cũng có Tết”.

Lực lượng Công an và các ban, ngành chức năng tăng cường tạo lập, cấp tài khoản để chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt phục vụ nhân dân.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Bám sát vào chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06, thành viên của tổ công tác ở các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai tổng lực các giải pháp để thực hiện hiệu quả yêu cầu trên. Thống kê đến 31/1, có hơn 1,4 triệu người trên cả nước có tài khoản và mong muốn chi trả an sinh xã hội qua tài khoản. Các cơ quan chức năng đã trợ cấp qua tài khoản hơn 643.000 người, chiếm 15,11% tổng số đối tượng được hưởng an sinh xã hội đang quản lý với tổng kinh phí đã chi trả qua tài khoản tính đến 26/2 là 1.782.364.452.000 đồng.

Cho đến tháng 2, theo thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, có tổng số hơn 5 triệu người hưởng chính sách an sinh xã hội (tăng 3.375 người so với tháng 1/2024). Thời điểm tháng 2 cũng là khoảng thời gian các bộ, ngành, địa phương tăng tốc tạo lập, cấp tài khoản an sinh xã hội cho người dân với 134.076 người được tạo tài khoản, nâng tổng số người đã được tạo lập tài khoản lên con số 1.590.928 người. Các cơ quan chức năng đã chi trả qua tài khoản cho 832.665 người (tăng 246.690 người so với tháng 1/2024). Tổng số tiền chi trả là 2,6 nghìn tỷ đồng (tăng 862 tỷ đồng so với tháng 1/2024). Đây là con số rất lớn so với thời điểm trước đó. Dẫu vậy, theo đánh giá của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, hiện số người chưa có tài khoản chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt vẫn còn lớn, chính vì vậy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ trên phải tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có số lượng người nằm trong diện đảm bảo an sinh xã hội không dùng tiền mặt lớn trên cả nước. Nhiệm vụ này cũng đã được lãnh đạo TP Hà Nội triển khai hiệu quả. Trong tháng 2, TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ tạo lập, cấp tài khoản an sinh xã hội nhằm phục vụ cho việc chi trả tiền qua tài khoản mà không dùng tiền mặt.

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã ban hành các văn bản, công điện, thông báo cũng như tổ chức các buổi làm việc với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong triển khai nhiệm vụ trên. Các sở, ngành có liên quan như Công an TP Hà Nội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội, Sở Tài chính, Bưu điện TP đã khẩn trương vào cuộc, huy động tối đa lực lượng thực hiện mục tiêu chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt và đảm bảo chi trả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua.

Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, tính đến 15/2, tổng số người nằm trong diện chi trả đảm bảo an sinh xã hội đã có tài khoản là 261.565/293.633 người (chiếm 89,1%). Tính đến 22/1, qua theo dõi trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tổng số đối tượng thuộc diện an sinh xã hội đã được rà soát là 294.250/296.032 trường hợp (đạt 99,4%), trong đó có 293.745 trường hợp đã được làm sạch dữ liệu (chiếm tỷ lệ 99%). Có 1.188 trường hợp chưa được rà soát do danh sách bên Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp muộn nên Công an cấp xã đang tiếp tục thực hiện rà soát.

Tạo nền tảng không để ai bị bỏ lại phía sau

Những lợi ích trong việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhiều lần chỉ ra, khẳng định. Trong phiên họp của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 được tổ chức vào 22/2 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua tài khoản và nhất là giao dịch không tiền mặt trong dịp Tết vừa qua giúp không xảy ra tình trạng ùn tắc bởi người dân phải xếp hàng dài chờ rút tiền ở các cây ATM như những năm trước.

Không chỉ chi đúng đối tượng, đủ số tiền, tiết kiệm chi phí mà thông qua chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn góp phần phòng, chống hiệu quả tham nhũng vặt, tạo văn minh xã hội. Việc chi trả an sinh xã hội thông qua tài khoản, không dùng tiền mặt cũng được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực như những năm trước đó.

Mới đây, đầu tháng 1 vừa qua, Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ đối tượng Trần Thị Thương (SN 1986, cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ của UBND xã Quỳnh Bá) để điều tra xử lý hành vi tham ô tài sản. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác đã chiếm đoạt tiền công quỹ, tiền lương phụ cấp của các lực lượng bán chuyên trách và tiền chi cho hoạt động thường xuyên của các ban, ngành với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Rõ ràng, khi dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương được số hóa toàn bộ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cùng với việc chi trả qua tài khoản không dùng tiền mặt sẽ chặn đứng tình thạng tham ô, tham nhũng vặt như trên. Các đối tượng sẽ không dám, không thể thực hiện được hành vi vi phạm như trên.

Cùng với việc đẩy mạnh tạo lập, chi trả an sinh xã hội qua tài khoản, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành, địa phương thực hiện cho vay tín chấp. Cần phải nói rõ thêm rằng, đối tượng cho vay tín chấp hầu hết là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, khả năng tiếp cận những nguồn vốn vay của họ rất khó khăn, hạn chế. Khi không tiếp cận được những nguồn vay từ các tổ chức tín dụng chính thống, nằm trong hệ thống quản lý của Ngân hàng Nhà nước, để giải quyết nhu cầu, nhiều người buộc phải tìm đến hoạt động cho vay theo dạng “tín dụng đen”, dẫn tới bất ổn, nảy sinh các vụ việc phức tạp, mất ANTT.

Để giải quyết “tận gốc” tội phạm “tín dụng đen”, bên cạnh việc tăng cường đấu tranh triệt xóa các đường dây, ổ nhóm vi phạm, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh cho vay tín chấp. Thống kê trong tháng 2 vừa qua có 6 đơn vị đã triển khai giải ngân với tống số tiền 7 tỷ đồng cho hàng nghìn người dân. Bộ Công an đã triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay tín chấp trên VNeID; có công văn đề nghị Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, hỗ trợ người dân, nhất là những người yếu thế tiếp cận nguồn vay, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng trong việc cho vay tín chấp, đồng chí Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong kết luận phiên họp tháng 2 và chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm tháng 3, đã nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu ứng dụng giải pháp chấm điểm khả tín trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, bảo đảm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Còn nữa)

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cung-co-niem-tin-bang-nhung-ket-qua-thuc-te-ky-1--i723496/