Cùng chiều với thế giới, NHNN lý giải lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn neo cao

Việc liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đánh mất niềm tin không chỉ với các tổ chức tài chính mà còn với nhiều đối tượng khách hàng. Ở Việt Nam, mặc dù nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên mặt bằng lãi suất vẫn neo cao, NHNN lý giải nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Gabriel Makhlouf, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland và thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đánh mất niềm tin ở một mức độ nào đó và cần xây dựng lại niềm tin bằng cách lý giải các chính sách của họ cho nhiều đối tượng hơn chứ không chỉ thị trường tài chính.

Mất niềm tin vì ngân hàng tăng lãi suất

Theo Reuters, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thời gian qua đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn còn dai dẳng. Chỉ riêng ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản kể từ tháng 7 năm ngoái và các nhà kinh tế dự báo ECB sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản nữa sau mỗi cuộc họp trong hai lần tiếp theo.

Sau khi tăng lãi suất nhiều nhất trong lịch sử 25 năm của ECB, Makhlouf cho rằng ECB có nghĩa vụ giải thích với cộng đồng rộng lớn hơn, nơi niềm tin cũng bị lung lay giống như bao tổ chức tài chính khác.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, song nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vay với lãi suất cao.

Với lạm phát dự kiến sẽ vượt quá mục tiêu của ECB cho đến ít nhất là năm 2025, người tiêu dùng và nhà đầu tư đã bắt đầu kỳ vọng mức tăng giá dài hạn trên 2%, cho thấy sự mất niềm tin vào khả năng kiềm chế giá của ECB. Điều này có thể đẩy nhu cầu tiền lương lên cao và khả năng thiết lập một vòng xoáy giá cả - tiền lương khó phá vỡ.

"Tôi nghĩ chúng ta đã mất đi một mức độ tin tưởng... Tôi cho rằng chúng ta cần làm gì đó với những quyết định của mình, đó là chúng ta nên giải thích điều đó cho nhiều người hơn", Makhlouf phát biểu tại một hội nghị của Ngân hàng trung ương Ireland.

"Chúng ta cần giải thích những gì chúng ta đang thấy và lý do tại sao chúng ta đưa ra phán quyết như vậy, đồng thời chúng ta cần nói chuyện với mọi người và cộng đồng bằng "ngôn ngữ" mà họ hiểu. Tôi cho rằng đó là cách xây dựng lại lòng tin. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều đó với tư cách là ngân hàng trung ương", vị quan chức của ECB nói.

Lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn cao, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã lên tiếng về việc lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự giảm mạnh.

Theo số liệu mới nhất do NHNN công bố, tốc độ tăng trưởng huy động vốn tính đến cuối tháng 4 vừa qua chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vay với lãi suất trên 10%/năm, có doanh nghiệp bất động sản phải vay với lãi suất 14%/năm.

Lý giải về điều này, NHNN cho biết hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Theo đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Sau dịch COVID-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

"Hiện, chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167.000 tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao. Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động", NHNN lý giải. Đồng thời cho biết, gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Cũng theo NHNN, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao.

Chẳng hạn, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 10 lần tăng lãi suất (hiện lãi suất mục tiêu Fed Fund ở mức 5,0-5,25%/năm; ECB đang neo lãi suất tái cấp vốn là 3,5%/năm, lãi suất tiền gửi là 3,0%/năm).

Đồng thời, lãi suất cao còn do áp lực lạm phát trong nước (lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm nay ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%).

"Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%", NHNN cho hay.

Ngoài ra, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN mới ban hành ngày 23/4/2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng gặp khó khăn. Tức là tổ chức tín dụng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi tổ chức tín dụng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

NHNN thông tin thêm, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Đối với các khoản vay mà ngân hàng thương mại và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất thì vẫn tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay.

Hoa Vũ

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/cung-chieu-voi-the-gioi-nhnn-ly-giai-lai-suat-cho-vay-o-viet-nam-van-neo-cao-1092630.html