Cùng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới

Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp 09/CTr-BCA-MTTW giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về 'Đẩy mạnh phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc' trong tình hình mới' (giai đoạn 2013 - 2023), Công an tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên thống nhất ban hành chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2033.

Thời gian qua, chương trình phối hợp nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của từng thành viên, tạo thành hệ thống, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức 25.400 buổi tuyên truyền, gần 1,2 triệu lượt người tham dự; phát 503.148 thư kêu gọi tố giác tội phạm, 502.358 tờ bướm tuyên truyền...

Qua đó, quần chúng Nhân dân cung cấp 53.679 tin tố giác tội phạm, trong đó 15.645 tin có giá trị, giúp các cơ quan chức năng điều tra làm rõ 8.574 vụ, liên quan 12.937 đối tượng, triệt xóa hơn 10.600 tụ điểm cờ bạc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức tuyên truyền 919 buổi, vận động 56.210 lượt người tham gia thực hiện chỉ tiêu 19.2, đa số là thành viên ban quản lý xây dựng nông thôn mới, lực lượng nòng cốt, hội viên, ban nhân dân ấp, tổ tự quản và Nhân dân ở địa bàn cơ sở.

Ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2033

Mục tiêu ký kết giai đoạn mới, các đơn vị tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", nhằm chủ động phòng ngừa, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quá trình phối hợp hướng đến tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng công an với UBMTTQ, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cùng tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức triển khai, thực hiện chủ trương, biện pháp về đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tiếp tục gắn kết phong trào với các cuộc vận động, phong trào cách mạng do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Giai đoạn 2023 - 2033, các đơn vị sẽ thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là các kế hoạch, chỉ thị, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong tình hình mới”. Coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Toàn tỉnh phối hợp triển khai hiệu quả các chiến lược quốc gia, chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người… Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Xây dựng và phát động phong trào trên các địa bàn, lĩnh vực; trong đó, chú trọng địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, trung tâm thị xã, thành phố và khu vực trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự.

Cùng với đó, phối hợp vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, lên án những hành vi vi phạm pháp luật, giám sát người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa; gắn phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" với thực hiện các cuộc vận động, phong trào cách mạng do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Các đơn vị tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong xây dựng, tham gia phong trào; nâng cao chất lượng Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8) và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hàng năm. Đăng ký thi đua, triển khai, xây dựng khóm, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục “An toàn về an ninh, trật tự”; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cung-bao-ve-an-ninh-to-quoc-trong-tinh-hinh-moi-a394180.html