Cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới

Thực hiện đường lối đổi mới, các cấp bộ đảng ở Thái Nguyên xác định mục tiêu tổng quát: Đến năm 1990, các huyện hình thành cơ cấu kinh tế nông-lâm-công nghiệp hoặc lâm-nông-công nghiệp; TP. Thái Nguyên và thị xã Sông Công hình thành cơ cấu công-nông-lâm nghiệp.

Trải qua 10 năm thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước, nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sau cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền vào cuối năm 1985.

Tình hình đó đòi hỏi đất nước phải đổi mới từ nhận thức lý luận khoa học về mô hình xã hội chủ nghĩa đến tổ chức thực hiện mô hình đó.

Bởi thế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trọng tâm là đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế.

Thực hiện đường lối đổi mới, các cấp bộ đảng ở Thái Nguyên xác định mục tiêu tổng quát: Đến năm 1990, các huyện hình thành cơ cấu kinh tế nông-lâm-công nghiệp hoặc lâm-nông-công nghiệp; TP. Thái Nguyên và thị xã Sông Công hình thành cơ cấu công-nông-lâm nghiệp.

Trong 5 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu. Về sản xuất nông, lâm nghiệp: Trong những năm 1987-1988, thời tiết không thuận lợi, hai vụ lúa chiêm, mùa đều bị thất thu, Thái Nguyên mở rộng sản xuất vụ đông và đưa ngô xuân xuống chân ruộng 1 vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực của Thái Nguyên vẫn đạt bình quân 181.763 tấn/năm, ngang mức những năm được mùa.

Năm 1988, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (Khoán 10). Sau gần 1 năm thực hiện Khoán 10, năm 1989, Thái Nguyên đã đạt 194.873 tấn lương thực; bình quân lương thực theo đầu người đạt 240kg.

Lần đầu tiên Thái Nguyên giải quyết được vấn đề lương thực ở cả hai khu vực sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp, diện tích, sản lượng các loại cây công nghiệp đều tăng qua các năm.

Chăn nuôi phát triển khá vững chắc. Trong vòng 5 năm (1986-1990) đàn trâu, bò từ 115.412 con tăng lên 140.258 con; đàn lợn từ 225.947 con tăng lên 254.909 con.

Về lâm nghiệp, Thái Nguyên coi trọng mục tiêu bảo vệ và trồng rừng, thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ quản lý, kinh doanh.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phần lớn trong số 59 xí nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu tự mình thoát ra khỏi tình trạng trì trệ và có hướng đi lên.

Năm 1990, Xí nghiệp Liên hiệp gang thép Thái Nguyên sản xuất được 6 vạn tấn thép, vượt kế hoạch 55%, tăng hơn năm trước 1 vạn tấn; Công ty Xây lắp II từ 6 mặt hàng đã vươn lên sản xuất 20 mặt hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp.

Sản xuất vật liệu xây dựng đã được mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia. Hoạt động văn hóa - thông tin được duy trì thường xuyên; sự nghiệp giáo dục có bước chuyển biến. Đặc biệt, ngành Y tế có sự chuyển hướng tích cực, đã đưa việc chăm sóc sức khỏe ban đầu về cơ sở…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202311/cung-ca-nuoc-thuc-hien-cong-cuoc-doi-moi-405132d/