Cùng chung 1 mối đe dọa, Nhật - Trung - Hàn đau đầu tìm cách ứng phó

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Đây cũng là vấn đề 'đau đầu' mà hai nước châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt.

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc xuống mức thấp kỷ lục

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc ngày càng sâu sắc hơn sau khi dữ liệu vừa được công bố cho thấy tỷ lệ sinh của nước này, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới vào năm 2023, bất chấp chính phủ chi hàng tỷ USD để thuyết phục các gia đình sinh thêm con.

Một em bé được sinh ra ở Seoul.

Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có trong đời đã giảm xuống 0,72, từ 0,78 vào năm 2022, tức giảm gần 8%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,1 trẻ em mà đất nước cần để duy trì dân số hiện tại là 51 triệu người.

Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1. Ngoài ra, phụ nữ Hàn Quốc sinh con lần đầu ở độ tuổi trung bình là 33,6, cao nhất trong số các thành viên OECD.

Theo Viện Đo lường và Đánh giá Y tế tại Đại học Washington ở Seattle, nếu tỷ lệ sinh thấp tiếp tục kéo dài, dân số của nền kinh tế lớn thứ năm châu Á được dự đoán sẽ giảm gần một nửa xuống còn 26,8 triệu người vào năm 2100.

Ông Lim Young-il, người đứng đầu bộ phận điều tra dân số tại Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, cho hay: “Số trẻ sơ sinh vào năm 2023 là 230.000, ít hơn 19.200 so với năm trước, giảm 7,7%”.

Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 360 nghìn tỷ won (270 tỷ USD) vào các chương trình khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, bao gồm trợ cấp tiền mặt, dịch vụ trông trẻ và hỗ trợ điều trị vô sinh.

Chính quyền hiện tại, do Tổng thống Yoon Suk Yeol đứng đầu, cũng coi việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm là ưu tiên quốc gia và cam kết sẽ đưa ra “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết tình hình.

Tuy nhiên, tài chính và các biện pháp khuyến khích khác không thuyết phục được các cặp vợ chồng khi họ cho rằng loạt yếu tố như chi phí nuôi con và giá bất động sản tăng vọt, thiếu việc làm được trả lương cao và hệ thống giáo dục khắc nghiệt của đất nước là những trở ngại cho việc có gia đình lớn hơn.

Các đảng chính trị lớn của Hàn Quốc đang đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4, bao gồm thêm nhà ở công cộng và các khoản vay dễ dàng hơn, với hy vọng làm giảm cảnh báo ngày càng tăng rằng nước này đang đối mặt với “sự tuyệt chủng quốc gia”.

Kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở Hàn Quốc, nhưng tỷ lệ kết hôn cũng đang giảm sút, trong đó chi phí sinh hoạt cao thường được cho là nguyên nhân chính.

Nhật Bản, Trung Quốc chung mối lo

Hàn Quốc không phải là nước duy nhất trong khu vực phải vật lộn với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và tình trạng thiếu trẻ em.

Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy số trẻ em sinh ra năm 2023 đã giảm năm thứ 8 liên tiếp, một năm sau khi Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo rằng tỷ lệ sinh thấp dai dẳng sẽ sớm đe dọa khả năng “tăng trưởng kinh tế” của đất nước.

Caption

Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết 758.631 trẻ sơ sinh đã được sinh ra ở Nhật Bản vào năm ngoái, giảm 5,1% so với năm trước và là số ca sinh thấp nhất kể từ khi số liệu thống kê được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1899.

Số lượng cuộc hôn nhân giảm 5,9% xuống còn 489.281 cặp đôi là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ sinh giảm.

Nhiều người Nhật trẻ tuổi cho biết họ không muốn kết hôn hoặc lập gia đình do triển vọng việc làm kém và chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh hơn tiền lương, cùng với văn hóa doanh nghiệp khiến cả cha lẫn mẹ đều khó đi làm.

Dân số hơn 125 triệu người của Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm khoảng 30% xuống còn 87 triệu người vào năm 2070, với cứ 10 người thì có 4 người ở độ tuổi 65 trở lên.

Chánh văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi cho biết tỷ lệ sinh giảm đã đạt đến “tình trạng nguy kịch”.

“Trong khoảng thời gian sáu năm tới hoặc lâu hơn cho đến những năm 2030, khi dân số trẻ bắt đầu giảm nhanh chóng, sẽ là cơ hội cuối cùng chúng ta phải cố gắng đảo ngược xu hướng này. Không có thời gian để lãng phí", ông Hayashi cho hay.

Lứa trẻ "rồng vàng" khó giúp Trung Quốc giải bài toán dân số.

Số liệu của Trung Quốc cũng không mấy khả quan. Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc tiếp tục giảm. Nguyên nhân do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và làn sóng tử vong do Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở nước này giảm 5,7%, xuống 9,02 triệu trẻ được sinh ra vào năm 2023. Đây là tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, theo đó chỉ có 6,39 ca sinh/1.000 người, so với năm 2022, tỷ lệ sinh là 6,77 ca/1.000 người.

Từ năm 2021, giới chức Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân sinh con, như giảm thuế, chế độ nghỉ thai sản dài hơn và trợ giá nhà ở. Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Các chuyên gia Liên hợp quốc cho rằng về lâu dài, dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều gấp 3 lần mức giảm được dự báo vào năm 2019.

Thanh Tú

Theo The Guardian

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cung-chung-1-moi-de-doa-nhat-trung-han-dau-dau-tim-cach-ung-pho-20180504224295678.htm